Cẩm nang việc làm

Xử trí tình huống tiến thoái lưỡng nan trong công sở

26-10-2017

Dù đam mê công việc nhưng đôi khi những tình huống tiến thoái lưỡng nan với sếp/đồng nghiệp có thể ảnh hưởng tới sự tập trung và năng suất làm việc của bạn

Dưới đây là 4 tình huống như vậy:

 

Đồng nghiệp thường xuyên "buôn chuyện”

 

"Buôn chuyện” là một thú vui khó cưỡng nơi công sở bởi ai cũng thích nói về người khác và đôi khi thích thú "bới lông tìm vết” về điểm yếu của họ. Việc này có thể khiến tất cả mọi người xao nhãng, nhanh chóng hoàn thành nhiệm vụ để tiếp tục "sở thích chung", là những câu chuyện phiếm hay lan truyền các tin đồn.

 

Thế nhưng "buôn chuyện” không phải là cách duy nhất và hiệu quả để xây dựng niềm tin với mọi người trong văn phòng. Bạn sẽ không thể ngờ có khi mình lại là nhân vật chính trong cuộc nói chuyện rảnh rỗi của đồng nghiệp. Vì vậy, tốt nhất hãy tránh xa những cuộc trò chuyện vô bổ đó.

 

Khi đồng nghiệp có ý định lôi kéo bạn vào "hội buôn”, hãy lịch sự và cứng rắn từ chối: "Tôi còn nhiều việc cần làm”. Đồng nghiệp có thể khó chịu nhưng dù sao công sở không hẳn là nơi tốt nhất để kết bạn.

 

Sếp/đồng nghiệp gửi lời mời "kết bạn” trên Facebook

 

Một số người coi việc "kết bạn” với đồng nghiệp, sếp trên Facebook là điều bình thường. Nhưng một số người lại cảm thấy như cuộc sống riêng tư sẽ bị giám sát và không thể bày tỏ những áp lực, khó khăn trong công việc tại "ngôi nhà ảo” của riêng mình. Nếu cảm thấy không thoải mái khi kết bạn với sếp/đồng nghiệp trên mạng xã hội, bạn không nhất thiết phải chấp nhận.

 

Bạn chỉ cần tạo ra một nguyên tắc riêng cho mình là tách bạch rõ ràng công việc với cuộc sống riêng, không thêm sếp/đồng nghiệp vào danh sách bạn bè cá nhân của mình và cứng rắn với chính sách này. Nếu từ chối lời mời của người này nhưng lại chấp nhận của người khác, bạn có thể gây ra sự hụt hẫng và tổn thương cho người đó.

 

Đồng nghiệp ăn mặc không chuyên nghiệp

 

Việc đồng nghiệp mặc váy quá ngắn, đi dép tông, ăn vận luộm thuộm... không chỉ vi phạm quy định của công ty mà còn gây ra sự bất công với những người làm đúng quy định. Nếu cảm thấy "nhức mắt” với những bộ đồ chỉ phù hợp để đi bar, vũ trường hay quần áo chỉ phù hợp với teen, hãy nói chuyện với phòng nhân sự hoặc người quản lý để họ xử lý.

 

Nhiều người không coi ăn vận phù hợp là một quy định thực sự nên họ cần được nhắc nhở. Khi ai cũng làm theo quy định, môi trường làm việc sẽ thoải mái hơn.

 

Mặt khác, nếu rất nhiều người vi phạm quy định, có lẽ quy định về trang phục của công ty đã không còn phù hợp. Khi nhiều người cùng chung quan điểm về những nguyên tắc lỗi thời, ban lãnh đạo cần lắng nghe ý kiến của họ.

 

Sếp "cướp công”

 

Một người sếp tốt sẽ để bạn tỏa sáng, còn không may phải gặp phải sếp tồi, anh/cô ấy luôn chứng tỏ rằng mình là bộ não của cả nhóm và chẳng ngại việc nhận hết công lao về mình khi dự án thành công. Nếu bạn không phải là người nổi bật, việc đứng lên và giải thích rằng những ý tưởng sếp nói thực ra là của mình không phải chuyện đơn giản.

 

Trước tiên, bạn cần nói chuyện trực tiếp với sếp. Hãy nói với sếp rằng bạn làm tất cả mọi thứ để ủng hộ sếp và nhóm, và hi vọng nhận được sự ghi nhận công bằng cho nỗ lực của mình. Có thể đó chỉ là hiểu lầm nhỏ và đối thoại trực tiếp với sếp sẽ nhanh chóng giải quyết vấn đề. Nhưng nếu tình trạng sếp "cướp công” nhân viên từng xảy ra nhiều lần, bạn cần tự bảo vệ mình bằng cách chuẩn bị sẵn sàng những chứng cứ cần thiết.

 

Trong mỗi môi trường làm việc sẽ có những tình huống "tiến thoái lưỡng nan” khác nhau. Càng cư xử khéo léo, bạn càng dễ phối hợp với đồng nghiệp hơn. Và như vậy, bạn sẽ tận hưởng khoảng thời gian làm việc thoải mái với mọi người thay vì chịu đựng nó.
Tuổi Trẻ Online