Cẩm nang việc làm

Biến núi đá khô cằn thành ốc đảo xanh

23-05-2017

Với nghị lực phi thường và đầu óc tính toán kinh tế đâu ra đấy, ông Võ Hồng Tâm đã biến một vùng núi đá khô hạn thuộc xã Phước Minh, huyện Thuận Nam (Ninh Thuận) thành "ốc đảo" xanh mướt cây ăn trái mang về doanh thu hơn 1 tỷ đồng/năm.

Vượt qua con đường mòn trên nền đá cà rang gai góc, chúng tôi lạc giữa vườn mãng cầu lá xanh mướt dưới chân dãy núi Đá Trải. Vườn mãng cầu của gia đình ông Võ Hồng Tâm đang vào mùa thu hoạch. Ông Tâm nêu gương nông dân vượt khó vươn lên làm giàu trên vùng núi đá khô hạn thuộc xã Phước Minh, huyện Thuận Nam.

 

Chân cứng đá mềm

 

Ông Võ Hồng Tâm nhiệt tình đưa chúng tôi đi thăm thú vườn mãng cầu được kiến tạo căn cơ từ hồ chứa đến hệ thống tưới phun tiết kiệm nước. Vừa thăm vườn vừa trò chuyện, ông Tâm cho biết "bổn quán" của ông ở phường Phủ Hà, TP. Phan Rang - Tháp Chàm. Sau năm 1975, ông theo cha mẹ về Quán Thẻ lập nghiệp. Thời trai trẻ, ông đã nổi tiếng là công nhân trồng bông vải giỏi của Nông trường Bông Quán Thẻ.

 

ông Võ Hồng Tâm trồng mảng cầu cho thu nhập cao

 

Từ năm 1995, nhìn thấy vùng nước chân núi Đá Trải có mạch nước nhỉ, ông tập trung đâu tư khai hoang san lấp "hầm hố" cải tạo thành vùng đất sản xuất. Kiên trì một nắng hai sương sớm hôm khai hoang, ông lần hồi kiến tạo vùng đất sản xuất rộng 4,5 ha. Đồng thời đắp đập xây ao vững chắc tích trữ nguồn nước sử dụng máy nổ bơm tưới hoa màu. Buổi đầu, ông trồng các loài cây ngắn ngày như đậu xanh, hành, tỏi, củ cải…nhưng năng suất không cao.

 

Sau nhiều năm vừa sản xuất vừa rút kinh nghiệm trên vùng đất dưới chân Núi Trải. Đến năm 1999, ông chuyển sang trồng cây mãng cầu phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng sinh trưởng tốt, cho nhiều trái, hương vị thơm ngon được thị trường ưa chuộng. Từ vài sào trồng thử nghiệm cho thu nhập cao, ông chuyển sang trồng "phủ xanh" toàn bộ diện tích 4,5 ha mãng cầu với số lượng gần 10 ngàn cây. Sau hai năm xuống giống chăm sóc chu đáo, cây mãng cầu bắt đầu cho trái chiến.

 

Ông sử dụng phân chuồng bón gốc và các chế phẩm sinh học phòng trừ rệp sáp, bọ trĩ bám trái. Ông đầu tư trên 200 triệu đồng lắp đặt hệ thống ống bơm tưới phun tiết kiệm nước. Áp dụng biện pháp tưới luân phiên mỗi đợt cắt cành khoảng 5 sào nên vườn mãng cầu của gia đình ông cho thu hoạch 10 tháng/năm. Ông ngừng cắt cành, tuốt lá vào tháng 2- 3 để "né" thị trường trái cây rộ vào tháng 6- 7 hàng năm. Nhờ đó, vườn mãng cầu của ông Tâm luôn bán được giá cao. Vào thời điểm cuối tháng 5 năm nay, thương lái đến tận vườn thu mua mãng cầu loại 1 (4- 5 trái/kg) với giá 37 ngàn đồng/kg.

 

Tích lũy 400- 500 triệu đồng/năm

 

Những năm mưa thuận nắng hòa, ông Tâm cung cấp ra thị trường 100 tấn mãng cầu cho thu nhập trên 1 tỉ đồng. Sau khi trừ chi phí sản xuất và chi tiêu sinh hoạt gia đình, ông còn tích lũy 400- 500 triệu đồng/năm. Hiện nay, ông mua thêm 2,5 ha vườn mãng cầu của người dân địa phương đưa diện tích của canh tác của gia đình lên 7 ha. Ông được Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh tặng Bằng khen Nông dân điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước; Chủ tịch UBND huyện Thuận Nam tặng giấy khen Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi.

 

Ông Võ Hồng Tâm cho biết cây mãng cầu dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, khả năng chịu hạn cao, phù hợp điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay. Với kinh nghiệm nhiều năm gắn bó với cây mãng cầu, ông sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm giúp bà con nông dân trồng loài cây này tăng thêm thu nhập, nâng cao đời sống gia đình.

Theo Sơn Ngọc - Báo Ninh Thuận