Tìm việc: Đừng bỏ qua góp ý từ chuyên gia nhân sự
26-01-2018 09:40 GMT+7
Khi đi phỏng vấn tìm việc bạn sẽ thường gặp rất nhiều câu hỏi nghe có vẻ đơn giản nhưng trả lời không phải chuyện dễ
Khi đi phỏng vấn tìm việc bạn sẽ thường gặp rất nhiều câu hỏi nghe có vẻ đơn giản nhưng trả lời không phải chuyện dễ. Thông qua cách trả lời, nhà tuyển dụng sẽ đánh giá năng lực và tính cách của bạn như thế nào. Sau đây là những góp ý từ thực tế phỏng vấn tuyển dụng của chuyên gia nhân sự.
1. Hãy tự giới thiệu về bạn?
Với câu hỏi này thông thường nhà tuyển dụng muốn biết khả năng tổng hợp thông tin cũng như kỹ năng trình bày logic của ứng viên (UV), cũng có khi người phỏng vấn hoặc một trong số những người phỏng vấn chưa đọc kỹ, đôi khi là chưa đọc CV của UV.
Đề xuất trả lời: Tóm tắt ngắn gọn (3 phút trở lại) quá trình làm việc tính từ công ty gần nhất về trước, chỉ cần nói tên công ty, khoảng thời gian và chức danh thôi, không nên kể quá nhiều về kinh nghiệm. Nếu là sinh viên mới ra trường thì có thể nói về kinh nghiệm tham gia hoạt động ngoại khóa, câu lạc bộ, thực tập...
Nên tránh: Kể quá chi tiết về kinh nghiệm hoặc nói dong dài về quê quán, sở thích, điểm mạnh, điểm yếu. Hãy nhớ bạn chỉ có 2-3 phút cho câu hỏi này thôi nhé.
2. Điểm mạnh, điểm yếu của bạn?
Câu này NTD một lần nữa muốn biết bạn thực sự tự tin điểm gì ở bản thân cũng như bản thân có tự biết đánh giá mình còn thiếu sót gì không. Search thử một vòng trên mạng thì thấy có khá nhiều trang hướng dẫn trả lời câu này rất hay nhưng cũng khá máy móc, thực tế mình cũng gặp không ít bạn có sự chuẩn bị, tìm hiểu trước và trả lời theo sách vở kiểu như: Điểm yếu của tôi là tham công tiếc việc, hay ôm đồm công việc... NTD không đánh giá cao sự chuẩn bị kiểu như vậy.
Khuyến khích trả lời:
- Điểm mạnh: Nêu 2-3 điểm mạnh có liên quan trực tiếp đến công việc đang dự tuyển, điều này đòi hỏi bạn phải tìm hiểu rất kỹ về bản mô tả công việc cũng như những yêu cầu về kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, thái độ... của vị trí mình đang phỏng vấn.
- Điểm yếu: Nói 1-2 điểm yếu - là điểm mà thực sự bản thân mình thấy chưa tự tin và quan trọng là thể hiện cho NTD thấy được bạn có mong muốn hoặc đang cố gắng khắc phục điểm yếu đó để hoàn thiện bản thân.
3. Mục tiêu, định hướng nghề nghiệp của bạn?
Câu này NTD muốn biết xem bạn là người có biết đặt mục tiêu phù hợp với năng lực bản thân cũng như có thực sự suy nghĩ nghiêm túc về định hướng công việc sắp tới và định hướng đó có phù hợp với mong muốn, định hướng của vị trí công việc bạn đang ứng tuyển.
Khuyến khích trả lời: Nêu mục tiêu ngắn hạn trong 1-2 năm, phù hợp với thực tế, khả năng của mình, có liên quan đến vị trí đang ứng tuyển và đặc biệt cần có kế hoạch cụ thể để đạt được mục tiêu đó. Nếu là sinh viên mới ra trường thì trau dồi kinh nghiệm là mục tiêu nên đặt lên hàng đầu. Mục tiêu, định hướng nghề nghiệp phải bổ trợ cho nhau và có liên quan trực tiếp đến vị trí dự tuyển.
Phần định hướng nghề nghiệp nên cho NTD thấy được việc tham gia ứng tuyển vào vị trí đang phỏng vấn là một bước quan trọng trong con đường sự nghiệp của mình. (Ví dụ sau này tôi muốn làm một chuyên viên tuyển dụng nên hiện tại tôi rất mong muốn được nhận vào làm thực tập ở bộ phận tuyển dụng của công ty anh/chị, đây là cơ hội để tôi tiếp cận thực tế công việc, học hỏi kinh nghiệm...).
Nên tránh: Nêu mục tiêu hoành tráng xa xôi nhưng không có kế hoạch cụ thể để đạt được mục tiêu (Trở thành Marketing Manager trong vòng 5 năm nữa chẳng hạn); định hướng nghề nghiệp không rõ ràng, theo kiểu đang cần kinh nghiệm nên công ty cho làm vị trí gì cũng chấp nhận. NTD sẽ không đánh giá cao các UV chưa xác định được mình muốn làm công việc gì khi đi phỏng vấn.
4. Bạn biết gì về công ty chúng tôi? Vì sao bạn chọn công ty chúng tôi?
Câu hỏi này NTD muốn biết bạn có thực sự tìm hiểu nghiêm túc về công ty, công việc dự tuyển cũng như một lần nữa muốn các bạn tự đánh giá mức độ phù hợp của bản thân với vị trí này.
Khuyến khích: Trả lời ngắn gọn về lịch sử hình thành, phát triển của công ty và kể được một số sản phẩm, dịch vụ tiêu biểu của công ty.
Phải tìm hiểu thật kỹ về công ty, công việc dự tuyển, có thể lên website công ty, các diễn đàn, hỏi bạn bè, anh, chị…và quan trọng là bạn phải tranh thủ một lần nữa thể hiện cho nhà tuyển dụng thấy những kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm của bạn phù hợp với những yêu cầu của vị trí dự tuyển. Có thể chia sẻ với NTD là bạn thích lĩnh vực hoạt động, sản phẩm, dịch vụ của công ty nên mong muốn được góp phần phát triển. (Phải là bạn thích thật sự nhé).
Hãy khẳng định với NTD rằng công việc đang dự tuyển là một bước quan trọng trong con đường phát triển nghề nghiệp của mình.
Nên tránh: Thông thường UV hay trả lời lý do mình chọn công ty vì là công ty lớn, có danh tiếng, chế độ, chính sách phúc lợi tốt... NTD sẽ không đánh giá cao UV trả lời theo hướng này. Một điều tối kỵ khi trả lời câu hỏi này là nêu sản phẩm, dịch vụ của công ty đối thủ thành sản phẩm, dịch vụ của công ty mình đang ứng tuyển hoặc nêu sai tên công ty, tên sản phẩm, dịch vụ của công ty.
5. Bạn biết gì về công việc ứng tuyển?
Câu hỏi này NTD muốn biết bạn đã có chủ động tìm hiểu về công việc dự tuyển chưa. Khẳng định thêm lần nữa việc chủ động tìm hiểu thông tin về tính chất công việc, sản phẩm, dịch vụ, đối tượng khách hàng... của công ty, công việc dự tuyển là hết sức quan trọng khi đi phỏng vấn.
Khuyến khích trả lời: Nêu được các ý chính trong bản mô tả công việc mà NTD đã gửi cho mình, nêu được sản phẩm, dịch vụ, quy mô, đối tượng khách hàng mà mình sẽ phục vụ ở vị trí công việc này. Những thông tin này bạn có thể thấy trong bản mô tả công việc hoặc tìm trên mạng. Tuy nhiên, tốt nhất là tìm hiểu trước với Nhân viên Tuyển dụng - người đã liên hệ mời bạn ứng tuyển, phỏng vấn. Bạn có thể chủ động xin thông tin liên hệ của nhân viên tuyển dụng (số điện thoại, chat) để sau khi tìm hiểu nếu chưa rõ thì liên hệ hỏi kỹ trước khi đi phỏng vấn. Hạn chế dùng email trong trường hợp này vì thường email sẽ khó diễn tả được hết tính chất công việc và tâm lý NTD cũng ngại trả lời email (Vì có rất nhiều email phải phản hồi, khi viết thường phải trau chuốt hơn là nói/ chat).
Bạn nhớ chuẩn bị thêm một số câu hỏi để tìm hiểu sâu về công việc trước khi đi phỏng vấn.
Nên tránh: Đi phỏng vấn mà chưa tìm hiểu gì về công việc, công ty. Công ty đang tuyển vị trí làm cho sản phẩm, dịch vụ A nhưng bạn lại nói ứng tuyển để làm cho sản phẩm, dịch vụ B.
Đoan Thùy - Người Lao Động
- Kỹ sư nhiệt lạnh Công Ty Cổ Phần Xây Dựng Phước Thành
- Kỹ sư cấp thoát nước Công Ty Cổ Phần Xây Dựng Phước Thành
- Nhân viên tính khối lượng điện Công Ty Cổ Phần Xây Dựng Phước Thành
- Nhân viên mua hàng Công Ty TNHH Tín Đức
- Chuyên viên digital content marketing Công Ty TNHH Thương Mại Vạn An
- Nhân viên kinh doanh Công Ty TNHH Bao Bì Anh Dương
- Kỹ sư thiết kế cơ khí, chi tiết máy Công Ty TNHH Chế Tạo Máy Dược Phẩm Tiến Tuấn
- Nhân viên lập trình, vận hành máy phay CNC Công Ty TNHH DongWoo ST Vina
- Nhân viên digital marketing Công Ty CP Giải Pháp Tự Động Hóa Etek
- Kỹ sư tự động hóa Công Ty TNHH Thiết Bị Tự Động Hóa Kim Khí Thăng Long