Cẩm nang việc làm

Đối phó với những vấn đề đau đầu nơi công sở

16-12-2011 11:31 GMT+7

Mâu thuẫn là vấn đề khó tránh khỏi trong cuộc sống riêng tư cũng như trong môi trường công sở. Điều quan trọng là mỗi người cần tìm cho mình một phương án đối phó riêng để “tùy cơ ứng biến” và khiến cuộc sống công sở trở nên “dễ thở” hơn.


Vấn đề thứ nhất


Mô tả: Vấn đề đầu tiên là việc dân công sở không đạt được hiệu quả công việc như những gì họ mong đợi khi tham gia làm việc nhóm. Đây được xem là một vấn đề lớn bởi khi họ không đạt được mục tiêu họ có thể sẽ gây áp lực với những thành viên khác. Hơn thế nữa, khi làm công việc nhóm nếu một trong số các thành viên không hoàn thành được phần công việc của mình thì sẽ khiến công sức của cả nhóm bỏ ra trở thành vô ích.

Đối phó: Thứ nhất, hãy chắc chắn rằng nhóm đã thỏa thuận những quy định bắt buộc. Phần công việc của ai, người đó sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm và có nghĩa vụ hoàn thành. Thứ hai, thường xuyên kiểm tra tiến độ công việc của từng cá nhân trong nhóm để nắm bắt tình hình và thay đổi chiến lược (nếu cần). Thứ ba, hãy chắc chắn rằng tất cả các thành viên trong nhóm đã nhận thức được các khoản tiền thưởng có thể nhận được khi hoàn thành công việc. Thứ tư, thực hiện quy định thưởng, phạt một cách phân minh.

Vấn đề thứ hai

Mô tả: Vấn đề thường xuyên xảy ra trong môi trường công sở là việc nhân viên đến muộn giờ họp hoặc dành quá nhiều thời gian thảo luận về những điều vụn vặt trong cuộc họp. Phần lớn nội dung bàn luận lại không liên quan đến mục đích của cuộc họp. Điều nãy dần đến tình trạng lộn xộn và mất trật tự.

Đối phó: Thứ nhất, hãy chắc chắn rằng bạn đã đề ra những quy định thực sự nghiêm ngặt về thời gian họp cũng như "lên dây cót” ý thức cho các nhân viên của mình về tính chuyên nghiệp. Thứ hai, giữ thời gian họp cố định. Nghĩa là, lên lịch thời gian bắt đầu và kết thúc một cách chi tiết và thực hiện đúng lịch trình (nếu không có sự kiện bất ngờ nào xảy ra). Thứ ba, chỉ yêu cầu những người có liên quan mật thiết đến cuộc họp, những người khác có thể theo dõi diễn biến thông qua những bản thảo được gửi đến ngay sau đó. Thứ tư, hãy chắc chắn rằng, mối cá nhân được mời đến họp đều biết nội dung cuộc họp muốn bàn đến vấn đề gì thông qua những bản báo cáo vắn tắt.

Vấn đề thứ ba

Mô tả: Hai trong những vấn đề thường xuyên xảy ra trong môi trường công sở là việc nhân viên thiếu năng lực, thiếu kỹ năng lao động và mâu thuẫn trong các mối quan hệ : giữa đồng nghiệp với sếp, giữa sếp này với sếp kia và giữa đồng nghiệp với nhau.

Đối phó: Thứ nhất, với vấn đề nhân viên thiếu năng lực thì cách tốt nhất là đào tạo họ. Cho họ một cơ hội được học hỏi kinh nghiệm cũng là cách bạn cho mình một cơ hội để trở thành người sếp tốt bụng. Đào tạo một con người không hề đơn giản, vì vậy hãy kiên nhẫn và khéo léo để xây dựng một đội ngũ nhân viên trung thành. Thứ hai, đối với vấn đề mâu thuẫn giữa 3 mối quan hệ: sếp với nhân viên, nhân viên với nhân viên và sếp với sếp thì cách tốt nhất là giải quyết nội bộ. Sự gặp gỡ, trao đổi và thống nhất quan điểm là chìa khóa giúp dung hòa mâu thuẫn.

Vấn đề thứ tư

Mô tả: Vấn đề thưởng, phạt, khen ngợi và phê bình cũng khiến môi trường công sở trở nên phức tạp hơn bao giờ hết. Sự phân định không công bằng cùng thái độ của sếp có thể trở thành ngòi nổ dẫn đến chiến tranh giữa các nhân viên.

Đối phó: Thứ nhất, hãy chắc chắn rằng bạn đã nêu tên đúng người, đúng việc và đúng thành tích trong mỗi cuộc họp. Thứ hai, đảm bảo rằng tất cả các nhân viên đều được đối xử ngang hàng, không có trường hợp chiếu cố và cùng đánh giá cao sự cố gắng của họ. Thứ ba, mang đến cho nhân viên động lực bằng cách khen ngợi họ ngay khi họ làm tốt công việc của mình. Thứ tư, tránh chỉ trích nhân viên trước mặt đồng nghiệp hoặc trước mặt người khác. Thứ năm, không nên so sánh hai nhân viên với nhau trừ khi bạn đứng trên lập trường khách quan và so sánh ở mọi góc độ. Thứ sáu, không phán xét về cuộc sống riêng tư của nhân viên và đi sâu vào đời sống cá nhân của họ.
Theo Dân Trí