Cẩm nang việc làm

Lãng phí nhân lực khi sa thải công nhân ở lứa tuổi 35 - 40

18-07-2017

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực quan hệ lao động, thực trạng một số doanh nghiệp chủ động lách luật để chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động tuổi đời từ 35 - 40 là có.

Nguyên nhân chủ yếu là doanh nghiệp (DN) thay đổi công nghệ sản xuất - bớt dần lao động thủ công; tiết kiệm chi phí trả lương và đóng các khoản BHXH cho người lao động (NLĐ_đã làm việc lâu năm tại DN; chuyển đổi địa điểm sản xuất để tìm kiếm thị trường lao động giá rẻ…

 

PGS-TS Nguyễn Thị Lan Hương

 

Trao đổi với phóng viên, PGS-TS Nguyễn Thị Lan Hương - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học xã hội (Bộ LĐ-TB-XH) - cho biết: - DN muốn tồn tại và phát triển thì phải dựa vào năng suất lao động, khi làm ra nhiều sản phẩm thì giá thành sản phẩm sẽ hạ, tạo ra sức cạnh tranh trên thương trường. Do đó, người sử dụng lao động (NSDLĐ) bắt buộc phải tiến hành đầu tư trang bị máy móc hiện đại, tự động hóa nhiều khâu để giảm sức lao động; NLĐ nhiều tuổi năng suất lao động sẽ không bằng những lao động trẻ… Vì vậy họ nằm trong nhóm có "nguy cơ" bị chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) khi vào tuổi trên 35, trong đó chủ yếu là lao động nữ.

 

NLĐ trong những ngành nghề như dệt may, da giày, điện tử là có "nguy cơ" cao nhất bởi thời gian đào tạo nghề nhanh (3-6 tháng), nhiều công đoạn có thể thay thế sức người bằng thiết bị công nghiệp…Theo tôi, NSDLĐ có lợi thế hơn rất nhiều so với NLĐ nên họ có thể dễ dàng tuyển dụng công nhân mới. Bởi, từ trước đến nay, mối quan hệ giữa NLĐ và NSDLĐ được thiết lập dựa trên một giao kết, đó là HĐLĐ.

 

Theo Điều 22 BLLĐ 2012, HĐLĐ có các loại: Không xác định thời hạn; có xác định thời hạn; theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định dưới 12 tháng. Khi NSDLĐ muốn chấm dứt HĐLĐ trước thời hạn thì chỉ cần báo trước cho NLĐ 45 ngày. Sau đó, NSDLĐ chi trả cho NLĐ trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 48 BLLĐ đối với NLĐ đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương… Khi muốn chấm dứt HĐLĐ với NLĐ, nhiều người NSDLĐ đã áp dụng cách trên vì họ cho rằng đã làm đúng theo quy định của pháp luật!

 

Khi bị chấm dứt HĐLĐ, ở độ tuổi 35-40 NLĐ sẽ có ít cơ hội tìm kiếm việc làm mới, do đó họ có phải là "gánh nặng" của xã hội hay không, thưa bà?

 

- Không thể cho rằng ở độ tuổi 35-40 thì NLĐ mất khả năng lao động! Ở độ tuổi này, họ có thể làm nhiều công việc khác nếu có động lực phấn đấu và hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng. Do trước đây công việc của họ thuần túy là lao động giản đơn, chỉ làm một khâu trong dây chuyền sản xuất nên khi bị chấm dứt HĐLĐ tại công ty họ khó có thể kiếm được công việc khác ở ngoài, khi ở độ tuổi khá cao. Để họ có cơ hội tìm kiếm việc làm mới thì phải đào tạo, chuyển đổi nghề cho họ.

 

 

Muốn làm được như vậy phải có sự vào cuộc của Nhà nước, doanh nghiệp, cũng như nỗ lực của bản thân NLĐ. Theo tôi, cũng như quỹ bình ổn giá cả thị trường, thì cũng cần phải có quỹ bình ổn lao động (hiện nay chưa có).

 

Để quỹ này hoạt động mang lại hiệu quả thì cần có vốn bằng ngân sách nhà nước, sự đóng góp, chia sẻ từ DN và cộng đồng. Ngoài ra, công tác định hướng, đào tạo nghề cũng phải phát huy hiệu quả, tuyên truyền cho NLĐ hiểu rõ những ngành nghề nào có thể gắn bó lâu dài - ít bị thay thế bởi máy móc; nếu NLĐ xác định làm việc trong thời gian ngắn để có được chút vốn thì nên chọn ngành nào… khi đó NLĐ đỡ "sốc" khi bị chấm dứt HĐLĐ!

 

Để quyền lợi của NLĐ được đảm bảo, cần có những giải pháp nào, thưa bà?

 

- Hiện nay, pháp luật lao động đã quy định rõ khi sử dụng LĐ dài hạn thì NSDLĐ bắt buộc phải ký HĐLĐ với NLĐ. Theo đó, sau 2 hợp đồng có xác định thời hạn (ngắn hạn) thì người sử dụng lao động phải ký HĐLĐ dài hạn, không xác định thời hạn với NLĐ. Trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, nếu DN muốn chấm dứt HĐLĐ thì phải bồi thường theo điều khoản của hợp đồng cho NLĐ. Đặc biệt, để quyền lợi của NLĐ đảm bảo thì DN phải đóng đầy đủ BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ.

 

Muốn DN thực hiện đúng thì tổ chức Công đoàn (CĐ) cần bám sát cơ sở, phát hiện kịp thời những DN nào nợ, trốn đóng các loại hình bảo hiểm mà pháp luật quy định… để cùng phối hợp với chính quyền có biện pháp yêu cầu, răn đe, xử lý. Ngoài ra, NLĐ cũng cần phải "tự thân vận động", tập trung nâng cao tay nghề, chịu khó học hỏi để tạo ra những sản phẩm tốt. Mặt khác, NLĐ cũng cần phải tìm hiểu Luật Lao động hoặc nhờ các trung tâm tư vấn pháp luật của CĐ tư vấn để đảm bảo các điều khoản, quyền lợi trong HĐLĐ với DN. Trong hoạt động sản xuất kinh doanh, không phải lúc nào DN cũng gặp thuận lợi.

 

Những lúc khó khăn NSDLĐ cần đến sự sẻ chia, đồng hành của NLĐ. Do đó, NSDLĐ cần quan tâm, chăm lo tốt cho NLĐ về điều kiện việc làm, đời sống, đóng đủ các chế độ bảo hiểm cho NLĐ và không nên cắt giảm lao động khi không cần thiết.

VIỆT LÂM - Báo Lao Động