Cẩm nang việc làm

Đừng quá cầu toàn nơi công sở

26-09-2017

Một khi luôn kỳ vọng về sự hoàn hảo, sẽ không có thước đo nào là chuẩn mực để bạn hài lòng cả. Bất cứ việc gì dù là nhỏ, sự kỳ vọng của bạn cũng đạt đến mức cao độ. Mọi thức bạn làm đều phải là tốt nhất

Một khi đã đi làm, chắc chắn, ai cũng muốn trở thành một nhân viên hoàn hảo, hoàn thành xuất sắc mọi việc được giao và không bao giờ có chút gì gọi là "tì vết". Phấn đấu để công việc như ý là việc tốt thế nhưng, nếu quá cố gắng để mọi việc đều hoàn hảo thì sẽ nảy sinh nhiều vấn đề mà bạn không thể lường trước được. Vì thế, thay vì bất chấp tất cả để biến mình thành một người hoàn hảo nơi công sở, các bạn hãy cố gắng hết sức trong phạm vi có thể để mọi việc đạt kết quả tốt nhất.

 

Ảnh minh họa

 

Tất nhiên, những người có tham vọng biến mình thành kẻ hoàn hảo nơi công sở sẽ luôn cố gắng làm mọi việc một cách tối ưu. Họ không bao giờ biết hài lòng và càng nỗ lực để công việc luôn luôn "hoàn hảo". Từ nhân viên, bạn bè đến cấp trên đều đánh giá cao bản thân họ và luôn bố trí cho họ những vị trí công việc phù hợp. Các sếp luôn dựa vào sự hoàn hảo của họ để ra deadline, mục tiêu cụ thể trong một khoảng thời gian ngắn nhất. Sự thăng tiến và ổn định trong sự nghiệp đến với họ chỉ là vấn đề thời gian.

 

Thế nhưng, cái gì cũng có mặt trái của nó, không có gì là hoàn hảo và càng không có ai hoàn hảo cả. Những điều sau đây sẽ cho bạn thấy "mặt sau" của tấm huy chương với tham vọng trở thành "con người hoàn hảo" trong công việc:

 

- Không có thước đo cho độ hoàn hảo

 

Một khi luôn kỳ vọng về sự hoàn hảo, sẽ không có thước đo nào là chuẩn mực để bạn hài lòng cả. Bất cứ việc gì dù là nhỏ, sự kỳ vọng của bạn cũng đạt đến mức cao độ. Mọi thức bạn làm đều phải là tốt nhất. Có thể ban đầu, sếp và các đồng nghiệp ấn tượng với bạn nhưng dần dần, họ sẽ có định kiến về điều này. Thử nghĩ mà xem, liệu có ai muốn đưa sản phẩm của mình cho một người luôn đòi hỏi cao hơn, các thành viên của nhóm dễ bất mãn khi sản phẩm họ làm ra được nghiên cứu bởi một người luôn có suy nghĩ "cần có chỗ phải cải thiện". Với những người luôn đòi sự hoàn hảo, sự xuất sắc của những người khác hiếm khi được ghi nhận.

 

- Chạy đua để hoàn hảo

 

Với những người luôn muốn có sự hoàn hảo, một khi công việc có chút trục trặc, bao giờ họ cũng muốn khắc phục thật nhanh, chạy đua với thời gian để hoàn thành nhiệm vụ. Tuy nhiên, công việc bao giờ cũng phải có các giai đoạn của nó và không thể "đốt cháy giai đoạn" để lập thành tích được. Muzio - CEO của tập đoàn Harmonics ở Albuquerque, Mỹ cho rằng: "Tất nhiên, bạn có thể làm thêm giờ, thậm chí ở lại qua đêm nơi công sở để hoàn thành sớm tuy nhiên, một khi quá vội vàng, rất có thể sai lầm lại xảy ra mà không thể kiểm soát được".

 

- Ngột ngạt trong công việc

 

Kẻ cầu toàn luôn sợ mình mắc sai lầm dù là nhỏ nhất, vì thế, họ luôn gồng mình lên, căng như dây đàn để giữ sự hoàn hảo. Theo Elizabeth Freedman - tác giả của cuốn "Thị trường việc làm cho những người tốt nghiệp MBA": "Những người luôn mong muốn sự hoàn hảo thường rơi vào trạng thái ngột ngạt, căng thẳng ở nơi làm việc bởi bởi họ luôn cảm thấy không hài lòng. Làm việc gì cũng nơm nớp lo không hoàn hảo".

 

Họ không yêu cầu giúp đỡ kể cả khi gặp khó khăn, họ ấm ức khi đồng nghiệp góp ý về việc gì đó chưa hoàn chỉnh, họ khổ sở vì những vướng mắc trong công việc... tất cả khiến những kẻ cầu toàn luôn cảm thấy ngột ngạt, căng thẳng.

 

Như đã nói từ đầu, sự hoàn hảo trong công việc luôn được đánh giá cao và bất kỳ ai cũng nên phấn đấu. Tuy nhiên, đừng để áp lực về sự hoàn hảo chi phối quá nhiều, khiến bạn căng thẳng và mệt mỏi. Tốt nhất là nên tìm sự cân bằng giữa sự nghiệp và cuộc sống. Muốn vậy, bạn phải nhớ rằng, đừng bao giờ đặt ra mục tiêu quá xa vời khi bắt tay vào một việc gì đó. Muzio nói thêm rằng, chẳng có gì là đủ cả nhất là sự thành công. Thế nhưng đừng vì chạy theo nó mà bỏ qua tất cả, phải biết cân bằng hình ảnh của mình trong công việc cũng như ngoài cuộc sống.

Theo Zing News