Cẩm nang việc làm

6 thói quen ảnh hưởng đến năng suất làm việc

10-03-2017 02:42 GMT+7

Năng suất làm việc của người lao động được quyết định bởi nhiều yếu tố khác nhau. Hiểu về những lý do tác động không tốt đến hiệu suất công việc giúp từng cá nhân khắc phục và tìm ra giải pháp cải tiến trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao.


Kiểm tra email liên tục

Thường xuyên kiểm tra hộp thư đến có thể làm bạn mất tập trung vì những email mới thường gắn liền với các nhiệm vụ phát sinh. Tiếp nhận thêm yêu cầu mới sẽ dẫn đến tình trạng trì hoãn cho những công việc hiện tại. Để có thể kết thúc một ngày làm việc với một hộp thư điện tử đã được xử lý trọn vẹn, bạn nên xác định mốc thời gian hợp lý để đọc email, tận dụng thời gian rảnh rỗi hoặc bỏ qua những email không quan trọng. Trả lời email ngắn gọn súc tích, hạn chế việc gửi email khi không thật sự cần thiết và có kỹ năng sử dụng email hiệu quả phần nào hỗ trợ hiệu suất làm việc chung của tổ chức.

Lên lịch họp thường xuyên

Họp hành, thảo luận là cơ hội để phát triển và thống nhất công việc. Tuy nhiên, dành thời gian quý báu của mình mỗi tuần, thậm chí mỗi ngày vào những cuộc họp có thể dễ dàng xử lý qua email sẽ khiến cho nhiều cá nhân cảm thấy không hài lòng. Nếu yêu cầu công việc của bạn bắt buộc phải tham gia hoạt động này liên tục, bạn cần quan tâm đến một phương pháp tổ chức cuộc họp đúng cách để tiết kiệm thời gian và vẫn đảm bảo tiến độ công việc.

Bắt đầu công việc trễ

Đối với nhiều người, khung thời gian làm việc đạt năng suất cao nhất không giống nhau. Có người làm việc hiệu quả vào ban ngày, một số khác thì chỉ giải quyết được hết công việc vào buổi tối. Bất kỳ ở khoảng thời gian nào, hãy cố gắng bắt tay vào công việc sớm nhất có thể. Áp lực về thời gian sẽ khiến cho sản phẩm do bạn tạo ra không đạt kết quả như kỳ vọng.

Không lập danh sách các công việc cần thực hiện

Thiết lập danh sách các công việc cần làm trong ngày theo từng mức độ ưu tiên giúp bạn quản lý thời gian hiệu quả. Tin tưởng quá nhiều vào trí nhớ bản thân khiến nhiều người bỏ qua bí quyết làm việc thông minh này. Liệt kê các công việc cần giải quyết, sắp xếp theo mức độ ưu tiên và khoảng thời gian dự kiến dành cho từng nhiệm vụ giúp cho quá trình làm việc diễn ra chắc chắn và thông suốt.

 

 

 


Uống quá nhiều cà phê

Cafein trong cà phê có tác dụng kích thích hệ thần kinh trung ương, làm cho tỉnh táo. Vì vậy, sau khi uống một ly cà phê vào buổi sáng, bạn sẽ cảm thấy phấn chấn bắt tay vào công việc. Cafein có thể đối phó với cơn buồn ngủ khi làm việc đêm, một ly cà phê đen đậm được xem là biện pháp hiệu quả.

Thế nhưng, cà phê không thực sự là giải pháp tối ưu để tăng năng suất làm việc. Một tách cà phê không mang lại nguồn năng lượng dài lâu bằng một bữa ăn. Thêm vào đó, nghiên cứu của Đại học British Columbia cũng chỉ ra rằng cà phê làm giảm sự hăng hái làm việc của các nhân viên chăm chỉ.

Ăn trưa tại bàn làm việc

Một bữa ăn ngay tại bàn làm việc không giúp bạn tiết kiệm thời gian mà còn gây ra ảnh hưởng đến chất lượng công việc và sức khỏe. Điều gì sẽ xảy ra khi nếu bạn vô tình làm đổ thức ăn lên một hợp đồng quan trọng, bàn phím máy tính… Không thật sự là một người khéo léo, việc mang thức ăn đến gần với chỗ làm việc sẽ chỉ tạo ra cơ hội để bạn dọn dẹp nhiều hơn.

 

 

 

 

Theo Khánh Di - TimViecNhanh/Lifehack