Bi kịch xuất khẩu lao động xong thất nghiệp
29-05-2017 08:55 GMT+7
Năm 2017, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đặt kế hoạch đưa 100.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, dựa trên kỷ lục của năm 2016 với hơn 120.000 người được đưa đi xuất khẩu lao động (vượt 7% so với chỉ tiêu đề ra).
Riêng tại thị trường Nhật Bản, số lượng các thực tập sinh kỹ năng Việt Nam được phái cử sang trong 5 năm gần đây đã tăng gấp 10 lần. Tính đến cuối năm 2016 ước đạt trên 90.000 người, đưa số lượng thực tập sinh (TTS) của Việt Nam đứng đầu tại Nhật Bản. Tuy nhiên, trình độ và nguyện vọng của TTS về nước không xứng với nhu cầu tuyển dụng lao động của các DN, gây ra sự khập khiễng về kỹ năng trên thị trường lao động.
Kỹ năng khập khiễng với thị trường
Thống kê của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH), hiện Việt nam có trên 500.000 người đang làm việc ở trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với hơn 30 nhóm ngành nghề các loại. Hàng năm hơn nửa triệu người lao động Việt Nam làm việc tại nước ngoài gửi về nước khoảng trên dưới 2 tỷ USD.
Xuất khẩu lao động là một trong những ngành kinh tế đối ngoại mang lại nhiều lợi ích to lớn cả về mặt kinh tế và xã hội, là giải pháp tạo việc làm quan trọng và mang tính chiến lược của nước ta, đem lại lợi ích cho tất cả các bên tham gia, mở được "cánh cửa" công nghệ, khoa học kỹ thuật tiên tiến của các nước, nâng cao chất lượng "chất xám" và tác phong làm việc để lao động Việt Nam...
Thậm chí, ông Nguyễn Lương Trào - Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam cho rằng, nguồn thu của lao động xuất khẩu còn có vai trò thúc đẩy đầu tư, giảm bớt sự lệ thuộc vào các khoản vay từ các tổ chức tài chính quốc tế, cũng như viện trợ của các nước phát triển.
Chính vì thế, Việt Nam rất chú trọng củng cố các thị trường Xuất khẩu lao động truyền thống như Hàn Quốc, Malaysia, Philippines, Đài Loan (Trung Quốc), Ả Rập Xê–út… và phát triển, mở rộng sang các thị trường Xuất khẩu lao động tiềm năng như Nhật Bản, các nước châu Phi và Trung Đông, châu Âu (như CHLB Đức), Thái Lan, Lào, Australia…
Tại Hội thảo "Tăng cường trao đổi nguồn nhân lực Việt Nam – Nhật Bản thông qua chương trình thực tập sinh kỹ năng" do Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cùng Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) phối hợp với Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) tổ chức sáng 26/5, ông Umeda Kunio – Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, ngày càng nhiều thực tập sinh Việt Nam được cử sang Nhật Bản.
Theo tính toán của VEPR khi nghiên cứu về Chương trình thực tập sinh kỹ năng Việt Nam, làm việc tại Nhật Bản, thực tập sinh được đào tạo nhiều kỹ năng lao động chất lượng cao, có thể kiếm được 44.500 USD. Sau khi trừ các khoản chi phí ban đầu, thực tập sinh Việt Nam sẽ tiết kiệm được 23.000 USD sau 3 năm lao động tại Nhật Bản.
Nhưng sau khi về nước, trình độ và nguyện vọng của họ không tương xứng với nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp, gây ra sự lãng phí nguồn nhân lực đã được đào tạo tại một trong những thị trường lao động chất lượng cao của thế giới. Cũng thống kê từ nghiên cứu của VEPR chỉ ra, công việc tại Nhật Bản của 49% thực tập sinh không liên quan đến công việc mà họ đã làm hoặc từng học trước đó. Hiện nhiều thực tập sinh Việt Nam từ Nhật Bản về không phát huy được các kỹ năng đã được đào tạo tại Nhật Bản, thậm chí khó hòa nhập với xã hội và môi trường làm việc dù có những "kỹ năng quốc gia của Nhật".
Có tận 61% thực tập sinh sau khi về Việt Nam lựa chọn công việc không liên quan đến công việc đã làm tại Nhật Bản. Khảo sát thực tập sinh theo loại hình nghề nghiệp thì trước khi đi Nhật, 5,26% thực tập sinh thất nghiệp nhưng sau khi về thì số lượng thất nghiệp lại tăng lên đến 11,4%. Khảo sát tại Hà Nam cho thấy, lao động tại các doanh nghiệp (DN) Nhật Bản chủ yếu là công nhân (CN), thực tập sinh chỉ chiếm 1% và thường làm các vị trí quản lý nhóm, dây chuyền, nhân viên có trình độ.
Lý giải nguyên nhân ít tuyển dụng thực tập sinh, DN cho biết thực tập sinh thường có yêu cầu mức lương cao hơn so với mức trung bình mà DN có thể trả. Mức chênh lệch vào khoảng 100 USD. Trong khi đó, nguồn lao động trong nước có thể đáp ứng nhu cầu tuyển dụng cho vị trí nhân viên và công nhân với mức lương thấp hơn. Nhưng thực tập sinh làm việc "không khác gì về chuyên môn so với các nhân viên khác nhưng họ tuân thủ nội quy, tự giác thực hiện các quy định giống văn hóa làm việc của người Nhật" – một quản lý doanh nghiệp tại Hà Nam cho biết.
Ngoài ra, đại diện Phòng Nhật Bản – Châu Âu – Đông Nam Á (Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB-XH) phản ánh, do được đào tạo những kỹ năng lao động chất lượng cao, có thu nhập cao nhưng khi về nước không tìm được việc làm phù hợp với kỹ năng và mức lương tương xứng nên nhiều lao động "nản", chấp nhận… thất nghiệp hoặc làm việc khác chờ cơ hội có việc làm thu nhập cao như khi làm việc ở nước tiếp nhận lao động xuất khẩu.
Chuẩn bị việc làm sau hồi hương
Vì vậy giải quyết việc làm sau hồi hương cho các lao động sau khi xuất khẩu lao động nói chung và thực tập sinh của Việt Nam tại Nhật Bản nói riêng là vấn đề rất cần quan tâm để giảm thiếu số lao động trốn ở lại sau khi hết hợp đồng, cũng như khai thác nguồn lao động có kỹ năng này. Theo ông Umeda Kunio - Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, hiện nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đã đầu tư vào Việt Nam, nhất là các DN nhỏ và vừa. Các DN này rất chú ý đến năng lực ngoại ngữ, chuyên môn của những thực tập sinh kỹ năng đã làm việc tại Nhật Bản và nhu cầu tuyển dụng đối với các thực tập sinh ngày càng gia tăng. Song tỷ lệ thực tập sinh về nước có việc làm phù hợp với ngành nghề được đào tạo tại Nhật Bản lại rất ít.
Theo Nhóm khảo sát, để tạo cầu nối giữa sự gia tăng nhanh chóng trong nhu cầu về lao động ngành công nghiệp ở Việt Nam và sự gia tăng về số lượng thực tập sinh trở về, cần giải quyết được sự khập khiễng kỹ năng của thực tập sinh với nhu cầu DN. Từ góc độ của Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam, ông Nguyễn Lương Trào – Chủ tịch cho rằng, vấn đề việc làm thu nhập cao là mong muốn chung của người lao động (NLĐ), kể cả các thực tập sinh sau khi từ Nhật Bản về nước.
Muốn vậy, bản thân NLĐ phải đáp ứng được yêu cầu của DN nước ngoài tại Việt Nam, nghĩa là trong thời gian đi xuất khẩu lao động, NLĐ cần tích lũy kỹ năng, tri thức, ngoại ngữ... để tìm việc sau khi hết hợp đồng lao động. Hơn nữa, NLĐ về nước có nhiều hoàn cảnh khác nhau nên không phải NLĐ nào cũng dễ dàng tìm được công việc có thu nhập cao nên phải vượt qua, không nên thụ động chờ việc "tìm đến mình".
Để giải quyết mối lo "thất nghiệp khi hồi hương", các chuyên gia lao động kiến nghị các cơ quan chức năng chú trọng đến chính sách "hậu" xuất khẩu lao động để người lao động yên tâm về nước sau khi hết hợp đồng như có chính sách hỗ trợ và khuyến khích để NLĐ hết hạn hợp đồng lao động có cơ hội quay lại tiếp tục tham gia các chương trình xuất khẩu lao động… Tăng cường hơn nữa sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành LĐ-TB-XH với Ngân hàng Chính sách xã hội trong việc phân bổ vốn, đối tượng cho vay… đối với những người đi xuất khẩu lao động.
Cùng với đó, "DN phái cử dù không có trách nhiệm tìm việc cho thực tập sinh sau khi hết hợp đồng nhưng Hiệp hội xuất khẩu lao động vẫn khuyến khích doanh nghiệp có nhiều hoạt động hỗ trợ, thậm chí nếu tìm được việc làm cho thực tập sinh càng tốt. Đó cũng là "điểm cộng" cho doanh nghiệp khi đánh giá, xếp hạng, góp phần làm tăng uy tín của DN trong hoạt động xuất khẩu lao động" – Chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu lao động Việt Nam nhấn mạnh.
Năm 2017, trong tổng số 282 DN xuất khẩu lao động có 236 DN đưa thực tập sinh sang thị trường Nhật Bản. Có 71 DN trong tổng số 236 DN đưa thực tập sinh sang thị trường Nhật Bản đã được giám sát, phân loại, xếp hạng, chấm điểm trong thực hiện Bộ quy tắc ứng xử và Cơ chế giám sát đánh giá. Những lao động được các DN này đưa đi xuất khẩu lao động chiếm 70% tổng số lao động xuất khẩu của cả nước. Rút ngắn khoảng cách giữa TTS và DN Đó là mục đích chính của Cổng thông tin kết nối việc làm cho thực tập sinh (www.ttsjapan.vn) vừa được đại diện FUJITSU Việt Nam giới thiệu sáng 26/5 tại Hội thảo "Tăng cường trao đổi nguồn nhân lực Việt Nam – Nhật Bản thông qua chương trình thực tập sinh kỹ năng" do Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cùng Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) phối hợp với Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) tổ chức. Theo đó, các thực tập sinh có thể tìm kiếm được việc làm phát huy những kỹ năng đã học hỏi được tại Nhật Bản, giúp họ giải quyết vấn đề thiếu hụt thông tin và cân nhắc về định hướng nghề nghiệp trong tương lai sau khi về Việt Nam. Qua Cổng thông tin, doanh nghiệp phái cử có thể hỗ trợ thực tập sinh sau khi về nước và doanh nghiệp tuyển dụng cũng nhận được những thông tin cần thiết để tìm kiếm LĐ và chuẩn bị cho nhân sự trong tương lai khi đầu tư vào Việt Nam. Cổng thông tin dự kiến được đưa vào vận hành trong 1 tháng tới. |
- Nhân viên kinh doanh, chăm sóc khách hàng Công Ty TNHH Thịnh Gia Huy
- Nhân viên kiểm soát chất lượng, QC Công Ty TNHH Thịnh Gia Huy
- Nhân viên kỹ thuật xây dựng dân dụng Công Ty TNHH MTV DPT
- Nhân viên vật tư Công Ty Cổ Phần Công Nghiệp Đông Hưng
- Nhân viên kinh doanh Công Ty Cổ Phần Công Nghiệp Đông Hưng
- Nhân viên kế hoạch mua hàng sản xuất Công Ty TNHH MTV Kỹ Thuật Tú Lộc
- Chuyên viên mua hàng Tập Đoàn Kim Tín
- Trưởng ca sản xuất Tập Đoàn Kim Tín
- Nhân viên pháp lý Công Ty Cổ Phần Xây Dựng Phước Thành
- Nhân viên dự toán đấu thầu Công Ty Cổ Phần Xây Dựng Phước Thành