Cẩm nang việc làm

Tay nghề thấp dễ mất việc

10-11-2017 08:41 GMT+7

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 bùng nổ sẽ mang tới nhiều cơ hội, nhưng cũng không ít thách thức cho lực lượng lao động Việt Nam

Một trong những thách thức đó là xu hướng máy móc dần thay thế con người trong nhiều phần việc, đe dọa vị trí việc làm của không ít lao động giản đơn, chưa qua đào tạo. Chính vì thế, việc nâng cao chất lượng, kỹ năng nghề cho người lao động (NLĐ) ngày càng là yêu cầu cấp thiết.

 

Công nhân còn ngại học nghề

 

Học dở chừng THPT, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, cộng với năng lực học tập hạn chế, Nguyễn Ngọc Tùng - ở Hoài Đức, Hà Nội, theo bạn bè xin đi làm công nhân (CN) rong KCN Bắc Thăng Long. Yên tâm vì đã có công việc, thu nhập ổn định, Tùng không bao giờ có ý định đi học nâng cao tay nghề hoặc học thêm một nghề nào đó.

 

 

Cuộc sống của Tùng đang yên ổn với ngày ngày đi làm đầy đủ, cuối tháng lĩnh lương... thì bỗng nhiên, công ty nơi Tùng làm việc do gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh đã phải thu hẹp nhà xưởng, cắt giảm lao động và Tùng nằm trong số lao động bị cắt giảm bởi "tay nghề chưa cao, năng suất làm việc thấp". Tùng quyết định tạm nghỉ việc, lấy vợ, sinh con rồi sau đó sẽ tìm công việc khác. Cuộc sống cứ dần trôi, mặc dù giờ đây khi ngay ở quê Tùng sinh sống cũng như địa phương lân cận đã mọc lên nhiều khu công nghiệp với rất nhiều doanh nghiệp, nhưng Tùng vẫn không thể tìm kiếm việc làm.

 

PGS.TS Vũ Quang Thọ - Viện trưởng Viện Công nhân- Công đoàn (thuộc Tổng LĐLĐ Việt Nam) cho biết, đa phần lao động trong các khu công nghiệp là lao động nông nghiệp, nhiều người trong số đó chưa từng học nghề. Trong khi đó, các doanh nghiệp (DN) thích tuyển dụng CN không có kỹ năng, sau đó tập huấn ngắn hạn. Vì vậy, tới đây, cách mạng 4.0 đặt ra thách thức kiểu "một mất một còn" với CN. Nếu kỹ năng lao động của CN không thay đổi, khả năng mất việc sẽ rất cao.

 

Nguyên do, đa phần CN không hiểu về cách mạng 4.0. Họ không nhận biết thời cuộc đang thay đổi nếu không tự mình vận động, nâng cao kỹ năng nghề thì họ đang bước dần tới thất nghiệp. Lý do, "Ngoài 30 rồi, học hành bằng cấp không có, thật khó xin việc làm, kể cả công việc giản đơn nhiều nơi cũng chỉ tuyển lao động trẻ, hoặc đã qua đào tạo. Hơn nữa, tôi chẳng biết làm gì ngoài công việc lắp ráp linh kiện điện tử mà tôi đã từng làm, trong khi công việc ấy bây giờ các bạn trẻ làm thành thạo hơn nhiều"- Tùng cho hay.

 

Khác với Tùng là chưa bị thất nghiệp, nhưng chị Nguyễn Thị Hoa, CN một công ty may trong KCN Vĩnh Tuy, quận Hoàng Mai cũng đang thấp thỏm, lo lắng. Chị Hoa kể, dù không được đào tạo về may mặc, nhưng chị cũng vẫn được nhận vào làm việc trong một công ty may.

 

Cũng có nhiều lần, chị bị quản đốc nhắc nhở về việc cần phải trau dồi thêm nghề nghiệp vì tay nghề chưa cao, sản phẩm làm ra còn có những lỗi sai, hỏng thế nhưng "nhắc thì nhắc thế thôi, chứ tôi vẫn chưa bị đuổi việc, vả lại công ty không bố trí thời gian, không hỗ trợ kinh phí để đi học. Nếu tôi xin nghỉ việc để đi học thì sẽ bị trừ lương, rồi mất tiền học phí, chả dại gì mà đi học"- chị Hoa nói. Cũng theo chị Hoa, đợt này, công ty đang rà soát lại các lao động tay nghề không cao để thực hiện dừng hợp đồng khi hết thời hạn. "Hợp đồng công ty ký với tôi là 3 năm, chỉ còn không đầy 6 tháng nữa là hết hạn, tôi lo lắm, nếu thất nghiệp thì không biết tôi sẽ sống ra sao, mà bây giờ đi học nghề thì không còn kịp"- chị Hoa lo lắng.

 

Không riêng những lao động kể trên, tâm lý ngại học, ngại trau dồi nghề nghiệp là tâm lý của một bộ phận không nhỏ người lao động. Khi công việc vẫn bình ổn, đều đều, ngày ngày đi làm, cuối tháng lĩnh lương thì không mấy ai nghĩ đến việc bỏ thời gian, tiền bạc để đi học, nhất là trong bối cảnh thu nhập của người lao động còn hạn chế, cuộc sống còn nhiều điều phải lo toan, chắt bóp.

 

Ngoài ra, nhiều lao động ở các khu công nghiệp cho rằng, bản thân doanh nghiệp cũng không muốn lao động đi học nghề hay nâng cao kỹ năng nghề, bởi việc này mất khá nhiều thời gian, ảnh hưởng tới sản xuất.

 

Phải chủ động thích nghi

 

Theo thống kê của cơ quan chức năng, cả nước ta có tới 54 triệu lao động, nhưng lực lượng lao động dồi dào này hiện nay sẽ không còn là thế mạnh khi cuộc cách mạng 4.0 diễn ra mạnh mẽ.

 

Bởi lẽ, trong thời đại công nghiệp, một cỗ máy có thể thay thế hàng trăm con người, khiến lực lượng lao động tay nghề kém, yếu về chuyên môn sẽ bị mất việc làm. Trong khi đó, thống kê của các cơ quan chức năng cho thấy, số lượng lao động qua đào tạo nghề ở nước ta mới đạt hơn 30%; năng suất lao động còn thấp so với nhiều nước trong khu vực. Vì vậy, tới đây, cách mạng 4.0 đặt ra thách thức kiểu "một mất một còn" với CN. Nếu kỹ năng lao động của CN không thay đổi, khả năng mất việc sẽ rất cao. Nguyên do, đa phần công nhân của chúng ta không hiểu về cách mạng 4.0. Họ không nhận biết thời cuộc đang thay đổi nếu không tự mình vận động, nâng cao kỹ năng nghề thì họ đang bước dần tới thất nghiệp.

 

Khảo sát mới đây của Viện Khoa học lao động cho thấy, một số Công ty như Canon, Công ty may 10... cũng đã nhập một số dây chuyền máy móc hiện đại thay thế cho công nhân. Một máy cắt ở xí nghiệp may có thể thay thế cho 15 lao động trong dây chuyền. Trong khi thời gian hoàn vốn chỉ là 18 tháng, khả năng lao động bị thay thế bởi máy móc là rất hiện hữu.

 

Ông Phạm Minh Huân - nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng cho rằng, cần phải nâng cao vị thế của lao động Việt Nam khi bước vào cuộc cách mạng 4.0. Lâu nay Việt Nam được biết đến như là quốc gia có lao động giá rẻ, làm dây chuyền. Thế nên, nếu tới đây bước vào cuộc cách mạng 4.0 thì lợi thế này sẽ bị mất đi. Theo ông Huân, trước hết phải coi trọng việc đào tạo lao động trẻ theo công nghệ mới, thứ hai là đào tạo lại cho lao động có tuổi đang lao động mà bị mất việc. Ngoài ra cũng cần hỗ trợ lao động bằng việc tăng cường hỗ trợ từ Quỹ lao động việc làm để đào tạo lao động gặp rủi ro, giúp họ tiếp tục tham gia vào thị trường lao động".

 

Tại Diễn đàn "Hợp tác Việt Nam - Nhật Bản trong xu thế hội nhập kinh tế ở châu Á - Thái Bình Dương" được tổ chức mới đây, TS. Yashiro Hiroaki, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) cho rằng: Cuộc cách mạng 4.0, nơi "người máy sẽ thay thế lao động" là những gì đang diễn ra tại Nhật Bản nhưng tại các quốc gia có lực lượng lao động dồi dào như Việt Nam thì hậu quả của việc áp dụng trí tuệ nhân tạo vào cuộc cách mạng 4.0 này có thể sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến NLĐ. Bởi khi máy móc thay thế con người thì nhiều lao động với tay nghề thấp sẽ bị mất việc. "Đây là những công nghệ 'tiết kiệm lao động' nên rất khó để tạo ra các cơ hội việc làm cho người lao động, vì vậy, chúng ta chỉ có thể nâng cao chất lượng nguồn lao động lên để CN có có thể sử dụng được các máy móc này, nhờ đó, công nhân mới được hưởng lợi từ Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0"- , TS. Yashiro Hiroaki nói.
Ngọc Tú - Lao động Thủ đô