Cẩm nang việc làm

Cần làm gì trước nguy cơ mất việc vì robot

23-05-2017 05:16 GMT+7

Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cũng đưa ra cảnh báo: 86% người lao động Việt Nam trong ngành dệt may - da giày có thể phải đối mặt với nguy cơ mất việc làm cao do tự động hóa, trong khi đó 3/4 lao động làm công ăn lương trong ngành sản phẩm điện - điện tử có thể sẽ bị robot thay thế.

Một chiếc máy cắt có thể thay thế cho khoảng 15 lao động. Vì thế, không phải tương lai quá xa vời, hàng triệu lao động trong ngành dệt may, da giày tại Việt Nam có nguy cơ mất việc trước sự thay thế hàng loạt bằng robot.

 

Robot đang dần thay thế con người

 

Trên đường chuyền tự động hóa, 2-4 robot nhịp nhàng đưa thiết bị lắp ráp hoàn chỉnh khung cho một chiếc xe hơi. Cả nhà xưởng rộng 490.000m2, với 150 robot đang làm việc không một tiếng ồn, thỉnh thoảng có tiếng va chạm nhỏ từ máy móc. Chỉ ở những công đoạn đòi hỏi sự tỉ mỉ và chi tiết mới có sự xuất hiện của con người. Số lượng công nhân ít ỏi chỉ vài chục người vẫn đều đặn cho ra thị trường 100.000 chiếc xe hơi, chủ yếu tự động hóa bởi robot. Đó là câu chuyện sản xuất xe hơi của hãng Tesla.

 

Còn ở châu Á, robot đang dần thay thế con người làm việc trong nhiều lĩnh vực. Đặc biệt là Nhật, nơi có tỉ lệ dân số già ngày càng cao và sử dụng robot là một tất yếu trong tương lai. Trong tương lai không xa, dự báo robot sẽ đảm nhận khoảng 50% việc làm tại Nhật. Đây là một giải pháp trước tình trạng dân số già. Thậm chí, robot còn đang được thử nghiệm để trở thành đầu bếp chuyên nghiệp.

 

Thay thế con người bằng máy móc rất tốn kém nhưng đang ngày càng trở thành xu thế trên khắp thế giới, kể cả tại những nước đang phát triển. “Dưới sự phát triển của công nghệ 3D, những con robot sẽ tự tạo ra những con robot khác nhỏ hơn và làm được nhiều việc hơn”, ông Paul Brown hiện là Giáo sư Trường Kinh doanh Monarch Thụy Sĩ, chuyên ngành Khoa học Thần kinh Tổ chức nhận định.

 

Robot đang dần có mặt nhiều hơn trong các nhà máy tại châu Á. Hãng Adidas tại Indonesia lên kế hoạch cắt giảm 30% lao động trong mảng cắt may nhằm tiết kiệm chi phí, thay vào đó là những thiết bị tự động và máy móc. Còn tại Đức, hãng giày nổi tiếng này đã vận hành nhà máy Speedfactory hoàn toàn sử dụng robot. Ngay tại nước đang phát triển như Campuchia, Tập đoàn Dệt may Hung Wah cũng loại bỏ toàn bộ số lao động thủ công trong khâu cắt may.

 

Trước sự thay thế mạnh mẽ bằng robot, báo cáo mới đây của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho thấy hơn 2/3 trong số 9,2 triệu lao động ngành dệt may và da giày tại Đông Nam Á đang bị đe dọa bởi sự bùng nổ của khoa học công nghệ trong ngành này. Đặc biệt, lao động của Việt Nam, Campuchia và Indonesia trong ngành may mặc, da giày sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề từ xu thế tự động hóa.

 

Dưới sự điều khiển của 19 robot đang hoạt động, nhà máy rộng 20ha của Vinamilk Bình Dương trở nên vắng vẻ và sạch sẽ. Ngoài robot chỉ một số ít công nhân vận hành máy móc, còn lại tất cả đều được tự động hóa. Robot tự làm chủ công việc từ khâu vận chuyển bao bì nhà kho sang phòng rót, nhóm vận chuyển bao bì sang phòng lắp máy (đóng gói sản phẩm) và cuối cùng là những robot mang thành phẩm về kho.

 

Đặc biệt, những robot khi “đói” sẽ biết tự động đến khu vực sạc bình ắc quy, rút bình đã cạn năng lượng vào ngăn sạc, chọn lấy bình nào đã được sạc đầy và tự thay mà không cần có sự can thiệp của kỹ thuật viên. Vài năm trở lại đây, giá của các thiết bị công nghệ tự động ngày càng rẻ hơn, trong khi nhà máy sản xuất thường gặp phải tình trạng thiếu hụt lực lượng lao động. Robot chính là giải pháp tốt nhất thay thế lao động.

 

86% lao động ngành dệt may - da giày đối mặt với nguy cơ mất việc

 

Đứng trước tình hình đơn hàng ngày càng nhiều và tăng nhanh, trong khi nhà xưởng lại không đủ sản xuất, ông Nguyễn Chiến Thắng, Giám đốc Công ty Nội thất Scan Pacific, đã phải nhờ đến máy móc tự động trong nhà xưởng mới xây. Theo ông, máy móc hiện đại giúp năng suất tăng gấp 4-5 lần so với lao động phổ thông. Không chỉ có Scan Pacific mà nhiều công ty nội thất lớn tại Bình Dương cũng đang đầu tư mạnh vào công nghệ tự động. Đại diện của Công ty Vĩ Đại, chuyên sản xuất máy móc ngành gỗ, chia sẻ, do nhu cầu của ngành gỗ tăng, nhiều công ty đang đầu tư mạnh vào công nghệ để tăng năng suất và giảm chi phí. Công ty Vĩ Đại nhờ đó tăng 50% sản lượng máy móc bán ra trong năm ngoái, dự kiến tăng 20% trong năm nay.

 

Nhờ dây chuyền sản xuất tự động hóa thực hiện từ hơn chục năm trước, đến nay Công ty Gốm sứ Minh Long 1 đã giảm số lượng nhân công từ 400 xuống còn 20 người. Để có được kết quả này, Minh Long 1 cũng phải trả khoản chi phí rất lớn và thất bại nhiều lần. Với dây chuyền sản xuất hiện tại, Minh Long 1 đã nhập về 7 con robot với giá không dưới 40.000 euro.

 

Dựa vào thực tế tự động hóa tại các doanh nghiệp Việt Nam, bà Phạm Thị Mỹ Lệ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Le&Associates, dự báo năm 2020, có khoảng 80% công việc của con người sẽ do robot thực hiện. Trong khi đó, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cũng đưa ra cảnh báo: 86% người lao động Việt Nam trong ngành dệt may - da giày có thể phải đối mặt với nguy cơ mất việc làm cao do tự động hóa, trong khi đó 3/4 lao động làm công ăn lương trong ngành sản phẩm điện - điện tử có thể sẽ bị robot thay thế.

 

Đổi mới công nghệ gần đây đã tạo ra phần lớn việc làm thêm ở một số ngành nghề có sẵn, chứ không phải là số lượng lớn các công việc hoàn toàn mới. Mặc dù vậy, các doanh nghiệp nước ngoài hoàn toàn có thể từ bỏ thuê ngoài sản xuất và sử dụng công nghệ tiên tiến tại nước mình. Như vậy, các doanh nghiệp châu Á sẽ ngày càng khó khăn hơn.

 

Các nước có thu nhập thấp như Việt Nam đang có lợi thế chi phí cạnh tranh trong các lĩnh vực như nông nghiệp và sản xuất. Tuy nhiên, lợi thế này sẽ biến mất khi robot có thể thay thế hàng loạt vị trí lao động. Do đó, theo các chuyên gia ILO, Việt Nam nên cải thiện các kỹ năng cần thiết cho lực lượng lao động thông qua sự phối hợp giữa các nhà hoạch định chính sách, người sử dụng lao động và các cơ sở đào tạo. Qua đó, hiện đại hóa hệ thống phát triển kỹ năng nghề nhằm đón đầu xu hướng đang thay đổi tại nơi làm việc.

 

Cũng theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, đối với các thị trường mới nổi, cần phải đầu tư vào giáo dục để nâng kỹ năng lực lượng lao động, nhằm được hưởng lợi từ sự gia tăng của robot, nếu không sẽ trở thành nạn nhân của xu hướng này.

Thanh Hương - Báo Nhịp cầu Đầu tư