Cẩm nang việc làm

Mẹo khai thác thông tin 'nhạy cảm' khi phỏng vấn

09-07-2011

Không có gì phải ngại khi bạn hỏi về tiền lương, quyền lợi của mình bởi nếu mọi việc đã xong xuôi nhưng ứng viên lại không hài lòng về quyền lợi hoặc nhà tuyển dụng không chấp nhận yêu cầu của ứng viên thì chỉ làm mất thời gian của cả hai bên.

Hầu hết ứng viên đều muốn biết về quyền lợi trước khi bước vào phỏng vấn
 - (Ảnh minh họa)


Tiền lương, thưởng, thời gian nghỉ ngơi và những khoản phụ cấp khác... là điều ứng viên nóng lòng muốn biết. Tuy nhiên, họ lại lo đưa ra những câu hỏi này là sai lầm khiến họ đánh mất thiện cảm và cơ hội "lọt mắt" nhà tuyển dụng. Theo một số chuyên gia, bạn vẫn có thể nêu vấn đề, miễn là tiếp cận đúng lúc và đúng cách.

Vicki Salemi cho rằng: "Không có gì phải ngại khi bạn hỏi về tiền lương, lợi ích và những đặc quyền bạn được hưởng khi bước vào phỏng vấn. Hãy nghĩ theo hướng này: nhà tuyển dụng cũng muốn biết hai bên có thể tìm thấy tiếng nói chung về quyền lợi trước khi thỏa thuận về công việc. Bởi nếu mọi việc đã xong xuôi nhưng ứng viên lại không hài lòng về quyền lợi hoặc nhà tuyển dụng không chấp nhận yêu cầu của ứng viên thì chỉ làm mất thời gian của cả hai bên".


Nhưng những câu hỏi về quyền lợi, tiền lương bao giờ cũng
đòi hỏi sự tế nhị - (Ảnh minh họa)

Còn Lynn Taylor - GĐĐH của công ty Santa Monica lại cho rằng, lần gặp đầu tiên bạn không nên nhắc đến vấn đề quyền lợi bởi buổi đầu này thường mang tính chất thủ tục hành chính nhiều hơn. "Bạn có quyền được biết về những gì mình được hưởng khi về đầu quân cho công ty, nhưng hãy dành câu hỏi đó cho lần gặp gỡ thứ 2". Với Taylor, chọn thời điểm phù hợp sẽ giúp bạn có thêm nhiều cơ hội thành công.

Sau đây là những gợi ý giúp bạn khai thác thông tin nhạy cảm một cách an toàn khi đối diện nhà tuyển dụng:

- Quyết đoán

Đơn giản nhưng quyết đoán, đó là lời khuyên Salemi đưa ra. Theo Salemi, ứng viên có thể nêu câu hỏi rõ ràng, thẳng thắn "Tôi rất mong được làm việc ở vị trí này nhưng trước tiên, tôi muốn biết mức lương tôi được hưởng rồi mới đàm phán đến những vấn đề khác". Hoặc: "Tôi hào hứng với công việc này và dành nhiều thời gian, công sức tìm hiểu. Nhưng vào lúc này, tôi muốn bạn chia sẻ về những quyền lợi có thể được hưởng ở vị trí tôi ứng tuyển".

Cách nói quyết đoán nhưng nhã nhặn, hợp tình hợp lý ấy sẽ khiến nhà tuyển dụng đón nhận thông tin một cách thoải mái hơn.

- Nêu lý do bạn quan tâm đến quyền lợi

Theo Alex Buznego, người phụ trách kinh doanh và tiếp thị cho một công ty truyền thông, nhà tuyển dụng không muốn lãng phí thời gian. Bạn hãy nhắc nhở họ về vấn đề này. "Tôi biết thời gian của bạn rất giá trị và bạn không muốn mất thời gian một cách vô ích với một ứng viên không hoàn toàn phù hợp. Trên tinh thần đó, tôi đề nghị chúng ta nên thảo luận về một số vấn đề tế nhị trước khi tiếp tục vấn đề công việc". Với lời dẫn dắt đó, bạn có thể tự tin nêu câu hỏi về quyền lợi và nhà tuyển dụng sẽ cảm nhận được sự tế nhị, thông minh từ bạn.

- Lịch sự

Trước khi đưa ra những vấn đề "nhạy cảm", Buznego cho rằng, bạn nên có thái độ lịch sự với một lời gợi ý nhã nhặn: "Bạn có phiền không nếu tôi đưa ra một câu hỏi hơi khó chịu?". Chắc chắn, nhà tuyển dụng sẽ không từ chối.
Theo Zing