Thực tập sinh về nước... chạy xe ôm, làm thợ xây
02-06-2017 08:34 GMT+7
Có 61% thực tập sinh Nhật Bản khi trở về Việt Nam phải làm trái ngành. Trong khi đó các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam vẫn đang khát nhân lực.
Đây là kết quả nghiên cứu được Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đưa ra trong hội thảo "Tăng cường trao đổi nhân lực Việt Nam - Nhật Bản" thông qua chương trình thực tập sinh kỹ năng được tổ chức mới đây.
"Ế việc" do đòi hỏi quá cao
Theo Ngài Umeda Kunio, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam, số lượng thực tập sinh (TTS) Việt Nam được phái cử sang Nhật Bản trong thời gian gần đây đã tăng lên nhanh chóng. Chỉ tính riêng năm 2016, lượng TTS Việt Nam được cử sang Nhật đã lên tới 40.000 người, nâng tổng số thực tập sinh Việt Nam tại Nhật Bản tính đến cuối năm 2016 ước đạt trên 90.000 người. Việt Nam đang vượt qua Trung Quốc, trở thành nước có số thực tập sinh cao nhất tại Nhật Bản.
Ông Nguyễn Lương Trào, Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam, nhận định rằng chương trình TTS tại Nhật Bản sẽ đem lại cơ hội lớn cho lao động trẻ; không chỉ giúp các thực tập sinh nâng cao thu nhập mà còn là cơ hội để tiếp xúc với nền công nghiệp tiên tiến, thái độ làm việc khoa học, cần cù, chuyên nghiệp rất cần thiết cho sự phát triển kỹ năng nghề nghiệp trong tương lai.
Trong phần trình bày nghiên cứu của VEPR, TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR chỉ ra rằng, lượng TTS trở về nước đang tăng lên rất nhanh. Tuy nhiên trình độ, nguyện vọng của thực tập sinh sau khi về nước lại không tương xứng với nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp tại địa phương, gây ra sự khập khiễng về kỹ năng trên thị trường lao động.
Cụ thể, hiện nay có đến 61% TTS sau khi trở về Việt Nam làm những công việc không liên quan đến những việc đã làm ở Nhật Bản. Nhiều người trong số đó thậm chí đi làm những việc như lái xe ôm, thợ xây hoặc quay về nghề cũ sau khi mất hàng trăm triệu sang Nhật làm việc và học tập. Nếu như trước khi sang Nhật, tỷ lệ người thất nghiệp trong số TTS là 5,26% thì sau khi trở về số người thất nghiệp đã tăng lên thành 11,4%.
Vậy câu hỏi đặt ra là nhu cầu của các đơn vị tuyển dụng TTS Nhật Bản về nước đến đâu? Trả lời vấn đề này, TS Thành lấy ví dụ đơn cử trường hợp của tỉnh Hà Nam, một trong những tỉnh đang thành công trong việc thu hút các dự án và có số lượng TTS sang Nhật Bản khá cao. Dự báo đến năm 2020, Hà Nam sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt về lao động, nếu sự chuyển dịch về lao động không đáp ứng được nhu cầu của ngành công nghiệp.
Không riêng gì Hà Nam, mà trên các tỉnh thành khác, dù vẫn đang trong cơn "khát" lao động, song các nhà tuyển dụng hiện nay vẫn còn e ngại trong việc tuyển TTS về nước vào làm việc. Lý giải nguyên nhân này, TS Thành cho hay, qua phỏng vấn, làm việc với các chủ doanh nghiệp (DN), phần lớn họ đều cho rằng TTS thường yêu cầu mức lương cao hơn so với trung bình mà DN có thể trả. Mức chênh lệch này khoảng 100 USD/ tháng. Trong khi đó, nguồn lao động trong nước hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng cho các vị trí này với mức lương thấp hơn. "Nếu như DN không thấy điểm nào đặc biệt, khác so với các ứng viên trong nước từ các thực tập sinh thì họ không có lý do gì để trả một khoản tiền cao hơn", TS Thành chỉ rõ.
Giải bài toán lãng phí lao động thế nào?
Các chuyên gia có mặt trong hội thảo cũng cho rằng, nhiều TTS sang Nhật vẫn chăm chăm tư tưởng làm giàu, kiếm tiền mà chưa chủ động học tập kiến thức chuyên môn, ngôn ngữ, kỹ năng mềm của người Nhật dẫn đến việc TTS không có gì ngoài vài trăm triệu sau khi về nước.
Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Lương Trào, Chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu lao động Việt Nam cho rằng có việc làm thu nhập cao là mong muốn của nhiều người. Đối với TTS, để giải bài toán này, họ phải đáp ứng yêu cầu cao về kỹ năng của chủ sử dụng Nhật Bản tại Việt Nam. "Về tiếng Nhật, trong thời gian 3 năm, TTS phải phấn đấu học tập mọi lúc mọi nơi để đạt được trình độ N2. Tôi tin chắc, khi đạt N2, các bạn sẽ nói tốt hơn những sinh viên học ngành Ngôn ngữ Nhật ở trong nước bởi lợi thế được giao tiếp hàng ngày, hàng giờ với người bản xứ. Nhiều TTS trở về, đã trở thành giám đốc của công ty Nhật Bản tại Việt Nam. Tôi nhấn mạnh, người lao động muốn có việc làm với thu nhập cao thì phải ý thức phấn đấu trang bị kiến thức cho mình", ông Trào khuyến cáo.
Ngoài ra Chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu lao động Việt Nam cũng cho rằng người lao động cần xác định mục đích kiếm tiền là quan trọng nhưng không phải là duy nhất và mang tính chiến lược. Hơn hết, TTS cần có một cái nhìn xa hơn để chú trọng trau dồi những kỹ năng, kiến thức cần thiết cho công việc sau khi về nước. Các D phái cử cũng cần phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò tư vấn, định hướng cho TTS ngay khi còn trong nước. Có như vậy mới hạn chế được tình trạng lao động bỏ trốn, làm "chui" tại Nhật, cũng như chuẩn bị điều kiện đầy đủ để trở về thích ứng với thị trường lao động Việt Nam.
Ở một khía cạnh khác, TS thành cũng chỉ ra rằng, qua nghiên cứu cho thấy sự thiếu minh bạch và thiếu chia sẻ thông tin trên thị trường lao động khiến chi phí tuyển dụng TTS đang ở mức cao, tạo áp lực thu nhập ảnh hưởng đến tâm lý học tập và động lực tích lũy kỹ năng của đối tượng này. Viện trưởng Viện VEPR đưa ra minh chứng cụ thể rằng nếu theo quy định, thực tập sinh đi Nhật Bản 3 năm chi phí phải nộp không quá 3.600 USD, nhưng thực tế chi phí này có nơi lên đến 5.300 USD. Chi phí đầu vào cao, khiến không ít người muốn sang Nhật làm việc đã phải vay nợ, số tiền vay nợ trung bình là 4.700 USD/người. Nếu không may "vớ’ phải công ty lừa đảo, sau 3 năm trở về vẫn còn trắng tay, thậm chí lỗ vốn. Từ đó thực tập sinh khi sang Nhật chỉ quay cuồng kiếm tiền lo trả nợ.
Để giải quyết bài toán về việc làm khi hồi hương cho các TTS Nhật Bản, nhóm nghiên cứu của TS Thành kiến nghị Chính phủ cần hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm hỗ trợ DN phái cử quản lý thực tập sinh. Cải thiện tính minh bạch trong hoạt động trao đổi thực tập sinh, giảm vai trò của môi giới, nâng cao vai trò và năng lực của DN phái cử để từ đó hạ thấp phí tuyển dụng, đỡ gánh nặng cho TTS để họ chuyên tâm tích lũy kỹ năng, tri thức ngay từ những ngày đầu sang Nhật Bản. |
- Nhân viên kinh doanh, chăm sóc khách hàng Công Ty TNHH Thịnh Gia Huy
- Nhân viên kiểm soát chất lượng, QC Công Ty TNHH Thịnh Gia Huy
- Nhân viên kỹ thuật xây dựng dân dụng Công Ty TNHH MTV DPT
- Nhân viên vật tư Công Ty Cổ Phần Công Nghiệp Đông Hưng
- Nhân viên kinh doanh Công Ty Cổ Phần Công Nghiệp Đông Hưng
- Nhân viên kế hoạch mua hàng sản xuất Công Ty TNHH MTV Kỹ Thuật Tú Lộc
- Chuyên viên mua hàng Tập Đoàn Kim Tín
- Trưởng ca sản xuất Tập Đoàn Kim Tín
- Nhân viên pháp lý Công Ty Cổ Phần Xây Dựng Phước Thành
- Nhân viên dự toán đấu thầu Công Ty Cổ Phần Xây Dựng Phước Thành