Cử nhân thất nghiệp phải bán trà đá, chạy xe ôm
23-05-2017 05:14 GMT+7
Hơn 200.000 cử nhân đang thất nghiệp. Người bán trà đá, người làm xe ôm, người làm tiếp thị… và một bộ phận không nhỏ đang quay lại học nghề...
Đó là nghịch lý mà ông Cao Văn Sâm - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB- XH) đưa ra.
Lãng phí tiền bạc, thời gian...
Hiện cả nước có hơn 200.000 cử nhân và trình độ trên cử nhân đang thất nghiệp. Theo thống kê của Bộ LĐ-TB- XH, số cử nhân thất nghiệp ngày càng tăng cao. Trước thực trạng thất nghiệp tăng cao, các cử nhân đã phải chật vật làm đủ nghề để mưu sinh. Người làm công nhân, người bán trà đá, làm xe ôm, đi tiếp thị. Số khác thì chọn cách “liên thông ngược” - tức là quay lại học trung cấp, cao đẳng nghề để gia nhập thị trường lao động.
“Hiện nay dự báo cung - cầu lao động của chúng ta còn hạn chế, việc đào tạo chưa tương thích với nhu cầu sử dụng nên nhiều lĩnh vực đào tạo thừa. Vì vậy, dù lao động có trình độ, chuyên môn kỹ thuật cao nhưng vẫn thất nghiệp. Do đó mới có chuyện một bộ phận lao động học xong đại học phải cất giấu bằng xuống làm công nhân, hoặc một bộ phận khác quay lại học nghề với hy vọng sẽ tìm kiếm được việc làm” - ông Sâm phân tích. Theo ông Sâm, “liên thông ngược” là một điều đáng buồn cho các cử nhân và xã hội, bởi nó gây lãng phí thời gian và tiền bạc trong việc đào đạo. Tuy nhiên, nếu nhìn xa hơn thì đây lại có thể là tín hiệu mừng, bởi nó cho thấy thị trường cung - cầu lao động đang tự điều chỉnh theo hướng cân đối và phù hợp với thị trường lao động.
Ông Sâm cũng chỉ ra một thực trạng điển hình, hiện nay vào bất cứ doanh nghiệp nào ở các khu công nghiệp cũng đều thấy có tới 95% lao động sản xuất trực tiếp, số này chủ yếu doanh nghiệp tuyển lao động có chuyên môn kỹ thuật. Số còn lại, khoảng 5% là lao động gián tiếp (hành chính, văn phòng…) yêu cầu trình độ là đại học.
Nhìn nhận thực tế này, bà Nguyễn Thị Lan Hương - chuyên gia lao động việc làm (Bộ LĐ-TB- XH) cũng cho rằng tình trạng cử nhân thất nghiệp là câu chuyện khá buồn. Để đảm bảo nhu cầu sống, nhiều cử nhân đã phải đi làm đủ nghề. Một trong số này đã phải quay lại trường để học nghề, hoặc chuyển đổi sang ngành khách với mong muốn tìm được một công việc.
“Để giải quyết việc làm cho nhóm cử nhân này, Bộ LĐ-TB-XH trước đó cũng đã đề cập tới việc đào tạo lại nghề cho họ, tuy nhiên việc này chưa thể thực hiện. Trong bối cảnh đó, có lẽ cũng nên khuyến khích cử nhân tự thân vận động chuyển đổi ngành học mà thị trường cần, tìm kiếm việc làm” – bà Lan Hương nói thêm.
Không bình thường!
Ông Phạm Xuân Khánh - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề công nghệ cao Hà Nội cho rằng việc đào tạo lại hay “liên thông ngược” ở nhóm cử nhân cũng là chuyện bình thường. Sở dĩ, cử nhân thất nghiệp tăng cao, rồi phải đào tạo lại là do sự mất cân đối trong việc đào tạo và sử dụng.
“Tuy nhiên, theo tôi cũng không nên quá lo lắng về vấn đề “liên thông ngược”, bởi để thích ứng được với thị trường lao động, lao động học thêm các kỹ năng thậm chí là học nghề cũng tốt. Điều này cũng sẽ giúp họ bổ sung thêm kiến thức, kỹ năng làm việc tốt hơn. Đương nhiên đào tạo lại thì sẽ tốn kém” - ông Khánh nói.
Trả lời báo chí, ông Lê Hồng Khanh - Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Y dược Hà Nội cho biết, trường có khoảng 1.000 học viên thì khoảng 50% đã có bằng đại học, hiện theo học văn bằng 2. Độ tuổi trung bình của sinh viên là 25, nhiều người ra trường thất nghiệp vài năm rồi đi học tiếp trung cấp. Ông cho rằng, việc sinh viên ra trường thất nghiệp phải học lại một ngành khác để xin việc không thể coi là một việc bình thường. Lý do họ đi "liên thông ngược" rất đa dạng, đa phần là trước đây đổ xô học nhóm ngành thời thượng như kinh tế, tài chính, ngân hàng... Sau đó, kinh tế suy thoái dẫn đến việc làm khó khăn, các công ty tuyển dụng gắt gao, sa thải hàng loạt nên lao động phải đi học để kiếm việc mới.
Ông Lê Hồng Khanh dự đoán, vài năm tới xu hướng người đi học trung cấp để chuyển đổi ngành sẽ còn gia tăng nếu vẫn đào tạo đại học tràn lan như hiện nay. Về lâu dài, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ LĐ-TB- XH cần có những quyết sách hợp lý để giảm bớt việc học sinh đổ xô vào các ngành học đã quá nóng, đến khi ra trường thì lại bão hòa, khó tìm việc. |
- Nhân viên kinh doanh, chăm sóc khách hàng Công Ty TNHH Thịnh Gia Huy
- Nhân viên kiểm soát chất lượng, QC Công Ty TNHH Thịnh Gia Huy
- Nhân viên kỹ thuật xây dựng dân dụng Công Ty TNHH MTV DPT
- Nhân viên vật tư Công Ty Cổ Phần Công Nghiệp Đông Hưng
- Nhân viên kinh doanh Công Ty Cổ Phần Công Nghiệp Đông Hưng
- Nhân viên kế hoạch mua hàng sản xuất Công Ty TNHH MTV Kỹ Thuật Tú Lộc
- Chuyên viên mua hàng Tập Đoàn Kim Tín
- Trưởng ca sản xuất Tập Đoàn Kim Tín
- Nhân viên pháp lý Công Ty Cổ Phần Xây Dựng Phước Thành
- Nhân viên dự toán đấu thầu Công Ty Cổ Phần Xây Dựng Phước Thành