Cẩm nang việc làm

Danh dự

16-08-2017 08:56 GMT+7

Công ty S. (100% vốn đầu tư của Nhật Bản) là con của một tập đoàn đa quốc gia trong lĩnh vực điện tử

Cách đây mấy tháng, công ty có tổng giám đốc mới. Vị tổng giám đốc này vốn là một nhân viên quản lý cấp trung của một chi nhánh tập đoàn ở Mỹ. Ông chưa từng kinh qua vị trí giám đốc điều hành.

 

Vừa chân ướt chân ráo sang Việt Nam, ông đã thuê hẳn một văn phòng luật sư tư vấn pháp luật, trong đó có pháp luật lao động. Theo sự tư vấn của văn phòng luật sư, ông bắt đầu thay chỗ này, đổi chỗ kia: trưởng phòng kinh doanh ông cho đi làm nhân viên tiếp thị, giám đốc sáng tạo ông cho qua làm trưởng phòng kinh doanh, quản lý sản xuất ông cho đi làm cửa hàng trưởng... Mọi thứ rối nùi, rối tung nhưng ông bảo: "Ở Mỹ người ta làm vậy. Tổng giám đốc có toàn quyền".

 

Trong số những người bị thay đổi công việc, có một nhân viên đã làm việc tại công ty hơn chục năm, các đời tổng giám đốc trước đều được đánh giá là mẫn cán, tận tụy, giỏi việc. Thế nhưng anh này không vừa ý tổng giám đốc mới nên bị cắt phần lớn công việc và cuối cùng cho ngồi chơi xơi nước.

 

Trong khi những người khác im lặng chịu đựng thì anh nhân viên này đi khiếu nại. Ông tổng giám đốc hỏi: "Công ty vẫn trả lương cho anh đầy đủ, có thiệt thòi gì đâu mà khiếu nại?". Anh nhân viên trả lời: "Tôi khiếu nại để đòi quyền được làm việc. Tôi không thể nhận lương mà không làm việc".

Thoạt đầu ông tổng giám đốc không hiểu nhưng sau đó ông được giải thích rằng một người có danh dự, nhân phẩm không bao giờ nhận thứ gì không thuộc về mình. Anh không làm việc thì không thể nhận lương. Vậy là ông tổng giám đốc phải trả lại công việc cho anh.

 

 

Nhưng ngay khi nhận việc trở lại, anh nộp đơn xin nghỉ. Ông tổng giám đốc thêm một lần ngạc nhiên: "Tại sao anh đòi cho bằng được rồi lại không làm?". Anh trả lời: "Đây là vấn đề thực thi pháp luật và danh dự của một người lao động. Tôi muốn ông biết rằng ở đất nước chúng tôi có luật pháp, ông đến đây làm ăn thì phải tuân thủ pháp luật Việt Nam chứ không phải pháp luật của Mỹ hay của Nhật. Tôi và các đồng nghiệp của mình muốn được làm việc trong một môi trường tốt đẹp, hiểu biết chứ không phải một môi trường bị chi phối bởi đồng tiền".

 

Vậy là anh ra đi trong sự ngơ ngác của tổng giám đốc. Mấy hôm trước ông hỏi tôi: "Người đó có bị làm sao không vậy?". Tôi cười: "Anh ấy không bị gì cả, chỉ có ông mới là người có vấn đề trong suy nghĩ và thực hiện các chính sách của tập đoàn". Có lẽ vì tôi là một phiên dịch giỏi mà ông đang cần nên sau câu trả lời của tôi, ông có vẻ đăm chiêu tư lự chứ không nổi giận.

 

Câu trả lời đó là tôi học được ở anh nhân viên vừa ra đi. Anh đã gửi lại thông điệp: Dù chỉ là một người làm thuê cũng phải giữ danh dự của mình.

Lan Nhi - Theo Người lao động