Tiến sĩ nông học cởi áo vest làm nông dân
23-05-2017 07:29 GMT+7
Đương chức Phó khoa Nông học - Trường Đại học Nông lâm - Đại học Huế, Tiến sĩ Nguyễn Văn Đức, với tác phong “nói được, làm được”, đã lỉnh kỉnh mang vác vật dụng lên mảnh đất cằn cỗi, nắng gió để trồng rau, hoa.
Ông đã biến một vùng đất cằn cỗi, bạc màu ở phường Hương An, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế trở nên xanh mướt, rực rỡ, mở ra một hướng đi mới trong nông nghiệp “sạch”.
Cởi vest làm nông dân
Đến 5 cái hẹn tôi mới gặp được thầy Đức, bởi công việc của thầy lu bu từ trường rồi ra nông trại làm thầy thất hẹn với tôi mấy lần. Đến khi không chờ được nữa, tôi đánh liều lên trại cách TP. Huế hơn 10km mới “bắt” được thầy.
Trời đã nhập nhoạng tối, thầy Đức vẫn đang loay hoay với những khoảnh đất của mình. “Tối rồi mà không về với vợ con được, cực ri đây. Xuất thân từ nông dân giờ đi làm giảng viên tưởng thoát được nghề nông, ai ngờ giờ nó lại vận vào thân” - thầy Đức bắt đầu câu chuyện.
Vận một chiếc áo sơ mi cũ, đầu đội chiếc mũ cối, tay cầm chiếc cuốc thầy Đức ra dáng một nông dân hơn là một giảng viên. “Ở trường tôi là giảng viên, nhưng cởi vest ra tôi là một nông dân” - thầy Đức hóm hỉnh.
Thầy từng đi du học nhiều nơi và bảo vệ luận án tiến sĩ ở Học viện Nông nghiệp Mátxcơva - Nga. Vốn xuất thân từ một vùng quê ở huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị), bao nhiêu năm lăn lộn ở đồng quê, nên khi trở thành giảng viên, thầy vẫn gắn với đất đai, ruộng vườn.
Tôi hỏi, khi thầy chọn việc ăn dầm ngủ dề ngoài trại để làm nông, có ai dị nghị không? Chưa vội trả lời câu hỏi của tôi, thầy Đức cầm lấy một nhánh cỏ, xoay qua xoay lại quan sát rồi quay lưng đi ra phía mảnh vườn mới trả lời: “Điên, khùng và ngông là những điều mà đồng nghiệp nhận xét về tôi. Họ nói cũng đúng thôi, bởi nhiều người mơ được thoát cảnh làm nông, nhưng tôi lại dấn thân vào. Ngay cả những người cho tôi thuê đất họ cũng chửi tôi điên rồi mới cho thuê. Nhưng mình đam mê thì làm thôi, tôi tin trời sẽ không phụ công người”.
Đưa hoa hướng dương, tam giác mạch về Huế
Những ngày cuối tháng ba, khi trời đã bắt đầu nắng rát, giữa một khoảnh đất lọt thỏm bên những thửa ruộng, cạnh đường tránh thuộc phường Hương An, thị xã Hương Trà nổi lên một màu vàng rực của hoa hướng dương. Cuối tuần, giới trẻ và nhiều du khách đổ xô về đây tham quan, chụp ảnh. Một mảnh đất nhỏ, chừng 3 sào, chạy song song với con đường rực một màu vàng của sắc hoa.
Để có được một vườn hoa tươi tốt và nở rộ đẹp như vậy, công sức của thầy Đức bỏ ra không hề nhỏ. Từ khi còn học ở Nga, thấy sức hấp dẫn của loài hoa này, thầy đã ước ao mang nó về Huế trồng, cốt để được chiêm ngưỡng hoa mỗi ngày. “Tôi thích hoa hướng dương, nó là biểu tượng của mặt trời, của ánh sáng”- thầy Đức chia sẻ.
Nhưng, để trồng được loài hoa này không dễ, thầy Đức và sinh viên của mình đã trải qua 3 năm với 7 lần thử nghiệm mới thành công. “Thời tiết và khí hậu ở Huế khác hẳn với những địa phương khác nên tôi phải thử nghiệm nhiều lần với các tháng trong năm để tìm ra thời điểm gieo trồng thích hợp nhất” - thầy Đức kể.
Sau khi thành công với những thử nghiệm, bước tiếp theo của thầy Đức là mở rộng diện tích và đón đầu các kỳ Festival Huế để thu hút khách.
Trong khoảnh vườn của thầy Đức còn có sự hiện diện của hoa tam giác mạch. Thầy bảo rằng, xem tivi thấy người ta nhắc đến hoa tam giác mạch ở Tây Bắc nhiều và có cả lễ hội về loài hoa này, thấy du khách ai cũng thích. Thế là thầy đánh liều mua giống về trồng thôi, dĩ nhiên khí hậu ở đây khác so với Tây Bắc nhưng nếu mình tìm ra một tháng trong năm thích hợp để trồng thì sẽ có kết quả tốt. “Giờ thì anh thấy đó, thử nghiệm suốt rồi cũng thành công, hoa tam giác mạch đã hiện diện ở Huế, cần gì lên tận Tây Bắc cho xa” - thầy Đức vội khoe, rồi chỉ tay về những thùng nuôi ong đặt cạnh bên, bảo: “Hoa vừa làm đẹp lại có thể nuôi ong lấy mật, lợi đủ đường”.
“Ươm mầm” cho sinh viên
“Khi thành công, không chỉ mình tôi hưởng lợi. Đó là cái đích cuối cùng mà tôi muốn hướng đến” - thầy Đức chia sẻ. Nhưng khi tôi hỏi ai sẽ là người hưởng lợi và đích đến cuối cùng là gì? Thì thầy Đức không trả lời, mà chỉ tay về phía một nhóm sinh viên đang tụm năm, tụm ba chăm sóc, ghi ghi chép chép bên những hạt giống vừa nảy mầm.
Tại nông trại rau hữu cơ của thầy Đức, hiện tại có hơn 50 sinh viên các khóa tại Đại học Nông lâm theo làm và nghiên cứu. Với mong muốn giúp các em sinh viên có kiến thức cơ bản, và có kinh nghiệm thực tiễn tốt để ra trường dễ xin việc, thầy Đức đã nhận nhiều sinh viên vào nông trại để cùng thí nghiệm, học tập. “Bây giờ ra trường sinh viên đi xin việc ở đâu họ cũng cần kinh nghiệm, nhưng mới ra trường thì lấy đâu kinh nghiệm. Thế nên việc cho các em lên đây để trồng trọt cùng làm nông là một trong số những hướng đi của tôi nhằm giúp sinh viên có được kỹ năng tốt khi ra trường. Sinh viên lên đây là được miễn phí hết, các em chỉ việc lo học lo làm để nắm vững kiến thức cho sau này” - thầy Đức giải thích cho câu hỏi của tôi lúc nãy.
Bạn Lê Đình Viện - sinh viên năm nhất Khoa Nông học. Từ khi mới vào trường, nghe các anh chị khóa trước giới thiệu, Viện đã xin để đi theo thầy “học nghề”. Với ước mong ra trường có được kiến thức cả lý thuyết lẫn thực hành tốt cho công việc, nên ngày nào rảnh rang Viện lại lên trại của thầy để học làm nông dân. “Lúc mới vào trường nghe mấy anh chị giới thiệu nên em tìm và xin theo thầy Đức để làm và học. Trong nhà em thì không làm nông, nhưng lại học ngành này nên em phải đi thực hành để sau này ra trường dễ xin việc. Lên với nông trại của thầy bọn em được học rất nhiều thứ, từ làm đất, chọn giống đến làm thuốc, phân hữu cơ... nói chung rất có ích cho bọn em sau này” - bạn Viện hồ hởi.
Không những giúp sinh viên có được kinh nghiệm cho việc ra trường, nông trại của thầy Đức còn là nơi tham quan học hỏi của những người muốn làm nông nghiệp sạch. Thầy cho hay, trước tiên phải có đất tốt. Dù chuyên nghiên cứu về đất đai nhưng thầy cũng khá vất vả để đi tìm được mảnh đất ưng ý, vì đa số đất nông nghiệp hiện tại đều nhiễm thuốc bảo vệ thực vật. “Tôi phải mất gần hai năm để tìm được mảnh đất như thế này, làm nông nghiệp sạch điều trước tiên là đất phải sạch. Nông nghiệp sạch nó khác hẳn với nông nghiệp an toàn. Nông nghiệp an toàn thì chỉ cần bón phân phun thuốc hợp lý và cách xa ngày thu hoạch đúng quy trình thì làm nông nghiệp sạch phải có đất sạch, giống sạch, phân thuốc là sản phẩm hữu cơ. Nói chung, làm nông nghiệp sạch thì phải kiên trì” - thầy Đức đúc kết.
12 sinh viên được thầy Đức “dạy làm nông” giờ đã có công việc ổn định, một số doanh nghiệp cũng đã liên hệ với thầy để tuyển dụng sinh viên sau khi ra trường. Đó là những thành công bước đầu để hiện thực hóa giấc mơ “nhà nông chuyên nghiệp” mà thầy Đức ấp ủ.
- Kinh doanh mảng mâm xe, lốp xe, ắc quy Thế Giới Mâm Lốp
- Trình dược viên ETC Công Ty TNHH Thương Mại Bách Quang
- Giám đốc sản xuất Công Ty TNHH SX - TM - DV Lê Trần
- Nhân viên kế toán Công Ty Cổ Phần Sản Xuất Nhựa Duy Tân
- Nhân viên kinh doanh xuất khẩu Công Ty Cổ Phần Sản Xuất Nhựa Duy Tân
- Nhân viên kế toán kho Công Ty Cổ Phần Vật Liệu Vĩnh Tân
- Nhân viên hành chính nhân sự Công Ty Cổ Phần Thương Mại Và Công Nghệ Lâm Linh Phú
- Giám sát thi công nội thất Công Ty Cổ Phần Thương Mại Và Công Nghệ Lâm Linh Phú
- Kỹ sư shopdawing Công Ty Cổ Phần Thương Mại Kỹ Thuật Đức Dương
- Kỹ sư giám sát hệ cơ Công Ty Cổ Phần Thương Mại Kỹ Thuật Đức Dương