Cẩm nang việc làm

Những chiếc bóng vật vờ

20-11-2017 09:44 GMT+7

Có bao giờ bạn tự hỏi tại sao mình làm mãi mà chẳng được đề bạt, bổ nhiệm vào các cương vị cao hơn?

Có bao giờ bạn tự hỏi tại sao mình không được lãnh đạo, đồng nghiệp tin tưởng, đánh giá cao? Có bao giờ bạn tự hỏi vì sao sau bao nhiêu năm làm việc, bạn vẫn lình xình như lục bình trôi và trong lĩnh vực ngành nghề của mình, chẳng ai biết bạn là ai?

 

Nếu bạn chưa bao giờ tự đặt những câu hỏi ấy với chính mình thì có nghĩa bạn sẽ tiếp tục những ngày tháng trước mặt giống như những ngày tháng đã qua. Và việc bạn tồn tại trong guồng máy là bởi bạn "vô hình" trước mặt lãnh đạo chứ không phải vì bạn là người không thể thay thế.

 

Gần đây, người ta hay nói đến hội chứng "zombie công sở". Đây là cách những người làm nhân sự nói về những nhân viên không gắn kết, không làm việc hết sức mình nhưng cũng không ra đi mà làm việc kiểu cầm chừng, được chăng hay chớ.

 

 

Đây không phải là hiện tượng lạ. Tôi đã từng có những nhân viên "rất lạ lùng". Khi họ làm sai, tôi sửa cho họ, chỉ cho họ thấy cái sai. Nhưng lần sau, họ tiếp tục sai giống như vậy. Nhiều lần như vậy, tôi nản không muốn nhắc nhở nên âm thầm sửa cho họ. Kết quả là 10 năm sau, những nhân viên ấy vẫn giậm chân tại chỗ. Người được cất nhắc lên chức vụ cao nhất là tổ trưởng tổ 3 người. Nhưng cũng chỉ được vài tháng rồi phải đổi người khác vì anh ta lo việc của mình không xong, lấy đâu làm lãnh đạo?

 

Mỗi chúng ta khi làm một công việc gì đó đều đặt ra cho mình mục đích. Có người đặt mục tiêu thăng tiến, lương cao; có người đặt mục tiêu đạt tới chức vụ này khác trong hàng ngũ lãnh đạo, cũng có người muốn làm thật giỏi để trở thành những chuyên gia hàng đầu. Giản dị hơn thì có người đạt mục tiêu công việc ổn định, tiền lương đủ sống để chăm lo tốt cho gia đình… Nói chung, ai cũng có mục đích sống và làm việc. Với người này mục đích cao cả, với người kia mục đích bình thường. Thế nhưng, hầu hết đều có mục đích.

 

Còn nếu như bạn đi làm việc mà chẳng có mục đích gì cả, chẳng có động cơ phấn đấu gì cả thì tôi khuyên bạn nên nghiêm túc nhìn lại bản thân mình. Có lẽ ngay từ đầu bạn đã chọn sai đường nên không tìm thấy sự đam mê, hứng thú trong công việc. Vậy thì nên thay đổi. Không có sự bắt đầu nào là muộn.

 

Tôi có những người bạn già. Rất nhiều người trong số họ khi được hỏi ở độ tuổi này, họ mong ước điều gì nhất thì câu trả lời là "muốn được sống lại thời tuổi trẻ". Khi ấy họ sẽ làm việc này, việc kia, việc nọ - những việc mà khi còn trẻ họ đã không quan tâm, không cố gắng làm.

 

Vậy nên, nếu bạn còn trẻ thì hãy làm việc chăm chỉ, hết mình để khi về già không hối tiếc vì đã lãng phí khoảng thời gian tươi đẹp, tràn đầy sinh lực của một đời người.

Thanh Nguyễn