Cẩm nang việc làm

Tìm cách giữ chân lao động trẻ

13-02-2017 01:41 GMT+7

"Dò tìm trên mạng, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, tình trạng nhảy việc của lao động trẻ hiện nay khá phổ biến, khiến chúng tôi cảm thấy tò mò và hứng thú muốn tìm hiểu...
"Dò tìm trên mạng, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, tình trạng nhảy việc của lao động trẻ hiện nay khá phổ biến, khiến chúng tôi cảm thấy tò mò và hứng thú muốn tìm hiểu. Chúng tôi phân vân: Những sinh viên năm cuối như mình, đứa nào cũng mong muốn sau khi rời giảng đường sẽ tìm được một công việc phù hợp, ổn định, gắn bó lâu dài. Vậy tại sao lại nhảy việc, tại sao tình trạng trên lại trở nên phổ biến? Có phải là trào lưu, xu hướng, sở thích…?

Để trả lời cho những thắc mắc đó, chúng tôi quyết định chọn đề tài nghiên cứu: "Vấn đề nhảy việc của lao động trẻ có trình độ đại học trở lên tại TPHCM: Thực trạng và giải pháp”, Cẩm Giang - SV năm cuối ngành Quản trị nguồn nhân lực, Trường ĐH Kinh tế TPHCM, kể về công trình do Giang cùng hai sinh viên Phương Thy và Anh Khoa thực hiện.

Giang phân tích: "Khi nhảy việc, đối với người lao động, họ sẽ lãng phí thời gian tìm kiếm cơ hội nhưng đồng thời họ cũng nắm bắt được cơ hội và có công việc tốt hơn. Còn đối với các tổ chức, doanh nghiệp, sự thay đổi nhân viên liên tục do nhảy việc khiến phải mất thời gian và nhân lực thực hiện tuyển dụng, chịu những biến động về lao động, tốn kém chi phí đào tạo lao động mới… Như vậy, khi lao động nhảy việc, cả người lao động và người sử dụng lao động đều thiệt hại, song doanh nghiệp - người sử dụng lao động thường là phía bị động và thiệt hại lớn hơn”.

Một số cựu sinh viên của trường, những người từng nhảy việc ít nhất một lần từ khi ra trường là đối tượng đầu tiên nhóm chọn để tiếp cận. Qua những lần gặp gỡ, nhóm mạnh dạn trao đổi thẳng thắn, với mong muốn được nghe chia sẻ chân thành về nguyên nhân thay đổi nơi làm việc của mình. Để có cái nhìn tổng quan hơn, nhóm lại tham khảo, đưa ra những câu hỏi, tình huống cụ thể rồi tìm đến các lớp sau đại học để khảo sát. "Ban đầu, khi mới phát bản câu hỏi, nhiều anh chị đọc qua loa, trả lời cho có hoặc có anh chị không quan tâm. Thế nhưng khi biết được mục đích của chúng tôi, các anh chị đã hỗ trợ rất nhiệt tình”, Phương Thy chia sẻ.

Qua tìm hiểu thực tế và khảo sát 220 anh chị đang theo học sau đại học, nhóm rút ra những nguyên nhân cơ bản dẫn đến nhảy việc của lao động trẻ, có trình độ đại học trở lên và phân chia theo các nhóm: thu nhập (thấp, không ổn định); chế độ đãi ngộ (tiền thưởng, khen thưởng, khuyến khích tăng lương chưa phù hợp); môi trường tinh thần nơi làm việc (không thoải mái, không được cấp trên tôn trọng, xảy ra mâu thuẫn…); môi trường vật chất và điều kiện hỗ trợ công việc hạn chế; khả năng phát triển chuyên môn nghề nghiệp (công việc được bố trí chưa phù hợp với trình độ, năng lực chuyên môn, không có cơ hội thăng tiến); cuộc sống cá nhân (thích trải nghiệm trong những môi trường làm việc khác nhau).

Trong đó, khả năng phát triển chuyên môn nghề nghiệp là nguyên nhân chính khiến trên 90% lao động trẻ có trình độ chuyên môn nhảy việc, tìm kiếm cơ hội mới. Đề tài này đã lọt vào vòng chung kết Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học lần thứ 12 - 2010, do Thành đoàn TPHCM tổ chức.

"Trên cơ sở nghiên cứu chúng tôi đưa ra, các đơn vị, doanh nghiệp có thể đối chiếu với thực tế tại công ty mình. Từ việc phân tích và nhìn ra được tại sao lao động trẻ có trình độ lại rời công ty mình để đến với công ty khác, các doanh nghiệp sẽ linh động có được những giải pháp tốt nhất, hài hòa nhằm giữ chân người lao động. Trong đó cần quan tâm đặc biệt đến yếu tố phát triển chuyên môn nghề nghiệp để lao động xác định gắn bó lâu dài. Đó là mục tiêu mà đề tài hướng đến”, Khoa nói.
Nhóm trưởng Trần Nguyễn Cẩm Giang cho biết, sắp tới khi thực hiện luận văn tốt nghiệp, Giang sẽ phối hợp cùng một số công ty cụ thể, chọn đi sâu nghiên cứu thực tế vấn đề nguồn nhân lực tại đây để có những giải pháp cụ thể hơn nhằm giữ chân lao động trẻ cho đơn vị.
Theo SGGP Online