Cẩm nang việc làm

Xử lý câu hỏi phỏng vấn thông minh - Chinh phục nhà tuyển dụng

20-12-2017

Câu hỏi phỏng vấn chắc chắn là điều bất kỳ người lao động nào cũng quan tâm trước khi có một buổi phỏng vấn

Câu hỏi phỏng vấn chắc chắn là điều bất kỳ người lao động nào cũng quan tâm trước khi có một buổi phỏng vấn. Chúng ta thời e ngại nhà phỏng vấn vì không biết họ sẽ hỏi những gì, tuy nhiên, nhà phỏng vấn thường cũng chỉ trao đổi với bạn những vấn đề theo bố cục sau thôi.

 

1. Câu hỏi phỏng vấn về thông tin cá nhân

 

Chắc chắn rằng nhà phỏng vấn sẽ cần biết bạn có trình độ học vấn như thế nào, quá trình học tập có sinh hoạt ngoại khóa năng động hay không. Nếu như nhà tuyển dụng chuyên nghiệp, có nghiên cứu tâm lý học nhân sự, họ sẽ hỏi thêm bạn những câu hỏi liên quan đến gia đình và sở thích.

 

Khi trả lời, bạn không nên trả lời những câu hỏi rất ngắn gọn, chỉ là ý chính mà nhà tuyển dụng hỏi. Hãy cho nhà tuyển dụng thấy được những sở thích bạn có thể hiện phần tính cách rất phù hợp với công việc. Ví dụ, bạn đang ứng tuyển vị trí sales thì sở thích gặp gỡ bạn bè, kết nối thêm nhiều mối quan hệ mới là sở thích cần được đề cập. Hoặc là bạn đang ứng tuyển vị trí kế toán, thì sở thích đòi hỏi sự tỉ mỉ cẩn thận là vô cùng cần thiết như dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc cây cảnh, thêu thùa đan len… Một ví dụ khác như bạn đang ứng tuyển vị trí copywriter, thì sở thích đọc sách vào thời gian rãnh, hoặc xem tin tức thời sự, đọc báo chắc chắn là điểm cộng trong mắt nhà tuyển dụng của bạn đấy.

 

2. Câu hỏi phỏng vấn về kinh nghiệm cá nhân

 

Câu hỏi phỏng vấn về kinh nghiệm cá nhân chắc chắn là câu hỏi không thể thiếu trong một buổi phỏng vấn. Nếu bạn là một người trẻ, trước đây bạn đã sinh hoạt nhiều câu lạc bộ và cũng làm rất nhiều công việc bán thời gian, vậy thì đừng cố kể hết tất tần tật những kinh nghiệm bạn đã có. Hãy kể từ 3 đến 5 công việc bạn đã từng làm mà công việc đó đòi hỏi những kỹ năng liên quan đến vị trí bạn đang ứng tuyển.

 

Bên cạnh đó, đừng quên nói các thành tích, kết quả thực hiện công việc của bạn ở những vị trí bạn từng làm. Các bạn thường nói rất nhiều rằng mình đã làm những công việc gì nhưng quên rằng nhà tuyển dụng quan tâm hơn về việc bạn có hoàn thành công việc tốt không, mức độ trách nhiệm và bạn học được gì từ công việc đó.

 

Xử lý câu hỏi phỏng vấn thông minh - Chinh phục nhà tuyển dụng

 

Nếu như bạn là một sinh viên vừa mới ra trường, bạn chưa từng đi làm vậy thì cũng đừng quá lo lắng. Hãy thể hiện sự tự tin của mình bằng mức độ hiểu biết của bạn về vị trí bạn đang ứng tuyển. “Mặc dù tôi chưa làm việc chính thức ở vị trí này, nhưng ngay từ khi còn đang đi học, tôi rất đam mê mảng... và nghiên cứu, theo dõi xu hướng về... Tôi thấy được rằng ở thị trường... đang có những xu hướng...” Đó cũng là một cách trình bày khá thú vị để nhà tuyển dụng tin tưởng hơn vào khả năng học hỏi của bạn vì bạn đã có một nền tảng kiến thức nhất định.

 

Đôi khi, thừa nhận mình còn thiếu sót kinh nghiệm ở một mảng nào đó lại là một điểm mạnh, vì bạn cho nhà tuyển dụng thấy được rằng bạn hiểu vấn đề gì đang xảy ra và bạn biết cách giải quyết nó. Do đó, việc hoàn thiện bản thân của bạn được xác định hóa một cách rõ ràng. Hãy nhớ rằng, người ta vốn không sợ chờ đợi, người ta chỉ sợ vì không biết chờ đợi đến khi nào.

 

3. Câu hỏi phỏng vấn về mức lương

 

Câu hỏi phỏng vấn về mức lương luôn là một câu hỏi nhạy cảm và nhiều nhân sự né tránh câu hỏi này bằng các câu hỏi rất chung chung như “Anh/chị có thể đề nghị mức lương phù hợp với khả năng của tôi mà anh chị đánh giá”. Tuy nhiên, đây là con dao hai lưỡi đối với các nhân sự đang ứng tuyển. Thực tế, trước khi phỏng vấn, doanh nghiệp đã có một mức lương xác định dành cho nhân sự rồi. Nếu như bạn đang là một sinh viên mới ra trường, hoàn toàn không có kinh nghiệm thực tế, thì câu trả lời là một điểm cộng vì nhà tuyển dụng sẽ thấy được tinh thần ham học hỏi của bạn. Tuy nhiên, nếu như nhà tuyển dụng đánh giá bạn là một người có kinh nghiệm hoặc là một người có tiềm năng, khả năng thăng tiến tốt, một câu trả lời chung chung sẽ khiến nhà tuyển dụng nghi ngờ vào khả năng của bạn và đánh giá thấp những giá trị bạn đang có.

 

Trong trường hợp này, đừng ngại nói thẳng vào vấn đề! Bạn cần biết được rằng bạn có khả năng gì có thể cống hiến cho công ty, mức lương thị trường đối với một nhân sự có khả năng như bạn đang là bao nhiêu. Hãy tự tin và nói rằng “Tôi tin rằng mình có thể làm được những điều này cho Quý công ty như … vì tôi đã có kiến thức về … kinh nghiệm về … Đồng thời, theo tôi được biết, những vị trí tương đương vị trí tôi đang ứng tuyển ở các công ty khác đang là … cho nên tôi cũng kỳ vọng mình sẽ có được mức lương là … Không biết anh/chị có suy nghĩ hoặc đánh giá gì khác không ạ?”

 

Đối mặt với các câu hỏi phỏng vấn chưa bao giờ là một vấn đề đơn giản, thậm chí nhiều người so sánh buổi phỏng vấn như một màn cân não. Vì vậy, hãy chuẩn bị một tâm lí tự tin nhất có thể. Quan trọng là, “biết người biết ta - trăm trận trăm thắng” - hãy bỏ nhiều thời gian để tìm hiểu thị trường lao động ở vị trí tương đương bạn để có một cuộc phỏng vấn thoải mái, thành công.

Tìm việc online Workbank.vn