Cẩm nang việc làm

Cách trả lời thông minh câu phỏng vấn kinh điển

29-06-2017

Khi đi phỏng vấn xin việc, hầu như ứng viên nào cũng sẽ được hỏi những câu kinh điển, trong đó có câu: Điểm yếu lớn nhất của bạn là gì

 

Các câu "kinh điển" khác như: "Tại sao chúng tôi nên tuyển dụng bạn?", "Nơi nào bạn muốn đến làm việc trong 5 năm tới?"...

 

Chuẩn bị câu trả lời thông minh

 

Theo Liz Ryan - giám đốc điều hành kiêm sáng lập Công ty Human Workplace, nhiều ứng viên đã trả lời máy móc những câu hỏi mà ông cho là "nhàm chán" này mà không để lại ấn tượng gì với nhà tuyển dụng.

 

Trong bài viết "Trả lời thông minh những câu hỏi nhàm chán", Ryan đã gợi ý cách trả lời buộc người phỏng vấn phải suy nghĩ và "nhớ đến bạn hơn".

 

Chẳng hạn, với câu hỏi "Điểm yếu lớn nhất của bạn là gì?", bạn có thể đáp: "Tôi từng bị ám ảnh về những điểm yếu của mình. Tôi từng nghĩ mình có cả tá khiếm khuyết cần phải điều chỉnh và tôi đã đọc sách, đăng ký các khóa học để cố gắng cải thiện chúng. Dần dần tôi nhận ra rằng chẳng có nghĩa lý gì nếu tôi cứ làm những việc mình không giỏi, và cũng không ý nghĩa gì khi tôi cứ nghĩ về các điểm yếu. Thay vào đó, tôi tập trung làm một cách tốt nhất việc mà tôi thật sự giỏi".

 

Cách trả lời này rõ ràng khác xa với những câu trả lời thông thường, trong đó thường nói về việc ứng viên đã làm việc chăm chỉ ra sao và họ đã khắt khe với chính mình như thế nào.

 

Cho nhà tuyển dụng thấy điều họ muốn

 

Theo các chuyên gia tuyển dụng, ngoài những câu trả lời thông minh, ứng viên cũng sẽ dễ dàng "ghi điểm" với nhà tuyển dụng hơn nếu biết thể hiện điều mà nhà tuyển dụng đang mong đợi ở họ.

 

Vậy nhà tuyển dụng mong đợi gì ở một ứng viên? Jeff Haden - người sáng lập Công ty BlackBird Media - "bật mí":

 

Ứng viên là người đáng mến. "Kỹ năng và trình độ chuyên môn là quan trọng, nhưng chúng tôi cũng muốn làm việc với người mà chúng tôi thấy thích", Haden viết. Vì vậy, hãy mỉm cười, giao tiếp với nhà tuyển dụng bằng mắt, ngồi thẳng hướng về phía trước và nhiệt tình. "Nếu nhà tuyển dụng không nghĩ rằng họ thích làm việc với bạn, có lẽ họ sẽ không thuê bạn".

 

Ứng viên thể hiện kỹ năng thực tế thay vì "trên giấy". "Bạn có thể thực hiện một nghiên cứu nhỏ về công ty. Để thật sự gây ấn tượng, hãy dùng các nghiên cứu của mình để mô tả bạn sẽ làm thế nào để đóng góp cho công ty - Haden viết - Nếu bạn có một kỹ năng cụ thể, hãy thể hiện nó cho nhà tuyển dụng thấy họ có thể tận dụng kỹ năng đó ra sao".

 

Ứng viên cho thấy họ sẵn sàng làm việc ra sao. "Đừng nói với nhà tuyển dụng bạn muốn làm việc mấy giờ trong tuần, có thể đi công tác mấy lần trong tháng... Bởi thực tế có thể họ cần bạn làm việc 60 giờ/tuần hoặc đi công tác hơn một nửa thời gian làm việc, hoặc phải báo cáo công việc với người có ít kinh nghiệm hơn bạn" - Haden nói.

 

Việc bạn vội vàng đề nghị giờ giấc làm việc, muốn được hạn chế đi công tác xa... sẽ khiến nhà tuyển dụng thấy bạn chưa sẵn sàng cho công việc của họ và họ sẽ phải cân nhắc xem có nên tuyển bạn hay không.

 

 

T.VY - Theo BBC