Cẩm nang việc làm

Trắc nghiệm: kỹ năng xây dựng mối quan hệ

05-11-2017

Xây dựng mối quan hệ là một trong những kỹ năng quan trọng giúp bạn tiến xa trong sự nghiệp. Bạn có tự tin mình thành thục kỹ năng này?

Bài trắc nghiệm dưới đây sẽ giúp bạn đánh giá khả năng xây dựng mối quan hệ của mình:

 

1. Khi gặp người lạ ở một sự kiện xây dựng mạng lưới quan hệ như cuộc hội thảo, bữa tiệc gây quỹ từ thiện hay hoạt động giao lưu giữa các công ty, bạn nên nói chuyện về:

 

A. Thời tiết, thể thao, phim ảnh hay sở thích chung một cách ngẫu nhiên;

 

B. Lịch sử ngắn gọn công việc và cơ hội bạn đang tìm kiếm;

 

C. Công việc của anh/cô ấy và lý do anh/cô ấy tham gia cuộc gặp mặt này;

 

2. Nếu bạn cảm thấy khó khăn khi bắt chuyện với người khác trong sự kiện, bạn nên:

 

A. Chờ cho tới khi có người tới bắt chuyện;

 

B. Thừa nhận với người ngồi/ đứng cạnh mình rằng bạn cảm thấy đôi khi những sự kiện như thế này rất kỳ cục và hỏi lời khuyên của người đó về cách làm quen với người khác;

 

C. Cố gắng gặp gỡ những người xung quanh bàn ăn và nói chuyện về thức ăn, đồ uống;

 

3. Bạn cho rằng người giao tiếp giỏi là người:

 

A. Đặt ra những câu hỏi thú vị cho người khác;

 

B. Nói chuyện một cách thoải mái về những chủ đề khác nhau;

 

C. Luôn lên tiếng khi người khác không biết nói gì;

 

4. Cách tốt nhất để thể hiện sự tôn trọng với những gì người khác nói là:

 

A. Khen ngợi những gì anh/cô ấy nói;

 

B. Đề nghị những người khác tham gia cuộc nói chuyện để nghe câu chuyện của anh/cô ấy;

 

C. Tập trung lắng nghe, tương tác qua lại qua cử chỉ và đặt ra những câu hỏi liên quan tới câu chuyện của anh/cô ấy;

 

5. Khi chuẩn bị tham gia một sự kiện xây dựng mối quan hệ, bạn nên:

 

A. Cập nhật những sự kiện đang nóng, vấn đề kinh tế - chính trị thế giới, xu hướng kinh doanh, phương thức lãnh đạo, quản lý;

 

B. Yêu cầu ban tổ chức cung cấp danh sách khách mời tham gia và tìm hiểu lý lịch của họ;

 

C. Sẵn sàng giấy bút để ghi lại thông tin liên lạc của mọi người;

 

6. Sau khi gặp gỡ, nói chuyện với một người nào đó, nếu bạn cảm thấy anh/cô ấy không có tiềm năng giúp đỡ mình trong tương lai, bạn:

 

A. Rút lui khỏi cuộc nói chuyện một cách lịch sự và tiếp tục gặp gỡ những người khác;

 

B. Tiếp tục nói chuyện và không đánh giá về người khác quá sớm;

 

C. Tiếp tục nói chuyện nhưng cố gắng thu hút những người khác tham gia để có thể gặp người mới;

 

7. Sau khi đã xác định những điểm chung và tin rằng bạn muốn dành nhiều thời gian hơn để nói chuyện với một người, bạn:

 

A. Đề nghị anh/cô ấy ra quán cà phê hoặc phòng khác để tiếp tục buổi nói chuyện;

 

B. Hẹn gặp anh/cô ấy sau;

 

C. Xin danh thiếp của anh/cô ấy và đề nghị liên lạc vài ngày sau;

 

8. Nếu trong sự kiện xây dựng mối quan hệ có người quan tâm và "theo đuôi” bạn khắp mọi nơi, bạn nên:

 

A. Lịch sự để anh/cô ấy tham gia tất cả các cuộc nói chuyện của mình;

 

B. Nói anh/cô ấy đi chỗ khác;

 

C. Nói rằng bạn phải gặp người khác hoặc cần đi vào phòng vệ sinh;

 

Đáp án:

 

1A. Dù đáp án C rất thích hợp khi bạn bắt đầu một cuộc nói chuyện với người lạ, nhưng thật bất lịch sự khi chăm chăm nói về công việc, chức vị, mức lương của người khác ngay trong lần đầu tiên gặp mặt. Thay vào đó, hãy nói về những chủ đề đời thường.

 

2B. Nếu bạn không thoải mái xây dựng mối quan hệ mới, thừa nhận điều đó với người bên cạnh sẽ giúp bạn "phá băng”. Mọi người sẽ giúp đỡ bạn. Họ sẽ giới thiệu bạn với những người khác và một cách tự nhiên, bạn sẽ dần cảm thấy thoải mái hơn.

 

3A. Trên thực tế, những người giỏi giao tiếp là người không cần nói nhiều. Họ biết đặt ra những câu hỏi hay để thu hút sự chú ý của người khác vào cuộc nói chuyện.

 

4C. Không tập trung là một trong những lỗi mọi người thường mắc phải trong sự kiện xây dựng quan hệ. Trong cuộc đối thoại, bạn nên liên lạc qua ánh mắt, tương tác qua lại bằng lời nói, cử chỉ và đặt ra những câu hỏi liên quan.

 

5A. Sẽ dễ dàng hơn để bắt chuyện với người khác nếu bạn biết về nhiều chủ đề. Hãy đọc thật nhiều về những chủ đề khác nhau, các sự kiện đương thời, xu hướng kinh doanh, vấn đề xã hội, thể thao, nghệ thuật...

 

6B. Hãy nhớ mục đích của việc tham gia các sự kiện xây dựng mối quan hệ là gặp gỡ những người mới, giúp đỡ họ khi có thể, học hỏi từ họ, thỏa mãn lợi ích chung hay thậm chí đơn giản chỉ là kết bạn. Bạn không nên quá thực dụng và đánh giá về người khác quá sớm.

 

7C. Sự kiện xây dựng mạng lưới quan hệ là sự kiện mang tính xã hội nhiều hơn là công việc đơn thuần. Cố gắng gặp gỡ càng nhiều người càng tốt, thu thập danh thiếp của họ và vài ngày sau liên lạc với họ, bắt đầu xây dựng mối quan hệ lâu dài hơn.

 

8C. Bạn có thể dễ dàng bị người khác "theo đuôi” trong một bữa tiệc hay hội thảo. Khi đó, hãy lịch sự tìm cách rút lui hoặc giới thiệu anh/cô ấy với người khác và dần rút ra khỏi cuộc nói chuyện của họ. Đừng để một người lấn át toàn bộ thời gian của bạn trong hoạt động xây dựng mối quan hệ.

 

Và sau đây là kết quả:

 

Nếu có từ 7 đáp án đúng trở lên: Bạn có kỹ năng xây dựng mối quan hệ xuất sắc, giúp bạn thành công trong việc thu hút các liên lạc mới. Nhưng bên cạnh lôi cuốn người mới, hãy để ý chăm sóc và nuôi dưỡng mạng lưới quan hệ hiện tại của bạn.

 

Nếu có 6 đáp án đúng: Chỉ cần cố gắng hơn một chút, trình độ xây dựng mối quan hệ của bạn sẽ hoàn hảo hơn. Hãy luyện tập thêm bằng cách làm quen, tạo dựng mối quan hệ mới bất cứ khi nào có cơ hội.

 

Nếu có dưới 6 đáp án đúng: Bạn cần luyện tập nhiều hơn nữa để tạo ấn tượng tốt với người mới. Bạn có thể tự luyện tập bằng cách tích cực tham gia các hoạt động xã hội hoặc tham gia khóa học nâng cao khả năng xây dựng mối quan hệ, kỹ năng giao tiếp.

Tuổi Trẻ Online