Cẩm nang việc làm

Nghỉ việc cũng phải chuyên nghiệp

08-06-2012 09:36 GMT+7

Nhiều người cho rằng nghỉ việc đơn giản chỉ là viết thư xin nghỉ rồi đóng gói đồ đạc và ra đi. Thực ra, nghỉ việc cũng đòi hỏi quá trình chuẩn bị, sự chuyên nghiệp và khéo léo giống như khi bạn tìm việc.



Dưới đây là những điều bạn nên làm trước khi nghỉ việc:

Xác định lý do nghỉ việc

Hãy xác định rõ ràng lý do bạn muốn ngừng cộng tác với công ty hiện tại. Bạn cảm thấy buồn chán? Bạn không còn học hỏi thêm được kiến thức, kỹ năng mới ở vị trí này? Bạn nhận được lời đề nghị công việc tốt hơn từ công ty khác?... Một lý do hợp lý sẽ giúp bạn thuyết phục sếp tạo điều kiện cho mình ra đi một cách thuận lợi nhất.

Thông báo nghỉ việc trước ít nhất 2 tuần

Trước tiên, bạn cần đánh giá về công việc của mình trước khi đặt ra thời điểm thích hợp để xin nghỉ. Chẳng hạn, nếu vị trí của bạn đòi hỏi cao và khó tìm người thay thế, bạn cần thông báo cho sếp sớm hơn.

Đề nghị hướng dẫn cho người thay thế

Nếu có thời gian, bạn có thể ở lại lâu hơn để đảm bảo người thay thế của bạn được bàn giao công việc và hướng dẫn cụ thể. Bạn sẽ để lại ấn tượng tốt cho sếp và công ty với hành động hào phóng này.

Không được tự ý bỏ việc

Dù bạn cảm thấy quá buồn chán hay mâu thuẫn với đồng nghiệp căng thẳng ra sao, tự ý bỏ việc là hành động thiếu chuyên nghiệp và ảnh hưởng xấu tới danh tiếng nghề nghiệp của bạn. Nhà tuyển dụng tương lai có thể gọi điện cho công ty cũ để xác định về quá trình làm việc của bạn và như vậy, họ sẽ nghe được những điều không hay về bạn.

"Làm mới" CV

Sẽ dễ dàng hơn để cập nhật thông tin cho CV của mình khi bạn vẫn còn làm việc cho công ty. Hơn nữa, sự chuẩn bị kỹ lưỡng này còn giúp bạn sẵn sàng ứng tuyển vào những vị trí triển vọng bất cứ lúc nào.

Tìm người tham khảo tin cậy

Bạn nên tiếp cận và đề nghị 2 - 3 người làm người tham khảo cho mình khi mối quan hệ với họ còn gần gũi, thân thiết. Ngoài sếp, bạn có thể hỏi đồng nghiệp hay khách hàng - những người từng làm việc cùng, hiểu rõ và đánh giá cao vai trò của bạn.

Hướng dẫn người tham khảo

Bạn có thể đề nghị người hướng dẫn đưa ra những nhận xét có lợi cho mình. Chẳng hạn, nếu người tham khảo từng là khách hàng của bạn và nhờ sự tư vấn của bạn, người đó không chỉ giải quyết khó khăn mà còn phát triển kinh doanh, bạn có thể nhờ họ nhận xét bằng văn bản hay nói chuyện trực tiếp về khả năng giải quyết vấn đề cũng như ảnh hưởng của bạn tới công việc của họ.

Kiểm tra tình hình tài chính

Bạn muốn nghỉ việc nhưng liệu tình hình tài chính có cho phép bạn làm như vậy khi vẫn chưa tìm được việc mới? Hãy cân nhắc kỹ lưỡng về tình hình của bạn trước khi nộp đơn xin thôi việc.

Chuẩn bị cho bước tiến tiếp theo

Hãy xem xét về những bước tiến tiếp theo trong sự nghiệp của bạn và những biện pháp thúc đẩy danh tiếng nghề nghiệp. Bạn nên lập một kế hoạch để thể hiện bản thân một cách hoàn thiện hơn. Hay nói cách khác, nếu bạn là một người hoàn toàn "mờ nhạt" ở công việc trước, hãy tạo chiến lược để cải thiện bản thân. Bạn cần học cách quyết đoán, tích lũy kỹ năng giao tiếp, linh động, tự tin và cởi mở hơn.

Thay đổi công việc không phải là một việc căng thẳng, mệt mỏi. Hãy tận dụng thời gian, kiểm soát cảm xúc và tận hưởng những thử thách mới trong công việc tiếp theo của bạn.


Dân Trí