Cẩm nang việc làm

Công nhân Việt Nam nhận lương bèo bọt do năng suất lao động thấp

23-05-2017 07:47 GMT+7

Năng suất lao động của Việt Nam đang thuộc hàng thấp nhất trong khu vực. Tuy nhiên, nếu so sánh năng suất lao động cụ thể của từng lao động Việt Nam với các nước lân cận, năng suất lao động của người Việt không thua kém, thậm chí trong nhiều lĩnh vực tay nghề còn trội hơn.

Điều này cho thấy, để thúc đẩy tăng năng suất lao động ngoài việc nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động thì những vấn đề liên quan khác cũng cần được quan tâm.

 

Bất cập cơ cấu và trình độ lao động

 

Về cơ cấu lao động, theo thống kê, số lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp đang chiếm gần 68% với gần 40 triệu người; còn lao động phi chính thức lên đến hơn 58% tổng số lao động của Việt Nam. Năng suất lao động bình quân trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt thấp nhất với 33 triệu đồng/lao động; khu vực công nghiệp và xây dựng đạt 112 triệu đồng/lao động; khu vực dịch vụ đạt 103,5 triệu đồng/lao động.

 

Còn theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, nguồn nhân lực có sự thiếu hụt trầm trọng lao động có trình độ tay nghề cao và công nhân kỹ thuật lành nghề khiến chỉ số cạnh tranh nguồn nhân lực Việt Nam theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới trong năm 2014 chỉ đạt 3,39/10 điểm và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam xếp thứ 73/133 nước được xếp hạng.

 

Ông Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, cho biết, chất lượng lao động hiện nay còn thấp và tỷ lệ lao động qua đào tạo chỉ chiếm 18,1% (năm 2015). Cơ cấu lao động theo cấp trình độ còn nhiều bất cập và ngày càng trầm trọng. Tương quan giữa lao động có trình độ đại học trở lên – cao đẳng – trung cấp – sơ cấp năm 2015 là 1 – 0,35 – 0,63 – 0,38 và hậu quả là sự thiếu hụt rõ ràng lao động có kỹ năng thực hành, thiếu trầm trọng công nhân kỹ thuật bậc cao. Bên cạnh đó, công nghiệp chế biến – chế tạo, ngành chủ lực trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chỉ chiếm 9% tổng số lao động trình độ cao, trong khi với các nước phát triển, tỷ lệ này lên đến 40 – 60%.

 

Mất cân đối giữa các ngành, nghề đào tạo

 

Tăng năng suất lao động đang là một thách thức lớn với cả nền kinh tế Việt Nam. Đến nay, lao động giá rẻ không còn là lợi thế của nền kinh tế, bởi thế giới đang ở giữa cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, lao động giản đơn có thể bị thay thế bằng robot. Vì vậy, muốn cải thiện được năng suất lao động, quan trọng nhất là phải nâng cao được hàm lượng công nghệ và thông qua đào tạo để nâng cao chất lượng lao động.

 

Trong thị trường lao động mở, hội nhập với nền kinh tế trong khu vực và thế giới Việt Nam đang có khoảng hơn 300 nhóm ngành nghề phù hợp. Con số này là cao hơn rất nhiều so với các ngành nghề được đào tạo tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp trên cả nước. Thực tế cho thấy, có rất nhiều ngành nghề không có trong hệ thống giáo dục, nhưng nhiều lao động vẫn có thu nhập ổn định từ nghề, thậm chí làm giàu từ nghề. Đồng thời, với sự phát triển nhanh chóng của xã hội, những nhóm nghề mới cũng được hình thành từ các nghề cũ, hoàn thiện nghề cũ và từ đó tăng năng suất lao động hiệu quả.

 

Hệ thống giáo dục đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp hiện nay được chia thành 8 nhóm ngành nghề, gồm: Cơ khí, công nghệ thông tin - kinh tế, khoa học tự nhiên - kiến trúc, khoa học xã hội và nhân văn, giáo dục - sư phạm, chăm sóc sức khỏe, nông lâm thủy sản, văn hóa - nghệ thuật - thể thao. Mỗi nhóm ngành nghề này đang thu hút một lượng người theo học chênh lệch nhau. Điều này dẫn đến sự mất cân đối, ngành quá thừa và ngược lại cũng có ngành quá thiếu nguồn nhân lực. Nhằm khắc phục hạn chế này, Việt Nam đang rất cần đến một hệ thống thông tin dự báo chính xác về nhu cầu nhân lực của các ngành nghề cụ thể trong tương lai.

 

Một khảo sát mới đây của Văn phòng Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản cho biết, năm 2016, tại các công ty hàng đầu thế giới của Nhật Bản ở Việt Nam, công nhân người Việt chỉ nhận được khoản tiền lương 4.025 USD. Các chuyên gia khẳng định, sở dĩ lao động Việt Nam phải nhận mức lương này là do năng suất lao động quá thấp.
Anh Quang - Báo Giáo dục và Thời đại