Cẩm nang việc làm

Lựa lời mà nói

07-03-2017 10:15 GMT+7

Xưa nay mình quen ra lệnh. Những mệnh lệnh khô khan, xơ cứng như “tôi yêu cầu”, “tôi đề nghị”, “tôi muốn”, “tôi cần”, “tôi chỉ thị”... mình hay dùng với thuộc cấp. Thật lòng, khi nói như vậy, mình cũng không để ý xem phản ứng của người nghe như thế nào. Đơn giản, mình nghĩ ai cũng phải có nghĩa vụ chấp hành bởi họ được trả lương để thực hiện các mệnh lệnh của giám đốc.


Cho đến khi mình ra lệnh mà chẳng ai thèm nghe thì mình mới thấy sự vô nghĩa của những mệnh lệnh ấy. "Tôi yêu cầu mọi người phải vào nhà máy làm việc. Nếu trong buổi sáng nay mà ai không vào là có ý chống đối và sẽ bị sa thải”. Cả khối người vẫn bất động. Họ không nghe hay sao? Loa phóng thanh đã được mở to hết cỡ kia mà? "Anh em có nghe tôi nói không? Tôi yêu cầu mọi người trở về vị trí làm việc ngay...” - mình nói như hét. Thế nhưng, cũng chẳng ai nhúc nhích. Họ đã kết thành một khối để phản ứng lại mệnh lệnh của mình.

"Xin giám đốc ngồi xuống, để tôi thử nói chuyện với anh em” - phó giám đốc nói nhỏ vào tai mình. Ừ thì ngồi, mình cũng mệt lắm rồi. Để xem phó giám đốc ứng phó ra sao, chắc chắn là sẽ không làm được gì...

Nhưng mình đã lầm. Cấp phó của mình đã làm được điều mà mình không làm được. Anh ta nhẹ nhàng bảo: "Tôi xin phép được trao đổi với anh em vài lời. Nếu tôi nói có điều gì chưa chính xác thì anh em sẽ phát biểu sau nhé. Chúng ta thỏa thuận là sẽ trao đổi thẳng thắn, đúng mực, tôn trọng lẫn nhau. Anh em đồng ý không?”. Mọi người rào rào "đồng ý, đồng ý”.

Anh phó giám đốc nhẹ nhàng "rót mật vào tai” mọi người, nào là mong muốn của anh em công nhân hết sức chính đáng, nào là ban giám đốc cũng luôn mong muốn đời sống anh em khá hơn... Rồi anh ta kể những việc công ty đã làm cho công nhân, nhắc lại chuyện đêm giao thừa giám đốc xuống tận nhà trọ để lì xì, cắt dưa hấu với anh em không có điều kiện về quê...

Cứ rủ rỉ như vậy mà cuối cùng, mọi người lũ lượt rủ nhau trở vào xưởng. Thì ra, anh em không muốn bị áp đặt mà cần nghe những lời chân thành, có tình, có lý. Mình đã rút ra được một bài học kinh nghiệm quý từ người phó của mình. "Nói ngọt, lọt tới xương” là đây...

 

 

Duy Hưng

 

 

Theo Người Lao Động