Cẩm nang việc làm

Ngại đàm phán lương chính là trở ngại sự nghiệp

19-09-2017 08:47 GMT+7

Đàm phán lương là cụm từ hầu hết ứng viên ngại nhắc tới, đặc biệt là những người chưa có kinh nghiệm đàm phán lương như sinh viên mới ra trường. Họ thường bị kiềm nén vì nhiều lý do: Không thoải mái khi nói về tiền, không muốn rủi ro, sợ mất việc, hoặc không biết mở lời đàm phán như thế nào và chủ yếu là họ không biết định giá bản thân như nào là vừa

Có rất nhiều nỗi sợ xung quanh việc đàm phán lương nhưng văn hóa xin việc ngày nay đã dần thay đổi, những câu chuyện về mức lương mong muốn đều được đàm phán một cách thẳng thắn. Vì vậy, đừng ngại nữa nếu không bạn sẽ gặp những trở ngại ít nhiều trong sự nghiệp đấy.

 

 

1. Không đàm phán lương sẽ làm bạn tốn kém?

 

Đàm phán lương hay nói nôm na là “định giá” chính mình, vậy tại sao không đàm phán lương thì khiến bạn tốn kém?

 

Như các bạn biết, hầu hết các nhà tuyển dụng tăng lương theo hình thức tăng phần trăm dựa trên mức lương hiện tại và theo hiệu suất. Nghĩa là mức lương bạn đàm phán cho hiện tại sẽ có ảnh hưởng ít nhiều đến mức lương năm sau bạn nhận.

 

Vậy nếu không “ra giá” ngay từ ban đầu thì sẽ khiến bạn mất nhiều thời gian hơn để đạt mức mong muốn.

 

Hơn thế nữa, tâm lý khi được trả thấp hơn khoản bạn xứng đáng sẽ ảnh hưởng đến hiệu suất công việc và điều đó tiếp tục sẽ ảnh hưởng đến khoản tăng của năm sau.

 

Mặt khác, khi bạn thay đổi công việc, mức lương hiện tại của bạn sẽ ảnh hưởng đến lần đàm phán lương tại công ty ứng tuyển. Đó là lý do nếu không đàm phán lương thẳng thắn ngay từ đầu sẽ khiến bạn tốn kém đấy.

 

2. Đàm phán lương sẽ giúp bạn không phải tổn thương

 

“Tại sao năng lực bạn ấy không bằng mình nhưng lương cao hơn?”

 

“Cùng là không có kinh nghiệm như nhau nhưng sao anh ấy hơn mình?”

 

“Học hỏi kinh nghiệm trước lương sau, nhưng mấy năm rồi lương vẫn thấp!”

 

Bạn có bao giờ tổn thương vì những lần tự hỏi trên? Mức lương bạn mong muốn là bao nhiêu?

 

 

Có 2 câu trả lời thường gặp nhất:

 

- Em nghĩ lương không quan trọng bằng công việc và học hỏi kinh nghiệm

 

- Em nghĩ mình xứng đáng được trả mức lương khoảng XXX - YYY vì các lý do sau…, bên cạnh đó em đã tham khảo mức lương thị trường dành cho vị trí này, nên em nghĩ mức lương này phù hợp.

 

Ở trường hợp 2, chúc mừng, bạn khá thẳng thắn, thực tế và có cơ sở. Hãy vẽ rõ hơn về lộ trình mà bạn mong muốn nhé!

 

Còn trường hợp 1, lại sẽ xảy ra 2 trường hợp khác, đó là: bạn được trả 1 khoản vừa xít với mức bạn đang nghĩ; 2 là bạn được trả thấp hơn mức bạn mong đợi.

 

Tất cả nỗi sợ của bạn hoàn toàn là dễ hiểu. Nhưng điều này không ít lần gây tổn thương khiến chính các bạn cảm thấy loay hoay và ít có động lực cống hiến hơn. Việc học hỏi tất nhiên quan trọng nhưng khuyến khích các bạn hãy đàm phán một mức lương thay vì bỏ mặc và mông lung tự hỏi mình sẽ được trả bao nhiêu? Hoặc luôn trăn trở vì những câu hỏi trên.

 

3. Không đàm phán, không phát triển

 

Đàm phán lương mang lại nhiều lợi ích cho sự nghiệp. Nó giúp bạn học cách giải quyết các cuộc nói chuyện khó khăn trong công việc, chuyên nghiệp, hợp tác và không gây thù hận.

 

Thái độ tích cực, bình tĩnh sẽ giúp việc đàm phán trở nên thoải mái và diễn ra tốt đẹp hơn, bạn cũng sẽ được nghe các lý do đưa ra từ phía nhà tuyển dụng, hai bên sẽ dễ dàng hiểu nhau hơn. Sau khi cuộc đàm phán kết thúc cũng vậy, dù thành công hay còn chưa vừa ý thì việc kiểm soát bản thân, ngôn ngữ, chia sẻ cảm xúc trên mạng xã hội cũng là điều bạn cần lưu ý.

 

Đặc biệt, để việc đàm phán lương diễn ra thuyết phục hơn, bạn cùng cần chuẩn bị rất nhiều thông tin để có được một bức tranh toàn cảnh nhằm đưa ra mức lương xác đáng nhất và thực tế nhất.

 

Không đàm phán sẽ không học được những bài học quý giá vì vậy tự tin lên nhé!

Binh Captain