Cẩm nang việc làm

Thực tập sinh bị lãng quên

03-06-2017 08:53 GMT+7

Thông qua Chương trình Thực tập sinh đi Nhật Bản, trong những năm trở lại đây đã có hàng chục nghìn thanh niên được tiếp cận những kỹ năng công nghệ sản xuất tiên tiến cùng tác phong làm việc chuyên nghiệp của người Nhật.

Đây được xem là nguồn nhân lực chất lượng cao của Việt Nam, khi số thực tập sinh (TTS) này trở về và tham gia vào thị trường lao động trong nước. Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy, nguồn nhân lực này còn chưa được tận dụng và phát huy hiệu quả.

 

"Vênh" giữa trình độ và nguyện vọng

 

Số lượng các TTS kỹ năng Việt Nam được phái cử sang Nhật Bản trong 5 năm gần đây đã tăng gấp 10 lần. Tính đến cuối năm 2016 ước đạt trên 90.000 người, đưa số lượng TTS của Việt Nam đứng đầu tại Nhật Bản. Theo Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), từ Chương trình Thực tập sinh kỹ năng làm việc tại Nhật Bản, lao động Việt Nam được đào tạo nhiều kỹ năng lao động chất lượng cao. TTS có thể kiếm được 44.500 USD. Sau khi trừ các khoản chi phí ban đầu, TTS Việt Nam có thể tiết kiệm được 23.000 USD sau thời gian lao động tại Nhật Bản.

 

Tuy nhiên, cũng theo nghiên cứu của VEPR, công việc tại Nhật Bản của 49% TTS không liên quan đến công việc mà họ đã làm hoặc từng học trước đó. Hiện nhiều TTS Việt Nam từ Nhật Bản về không phát huy được các kỹ năng đã được đào tạo tại Nhật Bản, thậm chí khó hòa nhập với xã hội và môi trường làm việc dù có những "kỹ năng quốc gia của Nhật". Có 61% TTS sau khi về Việt Nam lựa chọn công việc không liên quan đến công việc đã làm tại Nhật Bản. Khảo sát TTS theo loại hình nghề nghiệp thì trước khi đi Nhật, 5,26% TTS thất nghiệp nhưng sau khi về thì số lượng thất nghiệp lại tăng lên đến 11,4%.

 

Nguồn nhân lực chất lượng cao từ các thực tập sinh ở nước ngoài trở về vẫn khó tìm việc

 

Nguyên nhân của tình trạng trên được cho là TTS Việt Nam tại Nhật được đào tạo những kỹ năng lao động chất lượng cao, có thu nhập cao nhưng khi về nước họ không tìm được việc làm, do trình độ và nguyện vọng của TTS không phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp (DN) trong nước. Vấn đề này đang gây ra sự lãng phí nguồn nhân lực đã được đào tạo tại một trong những thị trường lao động chất lượng cao của thế giới.

 

Tiềm năng còn bỏ ngỏ

 

Theo ông Umeda Kunio - Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, hiện nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đã đầu tư vào Việt Nam, nhất là các DN nhỏ và vừa. Các DN này rất chú ý đến năng lực ngoại ngữ, chuyên môn của những TTS kỹ năng đã làm việc tại Nhật Bản và nhu cầu tuyển dụng đối với các TTS ngày càng gia tăng.

 

Chia sẻ về vấn đề việc làm cho người lao động (NLĐ) xuất khẩu hồi hương, ông Nguyễn Lương Trào - Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu lao động (XKLĐ) Việt Nam - cho rằng, có việc làm thu nhập cao là mong muốn chung của NLĐ, trong đó có TTS sau khi từ Nhật Bản về nước. Muốn vậy, bản thân NLĐ phải đáp ứng được yêu cầu của DN nước ngoài tại Việt Nam, nghĩa là trong thời gian đi XKLĐ, NLĐ cần tích lũy kỹ năng, tri thức, ngoại ngữ... để sẵn sàng chủ động tìm việc sau khi hết hợp đồng lao động. NLĐ về nước có nhiều hoàn cảnh khác nhau nên không phải NLĐ nào cũng dễ dàng tìm được công việc có thu nhập cao nên phải vượt qua, không nên thụ động chờ việc "tìm đến mình".

 

Để tận dụng và khai thác có hiệu quả nguồn lao động có kỹ năng sau XKLĐ về nước, các chuyên gia lao động khuyến nghị các cơ quan quản lý Nhà nước cần phải chú trọng thúc đẩy các chính sách hỗ trợ và khuyến khích để NLĐ yên tâm về nước sau khi hết hợp đồng lao động. Cần có thêm giải pháp hỗ trợ DN và NLĐ về nước. Trong vai trò cầu nối việc làm, cơ quan quản lý cần mở rộng việc thông báo công khai và cập nhật liên tục thông tin về thị trường lao động trong nước, nước ngoài trên các trang web để nâng cao hiệu quả kết nối cung - cầu.

 

Năm 2016, Việt Nam đưa 126.000 người đi làm việc tại nước ngoài, vượt 26% so với kế hoạch. Số lao động đi làm việc tại nước ngoài về nước cũng tăng lên tương ứng. Đây là nguồn nhân lực chất lượng cao cần được tận dụng và khai thác hiệu quả.
Theo Anh Quang - Báo Giáo dục và Thời đại