Cẩm nang việc làm

Người tranh hết việc của đàn ông

23-05-2017 07:39 GMT+7

Không dám khẳng định nhưng có lẽ chị là người phụ nữ duy nhất ở dải đất miền Trung dám vượt qua những định kiến, quan niệm khắt khe để đầu tư mở xưởng sửa chữa và đóng mới tàu cá cho ngư dân vươn khơi.

Chị là Hoàng Thị Sửu, Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ tàu biển Bảo Ninh, TP Đồng Hới (Quảng Bình).

 

Vượt qua "định kiến"

 

Không muốn đi sâu tìm hiểu nhưng khi nghe chị giới thiệu mình sinh năm 1974 - tuổi Giáp Dần nhưng lại được đặt tên là... Sửu, tôi hiểu vì sao chị có tố chất mạnh mẽ của... đàn ông. Sinh ra bên chân sóng, lớn lên bên mạn tàu, trong một gia đình lấy nghề đi biển làm nghiệp mưu sinh ở làng chài Bảo Ninh, hơn ai hết chị thấu hiểu nỗi vất vả và cả sự hiểm nguy của ngư dân khi tàu mình bị hỏng hóc.

 

"Hồi còn nhỏ, cứ mỗi lần tàu của gia đình bị hỏng hóc, cha tôi lại phải rất vất vả mới đưa được tàu đến nơi sửa chữa. Một mặt khi ấy, cả tỉnh Quảng Bình chỉ có một hai chỗ đóng và sửa chữa tàu thuyền, mặt khác cơ sở vật chất của các xưởng cũng sơ sài nên mỗi lần sửa, phải chờ cả tuần liền mới đến lượt, lỡ cả những chuyến vươn khơi. Tôi tự nhủ, sau này lớn lên sẽ tự mình mở một xưởng đóng và sửa chữa tàu cá để giúp cho gia đình và bà con ngư dân trong xã bớt cực", chị Sửu mở đầu câu chuyện với chúng tôi.

 

Thời gian cứ thế trôi qua, trong chốc lát ước mơ của chị tưởng như bị "vùi lấp" khi chị quyết định lấy chồng, sinh con. Cuộc sống thực tại không như chị nghĩ, nhất là khi hai đứa con ra đời, chuyện cơm áo hàng ngày đã buộc chị phải đưa ra lựa chọn khó khăn nhất, đó là rời xa tổ ấm của mình để bôn ba sang tận trời Tây. Sau 7 năm ròng rã nơi đất khách, chị trở về quê hương khi hai đứa con đã đến trường đến lớp. Mặc dù con gái càng ngày càng lớn, nhưng lòng chị vẫn thắt lại khi thấy chúng vẫn "ngờ nghệch", thiệt thòi hơn các bạn cùng trang lứa, chị hiểu vì chúng thiếu đi bàn tay chăm sóc của mẹ. Không đắn đo suy nghĩ, chị quyết định kiếm kế sinh nhai nơi quê nhà, mục đích duy nhất là để được ở gần chăm sóc và bù đắp cho con sau những ngày tha phương.

 

Tích góp được một số vốn, dù không nhiều nhưng cũng đủ để cho chị buôn bán làm ăn, ổn định cuộc sống. Nếu như người khác, chắc hẳn họ đã chọn cho mình phương án khởi nghiệp nhẹ nhàng, phù hợp với sức vóc, tính cách thường thấy của người phụ nữ, tuy nhiên với chị, chị lại chọn cho mình cái nghề mà chỉ có đàn ông mới dám làm, được làm là mở xưởng sửa chữa và đóng mới tàu cá, cố biến ước mơ từ nhỏ của mình trở thành hiện thực.

 

Khi đưa ý định của mình ra bàn bạc với gia đình, chị hầu hết nhận được sự phản đối quyết liệt. Sở dĩ như vậy là bởi, người làng biển trước đây vốn có những định kiến rất khắt khe với phụ nữ. "Cũng dễ hiểu, quanh năm sống đời sông nước, họ... kiêng kỵ những gì liên quan đến phụ nữ, đặc biệt con tàu vốn là tài sản, là phương tiện mưu sinh, là mạng sống của cả gia đình thì sự kiêng kỵ ấy là hiển nhiên", chị Sửu nhớ lại. Dồn hết tâm lực, vốn liếng tích góp được, chị vượt qua những định kiến khắt khe và bắt tay vào việc mở xưởng vào thời gian đầu năm 2011. Thời gian đầu, do không lường được hết những khó khăn khi nguồn vốn xưởng đóng tàu phải đầu tư lớn, trong khi khách hàng lại rất e dè khi đến xưởng vì dù sao chị cũng là phụ nữ. Vì vậy chị lâm vào cảnh thu không đủ bù chi, túng bấn, nợ nần. Lúc ấy, bố mẹ, người thân trong gia đình khuyên chị nên buông bỏ, rồi cho chị ít vốn để buôn bán nhỏ, kiếm tiền nuôi con ăn học, bằng lòng với cuộc sống yên ổn, an nhàn. Không phải chị không suy nghĩ đến "viễn cảnh" ấy, nhưng mỗi ngày hình ảnh những người thợ đang cùng chị gồng gánh, thậm chí những khi chị thiếu tiền, họ để chị nợ 3 tháng lương mà không hỏi han gì, chị nghĩ mình cần làm một điều gì đó để thay đổi, chứ không thể ngồi chờ công sức, tiền bạc trôi sông trôi biển được.

 

Hữu xạ tự nhiên hương

 

Trước hết, để có thêm kinh nghiệm, một mình chị khăn gói lên đường vào Bình Định, Phú Yên, Nha Trang, tìm đến những xưởng đóng tàu lớn, phương tiện máy móc hiện đại xin học nghề. Ban đầu cũng nhiều người tỏ vẻ hoài nghi, ái ngại khi chị là phụ nữ lại đi học cái nghề nặng nhọc của đàn ông. Tuy nhiên, khi chị trình bày nguyện vọng, muốn được học nghề để thay đổi phương thức sửa chữa ở địa phương, một chủ xưởng đóng tàu ở Bình Định đồng ý nhận chị vào học nghề, sau đó cùng chị về quê giúp cải tạo lại xưởng. Thấy đã đủ điều kiện "làm ăn lớn", chị mạnh dạn vay vốn ngân hàng đầu tư máy móc, thiết bị công nghệ hiện đại để dễ dàng kéo được những con tàu lớn lên xưởng mà không tốn nhiều công sức như trước đây.

 

Cùng với việc cải tạo xưởng, đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại, chị tiếp tục "thu hút nhân tài", những người thợ có tay nghề cao về đầu quân cho mình bằng những chính sách đãi ngộ tốt, lương cao. Tiếng lành đồn xa, những ngư dân trước đây vốn dè dặt với xưởng của chị, chỉ sau thời gian ngắn đã bắt đầu tìm đến.

 

Năm 2013, sau 1 năm đi vào "tái cơ cấu", xưởng sửa chữa, đóng tàu của chị đã lấy được lòng tin của khách hàng khắp các địa phương trong tỉnh Quảng Bình. Đến năm 2015, để thuận lợi hơn cho hoạt động của mình, chị quyết định thành lập Công ty TNHH dịch vụ tàu biển Bảo Ninh với số vốn 4,5 tỷ đồng. Đến nay, với đội thợ lành nghề hơn 40 người, hàng tháng, công ty của chị sửa chữa cho hơn 40 lượt tàu thuyền. Bình quân mỗi năm công ty của chị đóng mới 10 chiếc tàu. Riêng năm 2015, đóng mới và hạ thủy 13 chiếc, trong đó có 4 chiếc trọng tải 800 CV theo Nghị định 67.

 

"Hiện tại, chúng tôi đã có đủ điều kiện để đóng các tàu có công suất khoảng 1000CV. Và cứ mỗi lần có những con tàu công suất lớn như thế xuất xưởng, dũng mãnh vươn ra biển lớn, tôi vẫn luôn tự nhủ với lòng mình rằng, sẽ cố gắng nhiều hơn nữa để không phụ lòng những người đã đặt niềm tin, sự kỳ vọng và thậm chí cả tài sản, tính mạng của họ cho mình", chị Sửu tâm sự. Với chúng tôi, điều đọng lại là từ chỗ không ai tin chị Sửu làm được thì nay ai cũng thấy chị Sửu đã thành công...

Theo D.Hùng - Báo Công an TP Đà Nẵng