Cẩm nang việc làm

6 ranh giới mà sếp không bao giờ được vượt qua

14-04-2012 11:12 GMT+7

Công khai mức lương, khiển trách nhân viên trước công ty hay chia sẻ những chuyện đời tư nơi công sở…là những tình huống mà những người quản lý giỏi không nên thực hiện.
Bạn có thể cảm thấy khó hiểu khi sếp đưa ra quyết định cho phép nhân viên ăn mặc thoải mái như ở nhà khi đi làm. Nhưng nếu như sếp có những bình luận hay hành động khiến bạn cảm thấy không thoải mái thì đó là lúc bạn cần cho ông/bà ta biết rằng họ đang vượt qua giới hạn mà một người quản lý không được vượt qua.

Nếu gặp trường hợp như vậy, các chuyên gia khuyên rằng, bạn nên góp ý thẳng thắn, cởi mở và chân thành với sếp. Nếu sếp của bạn vẫn không nghe thì bạn nên báo cáo với bộ phận nhân sự của công ty.

Tuy nhiên, trước khi bạn "lên tiếng” phản ứng những hành động/lời nói của sếp hãy xem sếp của bạn có vi phạm vào một trong 6 tình huống dưới đây không. Nếu có thì đã đến lúc bạn cần lên tiếng.

1. Công khai mức lương của nhân viên trước công ty

 

Vấn đề lương thưởng là vấn đề riêng tư, đồng nghiệp không cần biết những gì mà bạn đang được trả. Do vậy, những câu bình luận kiểu như "Tôi trả cho anh hơi thấp” hay "tôi trả cho anh quá cao đấy” có thể gây ra những bất mãn giữ các đồng nghiệp với nhau.

2. Khiển trách nhân viên trước mặt các đồng nghiệp khác

 

Quát tháo hay khiển trách nhân viên trước mặt các đồng nghiệp khác là điều mà khó có thể chấp nhận và là hành vi không phù hợp ở môi trường công sở. Một người quản lý giỏi và có tâm là khi nhân viên mắc những sai lầm hay để xảy ra sai sót đến mức cần phải có sự trừng phạt đích đáng thì sẽ giải quyết vấn đề này một cách tế nhị và riêng tư.

3. Đưa ra những yêu cầu một cách vô lý

 

Điều này khá phức tạp, vì rất khó để xác định là những đòi hỏi đó của sếp có chính đáng hay không? Điểm mấu chốt của các nhà quản lý là cần phải truyền đạt những yêu cầu công việc một cách rõ ràng, hỗ trợ nhân viên khi cần thiết và đưa ra thời hạn hợp lý cho các dự án đó.

4. Chia sẻ quá nhiều thông tin cá nhân

 

Bạn là một nhân viên chứ không phải là chuyên gia trị liệu. Vì thế sếp không nên chia sẻ các vấn đề hoặc các chi tiết về đời tư của mình, ngay cả khi coi bạn như một người bạn. Nếu bạn thường xuyên được trao đổi các câu chuyện theo hướng này thì hãy nên trả lời ngắn gọn và khéo léo chuyển đổi sang các chủ đề về công việc. Biện pháp này có thể được thực hiện cho cả hai bên. Đừng bao giờ mang những vấn đề hay cuộc sống riêng tư đến nơi công sở.

5. Lối hành xử không thích hợp

 

Bất kỳ một bình luận nào mà khiến nhân viên phải lúng túng, sợ hãi hoặc xấu hổ đều không thích hợp đối với một người làm Sếp. Điều này bao gồm cả khi nói chuyên phiếm với nhau và thể hiện trong email hay khi nhận xét về ngoại hình của nhân viên. Ngoài ra, bất kỳ một câu nói nào của sếp ngụ ý quan tâm đến mối quan hệ cá nhân hay thậm chí là một điều gì đó đối lập với những gì bạn có thì đều hoàn toàn không phù hợp. Đó có thể coi như một sự quấy rối tình dục.

6. Coi trọng vấn đề giới tính, tuổi tác hay chủng tộc…khi giao việc

 

Rõ ràng, vấn đề giới tính, tuổi tác hay chủng tộc đều không hề ảnh hưởng đến năng lực làm việc của bạn. Vì vậy, nếu sếp bạn coi trọng điều đó khi phân công công việc thì đó là điều không công bằng và bị coi là có phân biệt đối xử.
Dân Trí