Cẩm nang việc làm

Bí quyết trở thành nhà lãnh đạo tài ba

22-02-2011 09:15 GMT+7

Dù bạn là một giám đốc điều hành có hạng, một nhà quản lý có tiếng hay một trưởng phòng kha khá, muốn công việc quản lý một cách hiệu quả, bền vững, bạn cần có những kỹ năng riêng.
Ai đó đã từng nói: "không có người sinh ra để làm lãnh đạo, mọi cái đều do nỗ lực của bản thân”. Muốn trở thành một nhà lãnh đạo, trước hết, bạn phải cố gắng làm tốt mọi công việc ngay từ đầu. Khi đã có mục tiêu rõ ràng, bạn sẽ có hứng thú hơn và có trách nhiệm hơn đối với công việc được giao. Về cơ bản, bất cứ ai trong chúng ta cũng đều có khả năng để trở thành một nhà lãnh đạo tài ba, nhưng điều quan trọng là liệu chúng ta có biết nuôi dưỡng và phát triển hay không.


Lãnh đạo phải là người biết cách kết nối với mọi người - (Ảnh minh họa)

Lãnh đạo không phải là bạn đứng trên cao và hét toáng lên: hãy làm theo lời tôi nói. Bởi nếu chỉ có nói suông thì chẳng ai tin vào bạn, mà một khi đã không tin, nghiễm nhiên chẳng ai dại gì làm theo bạn cả.

Bạn nên hiểu rằng, lãnh đạo cũng là một công việc như bao việc khác. Người ta chỉ nghe bạn khi bạn thực sự thể hiện được năng lực quản lý điều hành, khả năng thuyết phục người nghe và sự công tâm trong giải quyết công việc.

Để trở thành một nhà lãnh đạo giỏi, bạn nên thử những bí quyết sau:

- Tạo lập mối quan hệ.

Đây là yếu tố cơ bản nhất của người lãnh đạo. Tạo dựng mối quan hệ tốt với người khác, tạo cho họ sự tin tưởng và truyền tải đến họ những lí do thật sự thuyết phục là đòi hỏi đầu tiên để trở thành một nhà quản lý cừ khôi.

Theo Adam Bandelli, chủ tịch hội đồng quản trị công ti RHR International và là một nhà lãnh đạo có tiếng: chìa khóa thành công chính là thiết lập các mối quan hệ, chấp nhận cả những khác biệt và tạo sự tin tưởng lẫn nhau. Tất nhiên, để tạo sự tin tưởng là rất khó bởi cần phải có thời gian, thành quả cụ thể. Vì vậy, bạn cần kiên nhẫn, đừng bao giờ ảo tưởng rằng mọi việc sẽ thành công chỉ trong ngày một ngày hai.


Người lãnh đạo công tâm luôn tạo được niềm tin
và sự kính trọng - (Ảnh minh họa)

- Định hướng mục tiêu cụ thể

Mọi nỗ lực quản lý của bạn đều trở thành vô nghĩa nếu như bạn không có mục tiêu rõ ràng. Nói cách khác, nếu như bạn không biết lái con tàu của mình đi về đâu, cho dù bạn có cố đến mấy thì vẫn là công cốc.Bởi vậy, bạn nên xác định mục tiêu của nhóm, của phòng hay của toàn công ty trước khi bắt tay vào công việc của một người lãnh đạo.

Thực tế, điều này không có gì là khó hiểu bởi một khi biết được định hướng, mục đích cụ thể, bạn sẽ đưa ra được chiến lược phù hợp, tạo động lực để mọi người cùng phấn đấu.

Nếu bạn quản lý một đội ngũ nhân viên bán hàng, bạn có thể đặt ra mục tiêu nhóm có doanh thu bán hàng đứng đầu công ty. Từ đó, hãy ngồi lại cùng cả nhóm để vạch ra đường đi nước bước cụ thể, cho từng giai đoạn. Điều này không chỉ giúp mỗi thành viên có quyết tâm hơn mà còn tạo lập chọ họ lòng tin vào thành quả trong tương lai để từ đó cùng nhau cố gắng.


Đừng ôm đồm công việc, hãy có sự phân chia
phù hợp với năng lực từng người - (Ảnh minh họa)

- Công bằng, minh bạch

Nếu bạn vẫn băn khoăn không biết làm thế nào để tạo niềm tin đối với đồng nghiệp thì đây là câu trả lời: hãy rõ ràng trong mọi chuyện và cư xử công bằng với mọi người, đặc biệt là với cấp dưới. Cứ đặt bạn vào vị trí của người khác mà xem, nếu có một vị sếp, một người lãnh đạo chuyên thiên vị, giải quyết công việc nhập nhằng, không rõ ràng thì liệu bạn có thể tôn trọng và yên tâm công tác hay không? Lúc đó, bạn sẽ hiểu giá trị của sự công bằng nơi công sở.

Khi định thực hiện kế hoạch gì, tốt nhất là bạn nên triệu tập một cuộc họp để thông qua tất cả các thành viên. Biết đâu, chính những nhân viên lại đóng góp ý kiến, giải pháp hoàn hảo hơn cho kế hoạch của bạn.

Hơn nữa, sự công bằng, minh bạch sẽ khiến mọi người tôn trọng bạn. Từ đó, họ cũng xác định gắn bó, trung thành với bạn lâu dài.

- Phân chia công việc hợp lý

Tất nhiên, chúng ta không thể phủ nhận một điều rằng, thực tế hiện nay, phần đông các nhà lãnh đạo có thể làm được mọi việc, nhưng một nhà lãnh đạo tài ba sẽ không bao giờ ôm đồm làm thế. Họ thường phân chia công việc cho những nhân viên của mình rõ ràng, hợp lý bởi họ hiểu hơn ai hết, đoàn kết là sức mạnh. Khả năng của mỗi người chính là nhân tố tạo nên sự thanh công của cả nhóm.

Tuy nhiên phân chia công việc không hề đơn giản bởi nếu phân chia không phù hợp, thất bại là việc nhãn tiền. Vì vậy, bạn cần hiểu rõ khả năng từng người, cân nhắc kỹ và lựa chọn thời điểm thích hợp để phân công công việc cho từng người thật cụ thể, phù hợp với khả năng.
Theo ZingNews