Cẩm nang việc làm

Đầu tư cho bản đánh giá cuối năm

10-11-2017

Cuối năm, đã đến thời điểm chuẩn bị bản đánh giá hiệu quả làm việc và đề nghị tăng lương. Bản đánh giá này có thể làm tăng độ tự tin của bạn hoặc ngược lại

Ảnh: ehow.com

 

Hầu hết mọi người đều trải qua những bước đánh giá giống nhau. Bạn bước vào phòng sếp và lắng nghe sếp nói rằng bạn đã làm việc tốt trong năm qua nhưng rất tiếc vì ngân sách công ty năm nay có hạn. Bạn gật đầu tán thưởng và nói rằng: "Tôi hiểu, năm nay kinh tế khó khăn". Cuối cùng bạn đứng dậy, bắt tay sếp và quay lại góc làm việc của mình với quyết định mức tăng lương chỉ 2% rồi nhắn tin cho vợ/chồng mình rằng bạn thất vọng ra sao.

 

Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể xoay chuyển tình huống đó với mức tăng lương cao cùng sự trọng vọng của sếp, công ty. Dưới đây là một số lời khuyên dành cho bạn:

 

Nghiên cứu kỹ lưỡng

 

Nếu bước vào buổi đánh giá mà không có sự chuẩn bị, bạn đã gần như thất bại. Thay vào đó, hãy nghiên cứu và suy nghĩ về:

 

- Những ý tưởng mới cần thực hiện trong vị trí của bạn

 

- Các bước có thể giúp phòng bạn phát triển

 

- Mức lương bạn mong muốn

 

Bạn có thể tập trung vào một hoặc cả ba vấn đề trên, vào điều bạn nhiều cảm xúc nhất. Điều quan trọng là chứng tỏ cho sếp thấy bạn hứng khởi với công việc và quan tâm phát triển phòng ban/công ty. Sếp chắc chắn sẽ ấn tượng khi nghe bạn nói: "Tôi tin rằng nếu chúng ta thực hiện ý tưởng mới này, nó có thể làm tăng tinh thần và hiệu quả làm việc của cả phòng. Nếu anh/chị muốn, tôi có thể chia sẻ cụ thể hơn về nó”.

 

Nói "cảm ơn” và mỉm cười

 

Luôn luôn chứng tỏ cho sếp thấy bạn đánh giá cao mọi thứ, kể cả phần tăng lương 2%. Hãy cảm ơn sếp vì đã hướng dẫn và cho phép bạn tự chủ trong công việc. Hơn nữa, mỉm cười sẽ khiến hai bên thoải mái hơn. Đừng bao giờ tỏ vẻ bất mãn, hãy biết cảm ơn.

 

Thể hiện khát vọng trở thành nhân viên hàng đầu

 

Hãy thể hiện tham vọng trở thành một trong những nhân viên xuất sắc nhất phòng bạn và hỏi xem bạn có thể giúp công việc của sếp đơn giản hơn bằng cách nào. Nếu bạn có thể nghĩ về những dẫn chứng cụ thể dựa trên nghiên cứu của mình, buổi đánh giá này là cơ hội hoàn hảo để đề nghị sếp. Hãy tìm ra cách tạo giá trị gia tăng cho bản thân ngoài những nhiệm vụ trong bản mô tả công việc.

 

Chuẩn bị sẵn các dẫn chứng về thành tích

 

Sếp bận rộn nên anh/cô ấy không thể nhớ từng chi tiết về thời gian làm việc của bạn trong công ty, về những thành tích bạn đạt được trong năm qua. Vì vậy, hãy liệt kê 3 - 5 dẫn chứng thành công của bạn như bạn đã giúp tiết kiệm/kiếm tiền cho công ty hay bất cứ điều tích cực nào bạn đã tạo ra. Hãy nói ngắn gọn, súc tích bởi thời gian có hạn.

 

Sử dụng đúng từ ngữ thương lượng

 

Ramit Sethi, tác giả cuốn sách Tôi sẽ dạy bạn làm giàu, cho rằng khi thương lượng bạn cần lựa chọn đúng từ ngữ. Khi hỏi về tiền lương, bạn có thể nói: "Cảm ơn sếp và công ty vì khoản tăng lương đó. Tôi đã trải qua một năm tuyệt vời và đang háo hức được đảm nhận những nhiệm vụ mới chúng ta đã thảo luận. Về mức lương, liệu chúng ta có thể thảo luận nhiều hơn về mức điều chỉnh không?”.

 

Bạn có thể thực hiện nghiên cứu từ trước và chia sẻ con số mong muốn: "Sẽ thật tuyệt nếu có một sự điều chỉnh có lợi cho cả hai dựa trên những thành tích tôi vừa đề cập". Đây là "kịch bản” thương lượng đã được Sethi nghiên cứu và thu được những kết quả khả quan.

 

Theo sát tình hình

 

Nếu bạn không nhận được câu trả lời rõ ràng về mức tăng lương của mình trong 1 tuần, hãy gửi email ngắn gọn, lịch sự hỏi sếp. Nếu hai tuần trôi qua mà không có tin tức gì, hãy tới gặp sếp trực tiếp và bình tĩnh đề nghị câu trả lời cuối cùng của sếp.

 

Nhìn nhận những điều tích cực nếu câu trả lời không như ý

 

Bạn có thể ra về tay không, thậm chí không nhận được mức tăng lương 2%. Nhưng hãy xem xét bạn đạt được gì qua tình huống này. Sếp biết bạn khác biệt so với những người khác, về những thành tích bạn đạt được. Sếp sẽ nhớ và đánh giá cao điều đó. Và lần đánh giá tiếp theo, bạn sẽ được ghi nhận xứng đáng.

Tuổi Trẻ