Cẩm nang việc làm

Có nên hạ thấp mức lương sau khi trượt phỏng vấn?

24-10-2017

Em tham gia phỏng vấn vị trí nhân viên kiểm thử tại một công ty phần mềm. Công ty đánh giá em có khả năng đọc hiểu tiếng Anh tốt, tuy nhiên chưa có kinh nghiệm thực tế. Khi được hỏi về lương, em có đề nghị mức 5 - 7 triệu

Ảnh minh họa: siliconrepublic.com

 

Về phần tự nhận xét bản thân, em trả lời là người cẩn thận, có trách nhiệm trong công việc và nóng tính. Tuy nhiên sau đó em bị trượt phỏng vấn.

 

Chương trình có thể cho em biết lý do em bị trượt không? Hiện tại công ty đó vẫn đăng tin tuyển dụng trên các website, em có nên gửi email cho công ty với mong muốn hạ thấp mức lương để được làm việc không? (luudungictu@)

 

- Vị trí nhân viên kiểm thử mà bạn đề cập có thể là vị trí QC hoặc QA tại các công ty phần mềm. Vị trí này thông thường yêu cầu có kiến thức cơ bản về IT, đặc biệt về các ngôn ngữ lập trình phần mềm; và thường tuyển nữ vì đặc thù công việc đòi hỏi tính cẩn thận, chịu khó và khả năng giao tiếp khéo léo để dễ hợp tác với các lập trình viên (developer/coder), tiếng Anh tốt cũng là một điều kiện cần.

 

Theo tôi, bạn không được nhận có thể có hai lý do chính:

 

+ Mức lương mà bạn đề xuất không phù hợp với chính sách công ty. Với những sinh viên mới ra trường chưa có kinh nghiệm, khi được hỏi về mức lương, nên trả lời theo hướng mở với đại ý như sau: Là một sinh viên mới ra trường thì hiện tại mục tiêu quan trọng nhất của bạn là có cơ hội được làm việc và trải nghiệm, ứng dụng những gì đã học vào thực tiễn công việc, trau dồi kiến thức chuyên môn và rèn luyện khả năng thích ứng với môi trường làm việc chuyện nghiệp, do đó bạn không quá đặt nặng về lương bổng. Bạn cần một cơ hội để thể hiện và bạn tin là sau một thời gian làm việc công ty sẽ đánh giá năng lực của bạn. Điều quan trọng đối với bạn là được nhận một mức lương xứng đáng với năng lực của mình.

 

+ Bạn tự nhận mình là người nóng tính, điều này khiến nhà tuyển dụng cảm thấy bạn chưa phù hợp với vị trí này. Như đã nêu ở trên, công việc của vị trí kiểm thử là tìm ra những lỗi trong phần mềm, đây là vấn đề khá nhạy cảm nên nhà tuyển dụng thường tuyển nữ có tính ôn hòa, bình tĩnh, khéo léo trong giao tiếp khi trao đổi với các lập trình viên về lỗi lập trình của họ. Do đó nóng tính là một điểm hoàn toàn bất lợi đối với vị trí này.

 

Trong trường hợp này, bạn cần rút kinh nghiệm, khi ứng tuyển vào một vị trí nào bạn cần tìm hiểu kỹ về bản chất công việc, những yêu cầu về tính cách phù hợp với công việc cho dù điều đó không được nêu rõ trong quảng cáo tuyển dụng; khách quan nhìn nhận mình có thật sự phù hợp với công việc đó hay không.

 

Nếu bạn rất yêu thích công việc này nhưng có tính cách chưa phù hợp thì bạn cần xem xét lại: bạn có muốn khắc phục và có thể khắc phục được không, khắc phục như thế nào. Nếu câu trả lời là có thì bạn hãy ứng tuyển.

 

Nếu không thật sự cần thiết, bạn không nên đề cập điểm yếu nóng tính của mình, bạn vẫn có thể nêu lên những điểm yếu khác nhưng không ảnh hưởng đến yêu cầu công việc, ví dụ: bạn không phải là người sales giỏi, bạn không phải là người rất sáng tạo, bạn là người khá nguyên tắc...

 

Cũng có những trường hợp ứng viên được đánh giá cao nhờ mạnh dạn nêu lên điểm yếu của mình nhưng kèm theo là những biện pháp mình đã áp dụng để tự khắc phục điểm yếu đó và kết quả đã khắc phục được ra sao, sẽ tiếp tục rèn luyện thêm như thế nào...

 

Về việc đã phỏng vấn nhưng không được trúng tuyển, bạn vẫn có thể mạnh dạn liên hệ bộ phận tuyển dụng của công ty hoặc người từng phỏng vấn mình để tìm hiểu lý do. Nếu bạn có cách giao tiếp khéo léo thể hiện sự cảm kích của mình về buổi phỏng vấn, xin được biết lý do vì sao mình không được chọn với tinh thần cởi mở, cầu tiến và muốn được rút kinh nghiệm thì bạn cũng có thể nhận được phản hồi chính xác từ nhà tuyển dụng vì đây là một nguyện vọng hoàn toàn chính đáng của ứng viên mà bất cứ nhà tuyển dụng chuyên nghiệp nào cũng có nhiệm vụ phải đáp ứng.

 

Đồng thời, bạn cũng có thể nói rõ nguyện vọng tha thiết muốn làm việc cho công ty mà không câu nệ về mức lương như đề cập ở trên.

 

Chúc bạn thành công!

Huỳnh Ngọc Ánh - Tổng giám đốc Cty Career Vision