Cẩm nang việc làm

Đối phó với sự chỉ trích

20-07-2017

Trong công việc, dù bạn thật hiền lành, chăm chỉ và không bao giờ muốn gây gổ, xích mích với bất cứ ai nhưng đôi khi chính những điều đó khiến người ta thấy khó chịu và muốn... kiếm chuyện với bạn.

 

Họ bắt đầu thêu dệt chuyện này, chuyện nọ sau lưng hoặc nhân cơ hội bạn sai sót điều gì đó, họ sẽ làm lớn chuyện, quy chụp, chỉ trích bạn đủ điều. Thậm chí, họ phê phán bạn rất gay gắt ngay trong cuộc họp có mặt nhiều người. Bạn có bản lĩnh hay không chính là những lúc gặp sóng gió như thế này.

 

Nếu gặp phải trường hợp như vậy, bạn nên tham khảo những lời khuyên sau đây:

 

- Đừng tỏ vẻ khó chịu, mất bình tĩnh, tức giận trước những lời phê bình. Hãy tỉnh táo nhìn nhận xem đó là những góp ý chân tình hay sự ganh tị, soi mói, vạch lá tìm sâu.

 

- "Cảm ơn” là từ nên dùng khi nhận được sự phê bình từ đồng nghiệp. Đó không chỉ là câu nói xã giao mà là cách ứng xử có văn hóa, cho đối phương thấy rằng mình cầu thị và sẽ xem xét nghiêm túc sự góp ý.

 

- Nếu các góp ý là đúng thì việc trước tiên là phải thể hiện cho mọi người thấy bạn sẽ khắc phục sai sót đó một cách chân thành để công việc tốt đẹp hơn, chứ không phải vì lo sợ cá nhân mình bị chỉ trích.

 

- Trong trường hợp các góp ý là bịa đặt thì bạn cũng đừng tỏ vẻ tức giận, có những lời nói, cử chỉ nóng nảy, gây gổ, xúc phạm người đã chỉ trích mình. Cách tốt nhất là bạn hẹn riêng người ấy để hai bên trao đổi và chứng minh cho người ấy thấy điều họ nói là không có cơ sở. Làm như thế, bạn sẽ tạo được ấn tượng tốt với đối phương và có thể biến thù thành bạn. Cuối cùng, bạn cũng đừng quên cảm ơn và mong muốn sẽ tiếp tục nhận được các góp ý, tất nhiên là chỉ những góp ý đúng đắn, chân thành.

 

 

Nguyễn Đức Hùng