Đừng vì lợi nhỏ
23-10-2017 08:36 GMT+7
Chính sách lương, thưởng và đãi ngộ tốt sẽ giúp doanh nghiệp ổn định nguồn nhân lực lâu dài.
Theo khảo sát của Tổng LĐLĐ Việt Nam, chỉ 51,3% người lao động (NLĐ) có thu nhập đủ trang trải đời sống; 20,6% phải chi tiêu tằn tiện, kham khổ; 12% không đủ sống và chỉ 16,1% có thể tích lũy từ thu nhập. Kết quả này phác thảo toàn cảnh đời sống đại đa số NLĐ, nhất là công nhân (CN) các KCX-KCN. Ấy vậy mà nhiều doanh nghiệp (DN), nhất là DN dệt may, luôn "kêu ca" rằng tiền lương tối thiểu tăng quá nhanh khiến họ "ngắc ngoải" do phải gồng gánh quá nhiều chi phí, nhất là BHXH, BHYT và bảo hiểm thất nghiệp.
Phải động viên người lao động
Tại hội nghị NLĐ diễn ra vào trung tuần tháng 10-2017, được hỏi vì sao lại đồng ý đưa các khoản phụ cấp (chuyên cần, năng suất, thâm niên) vào lương cơ bản (LCB), ông Phùng Đình Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Trí Dũng (may gia công, tỉnh Bình Dương), bày tỏ: "Đưa phụ cấp vào LCB chắc chắn sẽ khiến chi phí trích nộp BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp tăng cao song điều đó không quan trọng. Mục tiêu chúng tôi hướng đến là tạo động lực làm việc thực sự cho NLĐ.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, mức LCB của 150 CN đang làm việc tại công ty là 3,7 triệu đồng/tháng; nếu cộng thêm các khoản phụ cấp (tổng cộng 500.000 đồng) thì sẽ tăng lên 4,2 triệu đồng. Với nhiều CN, việc công ty từng bước hoàn thiện chính sách đãi ngộ là tín hiệu rất đáng mừng. Tập thể CN cũng cho hay các khoản phụ cấp trên đã được công ty duy trì kể từ khi thành lập (năm 2013) và nâng dần hằng năm nhưng chưa được đưa vào LCB. Do vậy, việc cụ thể hóa các khoản phụ cấp vào LCB sẽ giúp họ cải thiện thu nhập đáng kể, nhất là khi làm thêm giờ.
Chính sách lương, thưởng của doanh nghiệp quyết định tinh thần cống hiến của người lao động
Tham gia giải quyết những vụ ngừng việc tại các DN trên địa bàn TP HCM, nhiều cán bộ Công đoàn (CĐ) cấp trên cơ sở thẳng thắn chỉ ra rằng việc người sử dụng lao động thiếu minh bạch trong chính sách tiền lương là nguyên nhân khiến quan hệ lao động bất ổn. Lúc làm ăn khấm khá, rất nhiều chủ DN tỏ ra "hào phóng" trong chính sách lương, thưởng. Thế nhưng, chỉ cần gặp khó khăn đôi chút thì không ít chủ DN thẳng tay "triệt tiêu" các khoản phúc lợi khiến NLĐ ức chế. Điển hình tại một DN có vốn đầu tư nước ngoài đóng ở quận ven TP HCM. Lúc mở xưởng, DN cam kết sẽ thưởng năng suất (từ 200.000-300.000 đồng) nếu CN làm vượt định mức. Thế nhưng, khi năng suất CN tăng, ban giám đốc công ty lại tìm cách tăng định mức cao hơn, điều này khiến CN không theo kịp dẫn đến có tháng mất trắng khoản thưởng này. Bất bình vì bị o ép, tập thể CN đã ngừng việc. "Các khoản thưởng cố định giúp NLĐ cải thiện thu nhập nên việc DN tùy tiện cắt giảm là thiếu sòng phẳng với họ. Để tránh những rắc rối không đáng có, DN nên cụ thể hóa trong thỏa ước" - một cán bộ CĐ cấp trên cơ sở khuyến cáo.
Tránh gây xáo trộn tâm lý
Tại các hội thảo về tiền lương cấp quốc gia, không ít lần đại diện tổ chức CĐ đề cập thực trạng nhiều DN miễn cưỡng điều chỉnh lương tối thiểu hoặc tăng lương định kỳ cho có và điều này làm mất đi ý nghĩa chăm lo. Chỉ vì cái lợi nhỏ trước mắt, nhiều DN đã o ép NLĐ khiến họ mất hết động lực làm việc, từ đó bỏ sang nơi có chế độ phúc lợi tốt hơn.
Thực tế, việc DN xây dựng chính sách tiền lương chưa thỏa đáng cũng như chưa có chế độ chăm lo, đãi ngộ hợp lý khiến tâm lý làm việc của NLĐ xáo trộn. Theo các chuyên gia lao động, nếu thực tâm chăm lo cho NLĐ thì DN phải làm tới nơi tới chốn, còn không thì chỉ cần làm đúng luật là đủ. Trao đổi với chúng tôi, ông Hà Duy Dưng, Tổng Giám đốc Công ty CP Đông Hưng (tỉnh Bình Dương), cho rằng để ổn định nguồn nhân lực lâu dài, trước tiên DN cần minh bạch chính sách tiền lương và công khai cho NLĐ biết. Tại công ty ông, nhiều năm qua, khi xây dựng chính sách tiền lương, đãi ngộ, ban giám đốc đều trao đổi thẳng thắn với CĐ cơ sở. Trên cơ sở đề xuất của CĐ và tình hình DN, cả hai phía sẽ thống nhất các điều khoản chăm lo và cụ thể hóa trong thỏa ước lao động tập thể để làm cơ sở thực hiện. Quyền lợi CN được niêm yết công khai để họ có thể tự giám sát. Nhờ minh bạch trong chính sách tiền lương mà nhiều năm qua, công ty không xảy ra tranh chấp lao động, đời sống CN ngày càng được cải thiện.
Ở các DN như Công ty TNHH Quảng Việt (huyện Củ Chi), Công ty CP Thiết bị Giáo dục Minh Đức (quận Thủ Đức), nhờ chính sách tiền lương minh bạch cùng chế độ đãi ngộ thỏa đáng nên NLĐ an tâm gắn bó, cống hiến lâu dài. Cả chủ DN và CĐ luôn coi trọng việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của CN, nhờ đó sớm tìm được tiếng nói chung khi hoàn thiện chính sách chăm lo, đãi ngộ, xem đó là nền tảng để ổn định quan hệ lao động. "Các ý kiến đóng góp liên quan đến quyền lợi số đông CN được CĐ ưu tiên xem xét. Trên cơ sở này, CĐ cơ sở sẽ đề xuất chính sách tiền lương, đãi ngộ phù hợp. Mục tiêu là phải hài hòa lợi ích cả hai phía" - ông Nguyễn Quang Duẫn, Chủ tịch CĐ Công ty CP Thiết bị Giáo dục Minh Đức, cho biết.
"Ở đâu DN có chính sách chăm lo tốt thì NLĐ sẽ toàn tâm toàn ý làm việc và đây chính là nền tảng để DN phát triển ổn định. Mong mỏi của NLĐ là thu nhập phải sống được và có tích lũy, do vậy chính sách chăm lo, đãi ngộ phải được DN định hình một cách căn cơ". Ông Nguyễn Văn Khải, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ TP HCM |
- Kinh doanh mảng mâm xe, lốp xe, ắc quy Thế Giới Mâm Lốp
- Trình dược viên ETC Công Ty TNHH Thương Mại Bách Quang
- Giám đốc sản xuất Công Ty TNHH SX - TM - DV Lê Trần
- Nhân viên kế toán Công Ty Cổ Phần Sản Xuất Nhựa Duy Tân
- Nhân viên kinh doanh xuất khẩu Công Ty Cổ Phần Sản Xuất Nhựa Duy Tân
- Nhân viên kế toán kho Công Ty Cổ Phần Vật Liệu Vĩnh Tân
- Nhân viên hành chính nhân sự Công Ty Cổ Phần Thương Mại Và Công Nghệ Lâm Linh Phú
- Giám sát thi công nội thất Công Ty Cổ Phần Thương Mại Và Công Nghệ Lâm Linh Phú
- Kỹ sư shopdawing Công Ty Cổ Phần Thương Mại Kỹ Thuật Đức Dương
- Kỹ sư giám sát hệ cơ Công Ty Cổ Phần Thương Mại Kỹ Thuật Đức Dương