Cẩm nang việc làm

Cứu vãn tình thế khi sắp bị sa thải

01-11-2017 08:51 GMT+7

Nhiều người nói họ cảm thấy bất ngờ, hụt hẫng khi bị sa thải. Tuy nhiên thực tế có nhiều dấu hiệu cảnh báo trước khi có quyết định sa thải

Ảnh: imunsinkable.com

 

Vì thế, hãy luôn cảnh giác. Nếu phát hiện sớm các dấu hiệu cho thấy nguy cơ bị sa thải, bạn vẫn có hi vọng cứu vãn tình thế. Dưới đây là một số gợi ý dành cho bạn:

 

Nói chuyện với sếp

 

Nếu đây là công việc bạn thật sự muốn giữ và theo đuổi, hãy đề nghị một cuộc nói chuyện trực tiếp với sếp. Trung thực trình bày cảm nhận của bạn về những điều có thể xảy ra và đề nghị xác nhận từ sếp. Cố gắng không để cảm xúc "bùng nổ", thay vào đó hãy chân thành hỏi sếp bạn có thể làm gì để tránh tình huống xấu nhất.

 

Không hứa hão

 

Sa thải nhân viên không hề dễ với người quản lý. Nếu cảm thấy bạn vẫn còn giá trị, họ sẵn sàng giữ bạn lại. Khi đó, hãy xác định rõ ràng với sếp điều bạn cần làm để xoay ngược tình thế. Lưu ý rằng đừng vì muốn được giữ lại mà "hứa hươu hứa vượn” để rồi không thể làm được. Điều đó sẽ tạo ấn tượng xấu với sếp.

 

Thể hiện sự thay đổi tích cực

 

Nếu được tạo cơ hội tiếp tục công việc, hãy thể hiện sự thay đổi tích cực. Hãy đi làm sớm hơn và ra về muộn hơn. Làm việc chăm chỉ dựa trên những lời khuyên của sếp về điều bạn nên làm. Hãy chứng tỏ cho sếp thấy bạn là một nhân viên cần mẫn và trung thành với công ty, và sếp không hề sai lầm khi cho bạn cơ hội.

 

Không hạ thấp bản thân

 

Không cầu xin kể cả khi sếp lạnh lùng nói "không” với lời đề nghị được ở lại của bạn. Nó không bao giờ có tác dụng mà chỉ khiến bạn thêm đáng thương mà thôi. Thay vào đó hãy mạnh mẽ, làm việc chăm chỉ và giữ thái độ tích cực cho đến "phút cuối", có thể sếp sẽ suy nghĩ lại và cho bạn cơ hội. Trong trường hợp xấu nhất, bạn cũng tuyệt đối không "ăn vạ" vì điều này chỉ khiến bạn thêm mất điểm với sếp và những người khác trong công ty.

 

Chuẩn bị cho bước đi tiếp theo

 

Nếu bạn nhận thấy các dấu hiệu xấu nhưng không còn cách cứu bản thân, hãy bắt đầu chuẩn bị cho cuộc sống sau khi bị sa thải. Hãy chuẩn bị sơ yếu lý lịch và bắt đầu tìm kiếm những cơ hội khác. Bạn sẽ vượt qua được khó khăn và thành công nếu mạnh mẽ và quyết tâm.

 

--------------------------------------

 

* Một số dấu hiệu cảnh báo nguy cơ bị sa thải:

 

Phần việc của bạn bị cắt giảm

 

Người quản lý sẽ chuyển giao dần những dự án của bạn cho người khác, khách hàng của bạn cũng được thông báo về sự thay đổi nhân sự phụ trách. Nếu không phải bạn nghỉ phép, việc này có thể là dấu hiệu bạn sắp bị cho thôi việc.

 

Sếp né tránh bạn

 

Khi quyết định được đưa ra, sếp sẽ hạn chế gặp bạn trừ những việc cần thiết. Anh/cô ấy sẽ chờ tới khi bạn được trả lương hoặc hoàn thành dự án để thông báo tin buồn cho bạn.

 

Bạn bị hạn chế quyền xem một số tài liệu

 

Các công ty thường hạn chế một số tài liệu nhân viên sắp bị sa thải có thể đọc hoặc xử lý nếu nội dung đó chỉ được phép lưu hành nội bộ. Trong trường hợp bạn yêu cầu được cung cấp những tài liệu đó, đừng ngạc nhiên nếu bạn nhận được lời từ chối rằng "Máy tính gặp sự cố” hoặc "Yêu cầu này chưa được cấp trên phê duyệt”.

 

Có người "dò hỏi” từng chi tiết về công việc của bạn

 

Bạn có thể coi rằng người đó "hâm mộ”, muốn học hỏi phong cách làm việc của bạn nhưng thật sự có thể là anh/cô ấy đang cố gắng tìm hiểu để "lấp chỗ trống” khi bạn ra đi.

 

Những vi phạm nhỏ của bạn đều được bỏ qua

 

Bạn có để ý rằng việc bạn đi làm muộn những ngày gần đây không còn là một vấn đề lớn? Hay trước đây sếp thường nhướng mày khi bạn làm sai thì giờ đây anh/cô ấy không tỏ thái độ gì cả? Đó không phải vì công ty hạ thấp các quy định mà họ cảm thấy không nhất thiết phải xử phạt một người sắp bị cho thôi việc.

Tuổi Trẻ