Cẩm nang việc làm

Mạnh dạn nêu câu hỏi với nhà tuyển dụng

24-12-2010

Nhiều nhà tuyển dụng chuyên nghiệp phàn nàn rằng, có những ứng viên trả lời tốt câu hỏi của họ nhưng đến câu hỏi này họ lại lắc đầu "không phải hỏi gì thêm cả" hoặc cứ vừa cười trừ vừa hỏi một câu vô thưởng vô phạt.
Khi phỏng vấn ứng viên, thông thường, nhà tuyển dụng sẽ dành một câu hỏi mở "Bạn có câu hỏi nào muốn hỏi chúng tôi không". Nếu không có sự chuẩn bị, các ứng viên thường lúng túng vì không nghĩ ra câu nào hoặc lại chọn bừa một câu hỏi mang tính chung chung, chỉ là hỏi cho có mà thôi.

Nhiều nhà tuyển dụng chuyên nghiệp phàn nàn rằng, có những ứng viên trả lời tốt câu hỏi của họ nhưng đến câu hỏi này họ lại lắc đầu "không phải hỏi gì thêm cả" hoặc cứ vừa cười trừ vừa hỏi một câu vô thưởng vô phạt kiểu như "bao giờ có kết quả phỏng vấn, bạn đã phỏng vấn bao nhiêu người cho vị trí này rồi". nên nhớ, câu chốt có vẻ nhưn không quan trọng này lại là một chiến thuật của nhà tuyển dụng, để đo độ nhanh nhạy và thông minh của ứng viên. Bởi vậy, bạn nên suy nghĩ trước xem điều gì cần hỏi nhà tuyển dụng trước khi bước vào vòng phỏng vấn.

Nếu bạn trúng tuyển, bạn sẽ vào làm việc ở vị trí mới với nhiều bỡ ngỡ, từ mặt tổ chức về nhân sự của công ty, nhân sự trong phòng của bạn, công việc mà từng người đảm nhân... tất cả vẫn còn là dấu hỏi đối với những nhân viên mới toanh như bạn. Vậy thì tại sao bạn không tranh thủ ngay lúc này để hỏi nhà tuyển dụng, ít nhất cũng có thể nắm sơ qua về tình hình công việc.


Ảnh minh họa

Nếu chỉ đơn thuần yêu cầu người phỏng vấn giải thích rõ thêm những mô tả công việc cho vị trí của bạn, nhiệm vụ chính hoặc các kỹ năng cần thiết thì bạn sẽ nhận được những câu trả lời được "lập trình" sẵn. Điều này, đa số các bạn đều đã rõ và nhìn chung sẽ không nhận được thêm điều gì từ những điều nhà tuyển dụng đưa ra. Hơn nữa, chính người phỏng vấn cũng cảm thấy chán với câu hỏi chẳng có gì mới mẻ và họ cứ phải trả lời lặp đi lặp lại khi những ứng viên tuyển vào vị trí này hỏi họ.

Đa số nhà tuyển dụng đều ấn tượng khi ứng viên đưa ra những câu hỏi thú vị dành cho họ. Ví dụ: Theo chủ quan của bạn, thách thức lớn nhất đối với công ty trong năm tới là gì? Với câu hỏi này, tùy theo câu trả lời của nhà tuyển dụng mà đặt tiếp câu hỏi, có thể là "điều gì khiến bạn nghĩ mối đe dọa lớn nhất là từ đối thủ cạnh tranh"... Những câu hỏi cho nhà tuyển dụng có cơ hội thể hiện ý kiến riêng của họ với những cách thức khác nhau. Điều đó cũng chứng tỏ bạn rất muốn nghe ý kiến của nhà tuyển dụng và thực sự có thành ý trao đổi thông tin với họ. Kết quả phỏng vấn sẽ được cải thiện hơn rất nhiều.

Đừng ngại nêu câu hỏi với nhà tuyển dụng. Họ đang đánh giá bạn nhưng chính bạn cũng cần phải đánh giá xem công việc, công ty có phù hợp với mong muốn, sở trưởng của bạn hay không. Những điều nhà tuyển dụng nói với bạn khi phỏng vấn chắc chắn sẽ có không ít thông tin để giúp bạn có quyết định đúng đắn hơn.

Nếu bạn là một người sáng tạo, bạn có thể đề nghị nhà tuyển dụng cho xem những thiết kế, thành quả xuất phát từ những ý tưởng sáng tạo của công ty. Nếu người phỏng vấn không thể trả lời hoặc ấp a ấp úng với cái nhìn thiếu tự tin thì bạn cũng nên suy nghĩ một chút, liệu bạn có thể là người đi tiên phong trong lĩnh vực này ở công ty hay tốt hơn là đầu quân cho một doanh nghiệp khác. Kết thúc buổi phỏng vấn, chắc chắn, nhà tuyển dụng sẽ so sánh bạn, câu trả lời và câu hỏi của bạn với những ứng viên khác.

Hãy nhớ, điều quan trọng bạn phải làm là cho nhà tuyển dụng hiểu rằng bạn đã thể hiện hết năng lực bản thân và nghiêm túc mong muốn cơ hội làm việc tại công ty. Bạn có thể nói với người phỏng vấn rằng bạn đã đưa câu hỏi của bạn, và đã được nghe những ý kiến hữu ích từ phía nhà tuyển dụng.

Sau đây là một số câu hỏi giúp bạn ứng phó một cách thông minh, nhanh nhẹn khi nhà tuyển dụng đề nghị bạn đưa câu hỏi:

- Xin cho biết hướng phát triển của công ty trong 5-10 năm tới?

- Xin cho biết thế mạnh của công ty chúng ta?

- Công ty có kế hoạch phát triển những sản phẩm chính nào trong tương lai?

- Xin cho biết hướng phát triển của công ty trong 5-10 năm tới?

- Xin cho biết thế mạnh của công ty chúng ta?

- Công ty có kế hoạch phát triển những sản phẩm chính nào trong tương lai?

- Có bao nhiêu phòng ban trong công ty? Xin cho biết mối liên hệ giữa các phòng ban này.

- Bộ phận/Phòng ban của tôi sẽ giữ vai trò gì đối với sự phát triển chung của công ty?

- Xin cho biết thành công nổi bật của phòng ban mà tôi sẽ tham gia (nếu có cơ hội) trong những năm gần đây?
Theo Zing News