Cẩm nang việc làm

Tạo cá tính cho lá thư xin việc

13-02-2017

Nhiều ứng viên tỏ ra coi thường khi nộp hồ sơ xin việc bằng cách họ cứ gửi những bộ hồ sơ có nội dung y hệt nhau đến các công ty khác nhau. Ngay cả thư xin việc cũng không có gì khác biệt, ngoài địa chỉ của người nhận.
Thực tế, đó là sai lầm rất lớn khiến các ứng viên tuột mất cơ hội bởi chắc chắn, bạn không thể gây ấn tượng nếu như thư xin việc chỉ mang tính chung chung, không có gì đặc biệt. Mà một lá thư xin việc có thể gửi đi nhiều nơi thì chắc chắn chỉ giúp cho nhà tuyển dụng hiểu rằng, bạn đang cần việc làm, việc gì cũng được chứ không có bất kỳ sự quan tâm cụ thể nào đối với công ty của họ. Cơ hội tìm được việc làm cứ thế qua đi.

Bởi vậy, đừng bao giờ cẩu thả mà gửi thư xin việc cũ, đã viết cách đây mấy tháng, thậm chí cả năm trời để ứng tuyển cho một công việc hiện tại. Cách tốt nhất là nên dành chút thời gian viết một lá thư xin việc mới, hoặc nếu quá bận rộn mà phải dùng thư xin việc cũ, bạn cũng phải ngồi lại chỉnh sửa, trang trí lại cho "hợp thời” rồi hẵng gửi.


Ảnh minh họa

Khi được hỏi điều gì khiến ứng viên gây sự chú ý nhất, nhiều nhà tuyển dụng chuyên nghiệp cho rằng, đó chính là thư xin việc. Đa số họ muốn biết ứng viên đã dành thời gian nghiên cứu về công ty như thế nào và xem ứng viên thể hiện năng lực bản thân và chứng minh được tại sao công ty nên tuyển họ.

Việc đầu tư thời gian, công sức vào thư xin việc như thế không có nghĩa là bạn đang ở tình trạng tuyệt vọng vì thất nghiệp quá lâu. Bạn nên hiểu rằng, cần tạo sự thu hút cho nhà tuyển dụng và cho họ thấy được, tại sao sự kết hợp với bạn là cần thiết và mang lại hiệu quả tối ưu. Tuy nhiên, như thế không có nghĩa là bạn cứ tâng bốc bản thân lên tận mây xanh, bạn hãy nói cho nhà tuyển dụng thấy, bạn hiểu về họ như thế nào.

Làm cho nhà tuyển dụng tò mò về bạn

Nếu như sơ yếu lí lịch là bức tranh toàn diện về quá trình giáo dục, những công việc bạn đã làm thì thư xin việc là nơi bạn có thể chia sẻ những kinh nghiệm cụ thể đúc rút từ cuộc sống. Nghe có vẻ hơi lạ bởi từ trước giờ, nhiều người cho rằng, thư xin việc chỉ nên thể hiện kinh nghiệm về công việc nhưng thực tế, chính những kinh nghiệm từ cuộc sống lại dễ dàng gây ấn tượng, tạo cho nhà tuyển dụng sự tò mò và muốn tìm hiểu nhiều hơn về bạn. Daley - tác giả của cuốn "Tạo sự kết nối trong thư xin việc" khuyên rằng: "Bạn biết thế nào để khi nhà tuyển dụng đọc xong, người ta tin rằng bạn chính là người mà họ cần tìm". Khi trình bày thư xin việc, bạn có thể theo những ý tưởng sau:

- Dùng bản mô tả công việc và những thông tin về công ty để tạo sự kết nối giữa bạn với nhà tuyển dụng.

- Những việc bạn làm hiện tại phù hợp với vị trí công ty đang tìm. Hãy nói rõ một vài dẫn chứng cụ thể.

- Thể hiện niềm đam mê của bản thân khi giải thích tại sao bạn lại apply vào vị trí này.

Cá tính hóa thư xin việc

Nhà tuyển dụng không cần phải biết bạn là fan của ban nhạc hay ca sĩ nào đó, cũng không muốn biết bạn thích đất nước nào, trừ phi bạn apply vào một vị trí ở vùng đó. Đọc thư xin việc, nhà tuyển dụng muốn biết nhiều về năng lực, kinh nghiệm của ứng viên, những hiểu biết của bạn về công ty, về ngành nghề hoạt động của họ.

Muốn thể hiện cá tính trong thư xin việc, để nhà tuyển dụng ấn tượng và không nhầm lẫn với bất kỳ ai, bạn nên lưu ý những điểm sau:

- Không bàn luận về những thất bại đã từng gặp trong công việc

- Nhấn mạnh tính chuyên nghiệp của bản thân

- Không đưa những thông tin quá riêng tư, không liên quan gì đến công việc

- Đừng nói đến lý do tại sao bạn lại muốn làm việc ở lĩnh vực này, điều đó hãy để dành cho buổi phỏng vấn.

Bao trùm lên lá thư xin việc là thể hiện sự vượt trội của bản thân và là một ứng viên tuyệt vời cho vị trí mà nhà tuyển dụng đang tìm kiếm. Kết thúc thư xin việc, hãy thể hiện cho nhà tuyển dụng biết bạn mong muốn được làm việc với công ty, muốn thử sức mình ở vị trí đó.

Ngoài lời cảm ơn và thông tin liên lạc, bạn nên nói thêm dự định của bạn nếu được nhận vào làm việc tại công ty. Nếu bạn đang thực sự chờ đợi từ nhà tuyển dụng, hãy nói điều đó với họ một cách chân thành.
Theo Zing News