Cẩm nang việc làm

4 sai lầm khi xây dựng mạng lưới quan hệ

26-10-2017

Xây dựng mạng lưới quan hệ qua các cuộc hội thảo, sự kiện là điều không thể thiếu cho sự phát triển nghề nghiệp. Tuy nhiên, có một số sai lầm bạn không ngờ tới sẽ làm ảnh hưởng đến mục tiêu đặt ra

Dưới đây là một số điều bạn có thể không nhận ra mình đã làm sai và cách khắc phục:

 

Sai lầm 1: Chỉ nói về bản thân

 

Bạn là người tài năng, nhiệt tình, tham vọng. Bạn có nhiều ý tưởng để chia sẻ. Và bạn muốn từng người bạn gặp ở sự kiện biết bạn là ai và bạn làm gì.

 

Chia sẻ câu chuyện của bạn với những người mới là điều quan trọng. Nhưng nó cũng đòi hỏi phải có kỹ năng: Không gì có thể khiến người khác bực mình hơn là những vấn đề thiếu hấp dẫn.

 

Cách khắc phục: Hãy tạm dừng nhấn mạnh những thành công mới nhất của bạn và bắt đầu lắng nghe. Hãy tìm những người làm trong lĩnh vực, công việc bạn quan tâm và đặt câu hỏi cho họ: Họ đã làm gì để khởi nghiệp? Điều họ thích nhất ở công việc và điều họ muốn thay đổi?... Bằng cách thu hút sự chú ý của người đối diện, bạn sẽ khiến anh/cô ấy thấy mình được coi trọng, từ đó gia tăng cơ hội tiếp tục mối quan hệ. Hơn nữa, lắng nghe người khác nói, bạn cũng sẽ hiểu hơn về lĩnh vực của mình.

 

Sai lầm 2: Chỉ hỏi về cơ hội việc làm

 

Bạn đang tìm kiếm một công việc, và bạn sẽ gặp hàng tá nhà tuyển dụng khi tham gia sự kiện. Bạn quyết định sẽ hỏi từng người bạn gặp xem có thể giúp bạn có được một công việc hay không bởi dù sao thì "vấn đề không phải mình biết gì mà ai biết tới mình”. Tuy nhiên, chăm chăm dò hỏi từng người một có thể khiến họ có cảm giác bị lợi dụng và như vậy họ sẽ không cho bạn cơ hội.

 

Cách khắc phục: Bạn phải cho đi để nhận lại. Trước sự kiện, hãy nghiên cứu về những người sẽ tham gia cả trong và ngoài công việc của họ, từ đó tìm cách đóng góp thời gian và sự ủng hộ cho họ. Bạn có thể tình nguyện chia sẻ hiểu biết của mình về lĩnh vực truyền thông xã hội nhằm phục vụ cho một cuộc hội thảo lớn mà anh/ cô ấy sắp tham gia, hoặc đưa ra những lời khuyên về quản lý tài chính cho các hoạt động phi lợi nhuận của họ. Hãy mang đến giá trị cho họ và đổi lại, bạn có thể nhận được một lời đề nghị công việc.

 

Sai lầm 3: Không nói cám ơn

 

Bạn tham gia một sự kiện lớn tuần trước, tan tiệc một người rủ bạn đi cà phê nói chuyện thêm. Tuy nhiên, bạn lại quên nói lời cám ơn và hi vọng rằng anh/ cô ấy sẽ thông cảm.

 

Có thể người đó sẽ thông cảm nhưng nếu bạn không thể hiện sự biết ơn của mình, cả trong những sự kiện lớn nhất hoặc nhỏ nhất, bạn sẽ để lại ấn tượng tiêu cực.

 

Cách khắc phục: Có nhiều cách để thể hiện sự biết ơn: một tấm card cám ơn, gửi email, hay đơn giản nhất là một cái bắt tay "Cám ơn vì đã dành thời gian cho tôi”. Như vậy, bạn không chỉ thể hiện sự lịch thiệp mà còn không làm cho người kia cảm thấy hụt hẫng.

 

Sai lầm 4: Hờ hững "nuôi dưỡng" mối quan hệ

 

Bạn gặp ai đó trong một sự kiện và nói rằng bạn sẽ gửi thông tin nào đó cho cô ấy. Nhưng cô ấy đã gặp rất nhiều người trong buổi họp đó nên bạn tin rằng cô ấy đã quên mình và quyết định sẽ không gửi email vào ngày hôm sau.

 

Gặp gỡ ai đó chỉ là bước đầu tiên khi xây dựng mạng lưới liên kết. Để tiếp tục duy trì liên lạc và đảm bảo người đó không quên mình, bạn cần tiếp tục "nuôi dưỡng” mối quan hệ.

 

Cách khắc phục: Hãy thể hiện sự đáng tin cậy. Nếu bạn nói với một liên lạc của mình rằng bạn sẽ làm gì đó, hãy thực hiện. Thậm chí nếu bạn không chắc cô ấy nhớ mình, ít nhất cô ấy cũng sẽ gửi lời cám ơn vì bạn đã dành thời gian để gửi thông tin hai người đã thảo luận cho cô ấy. Còn ngược lại, nếu bạn lo lắng mình mới là người hay quên, hãy ghi lại mặt sau tấm danh thiếp bạn nhận được về việc bạn sẽ làm và xem lại chúng sau sự kiện.

 

Hãy nhớ rằng mạng lưới quan hệ không chỉ vì lợi ích ngắn hạn như tìm được một công việc mà nó còn liên quan tới việc học hỏi, trưởng thành và hình thành các kết nối. Hãy rèn luyện khả năng giao tiếp xã hội, bạn sẽ thấy kỹ năng, cơ hội và mối quan hệ của mình phát triển cho cuộc đua dài hạn.

Tuổi Trẻ Online