Cẩm nang việc làm

6 nguyên tắc giao tiếp tạo thành công

24-10-2017 08:50 GMT+7

Theo thống kê hằng năm của Hiệp hội các trường học và nhà tuyển dụng Mỹ, kỹ năng số 1 nhà tuyển dụng tìm kiếm trong năm 2013 là: Khả năng giao tiếp với mọi người trong và ngoài tổ chức

Ảnh: wordpress.com

 

Chuyên gia giao tiếp Marvin Brown - tác giả cuốn sách Làm thế nào để bắt chuyện với mọi người mọi lúc mọi nơi?, khẳng định giao tiếp là chìa khóa của thành công: "Công việc chính là về mối quan hệ với sếp, đồng nghiệp, khách hàng và đối tác. Để xây dựng mối quan hệ tốt đẹp, bạn cần xây dựng niềm tin, là người biết lắng nghe, thân thiện và cởi mở”.

 

Có nhiều cách để tạo ấn tượng ban đầu tốt đẹp và nâng tầm quan trọng của bạn trong mắt sếp và đồng nghiệp. Brown nhấn mạnh 6 điểm chủ chốt giúp bạn giao tiếp thành công trong công việc:

 

Giao tiếp có mục đích

 

Đừng lười biếng khi nói. Dù với những cuộc giao tiếp ngắn như nhắn tin, bạn cũng nên dành thời gian và cố gắng để giao tiếp một cách chi tiết, đảm bảo điều mình nói không bao gồm những từ khó hiểu, thiếu chi tiết như "điều gì đó” hay những từ chúng ta lặp lại thường xuyên đến nỗi bản thân không nhận ra như "anh biết đấy’, "kiểu như”, "đại loại thế”...

 

Brown đưa ra lời khuyên: "Hãy suy nghĩ trước khi nói. Thay thế những từ mơ hồ bằng từ mô tả. Cố gắng lắng nghe bản thân để từ ngữ của bạn có giá trị và ý tưởng của bạn có nội dung. Mọi người sẽ chú ý hơn tới ý tưởng của bạn nếu bạn trình bày nó tốt”.

 

Không bỏ qua cơ hội tạo sự liên kết

 

Bạn không thể đoán trước cuộc nói chuyện nào có thể mang đến một cơ hội tốt. Vì vậy, đừng bỏ lỡ bất cứ cơ hội nào để kết nối với mọi người trong công việc. "Chẳng hạn, nếu bạn ở trong thang máy với sếp và cô ấy nói gì về thời tiết, đó là một cơ hội mở để giao tiếp”, Brown nói.

 

Hãy thể hiện rằng bạn có thể phát triển một cuộc nói chuyện. Hãy liên lạc qua ánh mắt và nói điều gì đó thật thông minh. Hãy tận dụng mọi cơ hội để tương tác với những người mới mỗi ngày trong môi trường làm việc. Hãy sẵn sàng phản hồi khi ai đó chú ý nói chuyện với bạn và đừng sợ tiếp cận những người khác với một câu hỏi thân thiện hoặc lời bình luận hài hước.

 

Là chính mình

 

Bạn đã từng nghe lời khuyên này nhiều lần nhưng có thể bạn không bao giờ tin rằng nó có tác dụng lớn. Cố gắng bắt chước để trở thành một người khác là điều sai lầm, do đó lời khuyên tốt nhất là hãy chứng tỏ bản thân một cách tốt nhất trong công việc. "Nhân viên mới thường cố gắng gây ấn tượng bằng cách tỏ ra hấp dẫn một cách quá mức. Họ cảm thấy cần phải nói đùa, nói ra những từ hoa mỹ và trở thành trung tâm của cuộc sống công sở", Brown nói. Ông cảnh báo hành động này có thể gây hiệu quả ngược: "Hãy quên đi việc tỏ ra mình là người hùng biện, nhà thông thái hay khoe khoang. Hãy đơn giản và trực tiếp. Sự giả tạo trong lời nói và hành động sẽ khiến bạn dễ bị ghét".

 

Tận dụng những tín hiệu phi ngôn ngữ

 

Ngôn ngữ cử chỉ cũng quan trọng như lời nói khi bạn đang cố gắng tạo ấn tượng đầu tiên tốt đẹp, tạo ảnh hưởng cho thông điệp và đạt được niềm tin của mọi người. Theo Brown, khi chào hỏi trong công việc, hãy tìm hiểu công việc của đối phương, nói những điều liên quan, liên lạc qua ánh mắt và mỉm cười. Dù liên lạc qua ánh mắt hay cử chỉ, hãy cố gắng nâng tầm quan trọng của người đối diện - điều này góp phần không nhỏ vào thành công của cuộc nói chuyện.

 

Ghi nhớ tên người bạn gặp

 

Brown đề nghị: "Khi gặp ai đó lần đầu tiên, hãy nói tên mình lúc bắt tay. Nghiên cứu chỉ ra rằng việc này làm tăng 75% khả năng họ sẽ nhớ tên bạn”. Ngoài ra, hãy cố gắng nhớ tên của mọi người bạn gặp. Đừng đánh giá thấp ấn tượng của việc nhớ tên người khác. Nếu có thể, hãy ghi nhớ một số thông tin cơ bản về họ như việc họ đang làm, công ty, sở thích...

 

Chấp nhận lời chỉ trích một cách cởi mở

 

Hãy cởi mở với những góp ý mang tính xây dựng. Không có gì tồi tệ hơn một nhân viên/ đồng nghiệp không lắng nghe ý kiến của người khác, luôn phản ứng một cách tiêu cực, dẫn đến cản trở công việc của tập thể. "Hãy cố gắng lắng nghe những điều người khác nói về công việc của bạn và cố gắng không coi nó như một sự thù địch hay ganh ghét nhằm vào bạn. Bạn nên phản ứng  một cách cởi mở: Cảm ơn vì đã chỉ ra sai sót đó của tôi, hoặc Điều đó rất hữu ích. Cảm ơn vì đã chia sẻ với tôi", Brown nói.

 

Hãy cẩn trọng với lời nói, ngôn ngữ cử chỉ và tính cách cá nhân của bạn khi cố gắng thân thiết hay tránh xa ai đó trong công việc. Kỹ năng giao tiếp của bạn càng tốt, bạn càng thành công trong công sở.

Tuổi Trẻ Online