"Khôn khéo chút đi cho vợ con nhờ"
07-03-2017 03:45 GMT+7
Nghe tôi bị mất việc, anh bạn thân chửi tôi ngu và bảo tôi phải khôn khéo, nịnh nọt sếp thì vợ con mới được nhờ...
Anh bạn thân nghe tin tôi bị "giảm biên chế" thì phán một câu: "Tái cơ cấu chỉ là một mỹ từ bị người ta lợi dụng để tống cổ những kẻ không cùng ê kíp, những kẻ có tư tưởng chống đối và không biết nịnh bợ".
Tôi phản đối: "Không đúng. Công ty tôi đâu phải doanh nghiệp nhà nước mà có mấy vụ đó?". Bạn tôi cười khà khà: "Cậu ngu bỏ mẹ. Đừng có tưởng ai cũng trong sáng như mình. Khôn chút đi cho vợ con nhờ. Tôi hỏi cậu nè, cậu có bao giờ quà cáp cho tay trưởng phòng mỗi dịp sinh nhật hoặc Tết nhất không?". Tôi lắc đầu: "Không. Như vậy chẳng khác nào hối lộ trong khi sếp tôi luôn miệng tuyên bố đứa nào hối lộ là ổng đuổi cổ ngay". Anh bạn lại cười: "Cậu ngu bỏ mẹ. Nói là một chuyện, còn làm là chuyện khác. Tôi mà làm sếp, tôi cũng không chọn cậu nếu một khi phải tái cơ cấu". Anh bạn còn nói rất nhiều nhưng phải đến lúc đầu óc không còn váng vất vì bữa nhậu giải sầu với anh tôi mới nhớ hết.
Tôi vào công ty đã 6 năm. Tôi được nhận vào công ty bằng năng lực của bản thân chứ không quen biết, chạy chọt. Tôi nghĩ mình làm được việc bởi sếp hay nói: "Giao cho cậu tôi yên tâm chớ giao cho thằng Hưng, tôi cứ nơm nớp trong bụng".
Nói như vậy có nghĩa là rất nhiều việc sếp giao cho tôi chứ không giao cho "thằng Hưng". Nếu tôi không làm được việc, sếp không tin tưởng thì làm gì có việc "ưu ái dồn việc" cho tôi như vậy?
Sếp hay nêu gương tôi trước phòng kiểu như: "Các anh chị phải nhìn cậu Thanh mà phấn đấu. Giao việc gì cũng làm và làm rất tốt. Tính tình thì ngay thẳng, thật thà, không ỷ thân, ỷ thế". Có lần tôi còn được công ty cử đi báo cáo điển hình trên quận vì một số sáng kiến tiết kiệm cho công ty hàng tỉ đồng mỗi năm.
Chính vì vậy khi nghe tin công ty tái cơ cấu, tinh giản nhân sự, tôi cứ đinh ninh mình sẽ là một trong những lựa chọn giữ lại đầu tiên của phòng. Nhưng tôi đã lầm. Khi trưởng phòng nhân sự mời tôi lên, thông báo tôi nằm trong số những người sẽ phải ra đi, tôi hết sức bất ngờ và hụt hẫng. Thậm chí tôi tưởng mình nghe nhầm nên hỏi lại: "Chị có lộn tôi với Thanh ở bộ phận khác không?". Chị trưởng phòng nhân sự cau mày: "Sao mà lộn được? Danh sách từ dưới phòng cậu đưa lên mà".
Tôi điếng hồn. Việc đầu tiên tôi nghĩ là sẽ hỏi trưởng phòng cho ra lẽ, tại sao lại đề nghị cắt giảm tôi chứ không phải những người khác? Tôi là lao động chính trong gia đình, nếu mất việc thì vợ con sẽ sống sao đây? "Cậu đừng thắc mắc làm gì. Công ty sẽ hỗ trợ các nhân viên tự nguyện nghỉ việc một khoản kha khá. Nếu thắc mắc, khiếu nại thì sẽ không có khoản hỗ trợ đó". Chị trưởng phòng nhân sự nhẹ nhàng bảo. Tôi nhìn bảng kê các khoản được lãnh chị đưa ra, bất giác lòng dịu lại. Được rồi tôi sẽ suy nghĩ và sớm có câu trả lời.
Trong thâm tâm, tôi biết chắc mình sẽ phải ra đi nhưng vẫn ấm ức. Tôi chưa có dịp nói chuyện thẳng thắn với trưởng phòng vì ông cứ bận bịu liên tục. Không chờ được, tôi nhắn tin cho ông thì nhận được câu trả lời: "Công ty có quyền sắp xếp bộ máy cho hiệu quả. Cậu thắc mắc làm gì cho mệt".
Nhận được câu trả lời của sếp, tôi không còn muốn gặp ông nữa. Với một người không có tình nghĩa, thủy chung bất nhất như vậy, tôi cũng không muốn tiếp tục cộng tác. Thấy tôi buồn, chị bạn làm chung phòng an ủi: "Với khả năng của em, đi đâu mà chẳng kiếm được việc làm tốt? Chị rất tiếc khi phải chia tay em. Thật sự là sếp cũng không muốn đẩy em đi nhưng anh ấy cũng bị áp lực".
Rồi chị kể cho tôi nghe có lần sếp trưởng phòng than thở với chị là đứa cháu ruột của giám đốc ở phòng kinh doanh bị trả về phòng nhân sự vì "làm việc không ra hồn", không biết bố trí vào đâu nên giám đốc "cậy" sếp nhận dùm. Nhân chuyện công ty làm ăn lình xình mấy tháng nay, giám đốc yêu cầu "tái cơ cấu" luôn để cắt giảm nhân sự. "Sếp không nhận thằng cháu của giám đốc thì không được, mà nhận thì phải cắt bớt người..."- chị bạn giải thích. Tôi gay gắt: "Thế sao không cắt người khác? Hưng chẳng hạn? Cậu ấy bị sếp chê bai thậm tệ, đòi đuổi hoài, sao không nhân dịp này cho nghỉ luôn?".
Thật bất ngờ, chị bạn của tôi bật cười: "Cho nghỉ làm sao được? Hưng là đệ tử ruột của sếp mà. Làm bộ chửi vậy thôi...". Rồi chị kể Hưng đi đâu về cũng quà cáp cho sếp, lễ, tết, sinh nhật của sếp và vợ con, cậu ta đều mang quà đến tận nhà chúc mừng... Chị kể một hồi rồi kết luận: "Em khờ quá, phải khôn khéo thì mới có cơ hội chứ!".
Sau câu kết luận của chị, tôi quyết định... đi nhậu. Tôi gọi anh bạn thân ra để trút bầu tâm sự. Không ngờ nghe xong anh chẳng an ủi mà còn bảo tôi ngu. Đúng là tôi ngu thật. Trước giờ tôi làm gì cũng nghĩ cho công ty, ấy vậy mà họ đối xử với tôi chẳng có chút nghĩa tình.
Từ giờ tôi sẽ không ngu như vậy nữa bởi tôi đã ngộ ra một điều: quan hệ lao động nó vốn rất lạnh lùng và được điều chỉnh bởi tiền bạc, vật chất. Do tôi không hiểu điều đó sớm hơn nên bây giờ trở thành thằng thất nghiệp.
- Giám sát thi công Công Ty Cổ Phần Nội Thất Mộc Xinh
- Nhân viên bóc tách, dự toán công trình Công Ty Cổ Phần Nội Thất Mộc Xinh
- Kế toán tổng hợp Công Ty TNHH Cách Âm Cách Nhiệt Phương Nam
- Nhân viên kinh doanh Công Ty TNHH Cách Âm Cách Nhiệt Phương Nam
- Nhân viên kế toán thuế Công Ty TNHH Xây Lắp Trung Tây Nguyên
- Nhân viên bảo trì điện Công Ty TNHH SX-TM-DV Tân Tường Khang
- Nhân viên bảo trì cơ khí Công Ty TNHH SX-TM-DV Tân Tường Khang
- Nhân viên tư vấn tài chính Công Ty Cổ Phần Kiến Trúc Nội Thất Xây Dựng AIC
- Chuyên viên kinh doanh Công Ty Cổ Phần Thương Mại Và Quảng Cáo Gia Đức
- Nhân viên lập trình CNC, máy phay Công Ty TNHH Hưng Dụ