Cẩm nang việc làm

Độc lập khi quyết định công việc

11-10-2017

Dù bạn là sếp hay nhân viên, đừng bao giờ biến mình thành kẻ nói rồi để đấy. Đồng nghiệp sẽ nhìn bạn ra sao, lời nói của bạn đủ tin tưởng bao nhiêu phần trăm nếu bạn có nói mà không có làm.

Nhiều người cứ cậy mình là sếp, mặc sức đưa ra quyết định mà không lường trước được tính khả thi của nó. Họ rơi vào tình trạng thay đổi kế hoạch xoành xoạch mà không biết rằng mọi người đang dần mất kiên nhẫn với một kẻ "sáng nắng chiều mưa" và uy tín của họ theo đó cũng giảm dần.

 

Nếu cứ thay đổi ý định liên tục, bạn chỉ khiến cho mọi người phát ngán và mất niềm tin mà thôi - (Ảnh minh họa)

 

Với các đồng nghiệp, nếu bạn cứ liên tục đổi ý, người ta cũng phát ngán và mất dần niềm tin cho bạn. Một khi cảm thấy chưa chắc chắn, bạn đừng vội nêu quyết định, còn khi ý tưởng đã đưa ra, bạn nên nghiêm khắc với chính mình, bất đắc dĩ lắm mới phải thay đổi.

 

Sau đây là một số mẹo nhỏ giúp bạn đưa ra quyết định nhanh chóng nhưng chính xác và có tính khả thi cao:

 

- Đừng quá cầu toàn

 

Nhiều người muốn đòi hỏi một sự hoàn hảo tuyệt đối, công việc phải ở mức trọn vẹn. Thế nhưng, nhiều vị sếp lại thích những báo cáo, dự án được hoàn thành sớm dù lúc đó chỉ mới xong về cơ bản khoảng 80%. Nhưng nếu bạn đợi đến 100% mới báo cáo, dù chỉ chậm 5 phút thôi, người ta cũng không đánh giá cao nữa.

 

Vì thế, đưngc hờ đợi mọi thứ phải hoàn hảo, thay vào đó, hãy đưa ra quyết định đúng lúc, khi cảm thấy đủ tin tưởng và cần thiết. Sự cầu toàn quá mức chỉ làm khổ bạn và những người xung quanh bởi họ phải chạy theo sự thay đổi của bạn đến phát mệt.

 

- Độc lập đưa ra quyết định

 

Tất nhiên, bạn cần tham khảo ý kiến của mọi người, đồng nghiệp và nhất là những thành viên trong nhóm trước khi quyết định. Tuy nhiên, hãy suy nghĩ kỹ càng và độc lập, đừng quá dựa dẫm vào ý kiến của người khác bởi như thế nhiều khi lại biến mình thành kẻ "đẽo cày giữa đường".

 

Hơn nữa, sự tư vấn, ý kiến của mọi người xung quanh nhiều khi cũng chỉ để tham khảo. Bạn là người chịu trách nhiệm chính, bạn không thể ngồi đó mà đợi người ta cho bạn câu trả lời bạn nên làm những gì, làm như thế nào. Tốt nhất, bạn cứ lắng nghe ý kiến từ các nguồn đáng tin cậy rồi đưa ra quyết định nhanh chóng, chính xác và quyết đoán.

 

- Dựa vào tài liệu

 

Một quyết định đưa ra có thể giải quyết được vấn đề nhưng không phải mọi vấn đề đều có thể giải quyết ổn thỏa bằng cách đưa ra quyết định. Việc đưa ra quyết định thường dựa vào trực giác nhiều hơn và đôi khi, sự thiếu chính xác cũng là điều dễ hiểu.

 

Để đưa ra được quyết định chính xác, sáng suốt, ngoài cảm nhận của trực giác, bạn nên tham khảo thêm tài liệu, kiểm tra các nguồn dữ liệu chung và riêng để hiểu vấn đề một cách toàn diện.

 

- Thừa nhận sai lầm

 

Một khi cảm thấy bắt buộc phải thay đổi quyết định, bạn đừng nên cứ im lặng đưa ra cái mới mà ỉm ngay đi ý kiến cũ. Ai cũng có lúc sai lầm và một quyết định chưa chính xác trong cuộc đời cũng không có gì là quá đáng. Bạn đừng tìm cách lảng tránh bởi điều đó khiến mọi người xung quanh không tôn trọng bạn, thậm chí họ sẽ cảm thấy hậm hực nếu sự thay đổi đó ít nhiều ảnh hưởng đến họ.

 

Hơn nữa, bạn cũng đừng vội vàng đổ lỗi cho người khác vì không muốn mình bị ảnh hưởng. Sự đùn đẩy trách nhiệm chỉ khiến hình ảnh của bạn tồi tệ hơn mà thôi.

 

Thừa nhận sai lầm của mình lúc này là cần thiết để giúp bạn giữ được uy tín cũng như cảm tình của mọi người. Trung thực nhận lỗi và tìm cách sửa lỗi bằng những quyết định đúng đắn, sáng suốt hơn sẽ giúp công việc suôn sẻ hơn bạn nghĩ đấy.

Theo ZingNews