Cẩm nang việc làm

3 bước thoát khỏi bế tắc khi tìm việc

03-10-2011 09:45 GMT+7

Nếu một vài tuần trôi qua kể từ khi gửi CV mà vẫn không nhận được thông tin nào từ nhà tuyển dụng, bạn hãy gọi điện để thể hiện sự quan tâm của mình, đồng thời xác nhận hồ sơ của bạn đã đến tay họ hay chưa.
Quá trình tìm kiếm việc làm thường không tránh khỏi những lúc bực bội, khó chịu. Tuy nhiên, bằng cách tham gia vào một vài bước đơn giản, bạn có thể tránh được cảm giác khó chịu, tăng khả năng thành công trong những bước tiếp theo.
3 bước thoát khỏi bế tắc khi tìm việc



- Cập nhật CV

CV xin việc đòi hỏi phải luôn cập nhật và phân chia thành các mục cụ thể. Các chuyên gia nhân sự sẽ nhìn vào các đề mục bạn phân chia trong CV trước khi đi vào chi tiết. Để không phải dành quá nhiều thời gian cho CV, tốt nhất là nên cập nhật liên tục, ngay khi thấy có vấn đề cần bổ sung, thay đổi. Bạn vừa hoàn thành một dự án tại công ty, cập nhật ngay vào CV. Bạn vừa tìm hiểu một chương trình mới, phần mềm ứng dụng hữu ích mới, hãy đưa ngay vào CV... Đừng đợi đến khi hàng loạt sự kiện dồn đống lại rồi mới bổ sung.

Các chuyên gia phụ trách tuyển dụng cho rằng, tốt nhất là ứng viên nên coi việc cập nhật CV cá nhân như là một công việc thường xuyên, đơn giản. Thị trường việc làm luôn ẩn chứa nhiều điều bất ngờ và việc bạn gặp được những cơ hội đáng giá không có gì quá xa vời nếu các nhà tuyển dụng nhìn thấy CV của bạn phù hợp.

- Nhắc nhở nhà tuyển dụng

Một trong những cảm giác khó chịu nhất là khi bạn đã xác định được một công việc thực sự phù hợp với mình, bạn nộp hồ sơ ứng tuyển nhưng lại không nhận được bất cứ phản hồi nào từ nhà tuyển dụng.

Theo thời gian, bạn sẽ thấy đây là chuyện "thường ngày ở huyện" bởi nhà tuyển dụng không thể xem và phản hồi hết với tất cả các ứng viên gửi hồ sơ, nhất là khi vị trí họ đăng tuyển có một lượng hồ sơ đồ sộ gửi về. Tuy nhiên, bạn có thể cải thiện tình trạng này để được nghe phản hồi từ nhà tuyển dụng, có thể chỉ là lời xác nhận đã nhận được CV của bạn.

Nếu một vài tuần trôi qua kể từ khi gửi CV mà vẫn không nhận được thông tin nào từ nhà tuyển dụng, bạn hãy gọi điện để thể hiện sự quan tâm của mình, đồng thời xác nhận hồ sơ của bạn đã đến tay họ hay chưa. Bước đi này được xem như một lời nhắc nhở với phản hồi của nhà tuyển dụng và quan trọng hơn, bạn đã ghi tên mình vào bộ nhớ của nhà tuyển dụng, họ sẽ tò mò tìm xem hồ sơ của bạn.

- Không "lọt mắt" nhà tuyển dụng

Trong buổi phỏng vấn, bạn khá hài lòng với những câu trả lời của mình. Bạn phù hợp với công việc, với yêu cầu nhà tuyển dụng đưa ra nhưng kết quả cuối cùng lại không có tên của bạn.

Để khắc phục tình trạng này, đầu tiên, hãy xem xét yêu cầu của nhà tuyển dụng thông qua những ý kiến phải hồi trung thực về buổi phỏng vấn của bạn. Ứng viên có thể chủ động gọi điện hay email để hỏi thông tin một cách khéo léo, theo kiểu: "Tôi rất tiếc đã không được lựa chọn vào vị trí ấy, bạn có lời khuyên nào giúp tôi thoát khỏi tình trạng này trong những buổi phỏng vấn với các nhà tuyển dụng khác không?". Tất nhiên, không phải nhà tuyển dụng nào cũng thẳng thắn chia sẻ với bạn nhưng từ những chia sẻ của họ, bạn có thể rút ra kinh nghiệm cho bản thân.

Ngoài ra, bạn cũng nên thực hành liên tục với bạn bè hoặc người thân trong gia đình, coi như đó là một buổi thực tập giúp bạn nhận ra những điểm chưa đạt để sửa đổi kịp thời.
Theo Zing News