Cẩm nang việc làm

Lao động Việt Nam còn yếu ngoại ngữ, kỹ năng nghề

23-05-2017

Mỗi nước chỉ tuyển dụng lao động ở một số ngành nghề nhất định, do đó người lao động cần hiểu rõ trình độ, kỹ năng chuyên môn của bản thân để lựa chọn điểm đến phù hợp.

Thúc đẩy nâng cao chất lượng lao động xuất khẩu phù hợp với thị trường lao động quốc tế, đồng thời chuẩn bị được nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế của đất nước trong tương lai gần, thì các giải pháp nâng cao trình độ và kỹ năng cho người đi lao động xuất khẩu đang là một vấn đề quan trọng được đặt ra hiện nay.

 

Chất lượng lao động Việt Nam còn hạn chế

 

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), trong 3 năm 2014 - 2016, tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài trong giai đoạn này xấp xỉ 350.000 người. Riêng trong năm 2016 có trên 126.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó Đài Loan trên 68.000 lao động, Nhật Bản gần 40.000, Hàn Quốc trên 8.000 và A-rập Xê-út có trên 4.000 lao động.

 

Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Doãn Mậu Diệp, hoạt động đưa người lao động (NLĐ) đi làm việc ở nước ngoài đã đạt được những kết quả nhất định, số lượng đưa đi tăng dần theo hàng năm, chất lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài không ngừng được nâng cao, hoạt động của doanh nghiệp (DN) dần đi vào nề nếp.

 

Tính đến hết tháng 12-2016, toàn quốc có 277 DN có giấy phép hoạt động dịch vụ đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài. Phần lớn các DN dịch vụ sau khi được cấp giấy phép hoạt động đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài đều đầu tư cho hoạt động này thông qua đầu tư cho cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo, nâng cao trình độ ngoại ngữ và chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, đẩy mạnh công tác mở rộng thị trường lao động. Tuy nhiên, theo đánh giá chung, nguồn lao động của ta vẫn còn yếu về ngoại ngữ, tay nghề chưa phù hợp yêu cầu của thị trường, chưa quen tác phong làm việc công nghiệp. Nhận thức và chất lượng của NLĐ chưa thể nâng cao trong thời gian ngắn tập trung đào tạo và bồi dưỡng kiến thức cần thiết trước khi đi. Thực tế mỗi nước chỉ tuyển dụng lao động ở một số ngành nghề nhất định, do đó NLĐ cần hiểu rõ trình độ, kỹ năng chuyên môn của bản thân để lựa chọn điểm đến phù hợp.

 

Chấn chỉnh hoạt động xuất khẩu lao động

 

Một trong những vấn đề tồn tại hiện nay là kỹ năng chuyên môn của lao động nước ta còn thấp, nên nếu không có tay nghề, không có kinh nghiệm làm việc sẽ rất khó vượt qua được kỳ thi tuyển chọn lao động của nước bạn. Chính vì vậy, NLĐ cần phải trải qua quá trình đào tạo, rèn luyện tay nghề, kỹ năng và ngoại ngữ.

 

Bộ LĐ-TB-XH đặt mục tiêu từ năm 2017 - 2020, mỗi năm dự kiến đưa đi được từ 100.000 - 120.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó có khoảng 80% lao động đã qua đào tạo. Để đạt được mục tiêu này thì việc nâng cao trình độ và kỹ năng cho NLĐ được xem là một giải pháp quan trọng hàng đầu.

 

Chia sẻ về một số kinh nghiệm trong việc nâng cao hiệu quả đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, ông Lê Long Sơn - Tổng Giám đốc công ty Esuhai - nêu rõ: "Công ty Esuhai đã định hướng phát triển Chương trình phái cử lao động kỹ thuật sang thị trường Nhật Bản từ những ngày đầu thành lập, dựa trên các tiêu chí như: Nâng cao chất lượng tuyển chọn đầu vào. Nhờ đó NLĐ có thời gian tìm hiểu trước về công ty tiếp nhận, công việc tại Nhật, có năng lực Nhật ngữ và định hướng mục tiêu nghề nghiệp rõ ràng, tác phong tích cực. Việc này được nhà tuyển dụng Nhật Bản đánh giá cao. Trong quá trình đào tạo, công ty luôn tổ chức đánh giá kiểm tra chất lượng định kì nhằm kiểm soát chất lượng đào tạo và tạo động lực cố gắng học tập của học viên. Bên cạnh đó, định hướng, hỗ trợ và giới thiệu việc làm cho người lao động sau khi về nước; Cấp học bổng cho đối tượng tham gia Chương trình Kỹ sư...

 

Về nâng cao chất lượng hoạt động đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài, Bộ LĐ-TB-XH sẽ thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, sẽ quyết liệt triển khai các biện pháp cải tổ xuất khẩu lao động. Tập trung chấn chỉnh hoạt động xuất khẩu lao động của DN; Duy trì, phát triển các thị trường truyền thống, mở rộng thị trường tiếp nhận mới; Nâng cao chất lượng đào tạo tay nghề, ngoại ngữ, ý thức cho NLĐ trước khi cung ứng ra nước ngoài; Mở rộng đối tượng lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật đi làm việc ở nước ngoài.

Anh Quang - Báo Giáo dục và Thời đại