Cẩm nang việc làm

Tận dụng nguồn nhân lực trở về từ Hàn Quốc

23-05-2017 07:49 GMT+7

Vấn đề việc làm, thu nhập và điều kiện sống là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc ngày càng tăng.

Vì vậy, tổ chức hội chợ việc làm dành cho đối tượng lao động đi Hàn Quốc theo chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (EPS) của Hàn Quốc là biện pháp giúp đối tượng lao động này sớm tìm việc làm phù hợp và thôi thúc lao động hết hạn hợp đồng tự giác về nước.

 

Mức lương chưa thỏa đáng

 

Theo đánh giá của chủ sử dụng tại Hàn Quốc, lao động Việt Nam là những người cần cù, thông minh và thích nghi nhanh với môi trường làm việc. Sau thời gian làm việc tại Hàn Quốc, lao động hồi hương đã trang bị cho mình được tác phong và kỹ năng làm việc và thành thạo tiếng Hàn Quốc. Đây là cơ sở thiết yếu đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp (DN), đặc biệt là DN Việt Nam có vốn đầu tư Hàn Quốc.

 

 

Tuy nhiên, sau khi về nước đối tượng lao động này gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình tìm kiếm việc làm phù hợp. Theo anh Đoàn Đình Huân (29 tuổi, Quỳnh Phụ, Thái Bình) cho biết: "Tôi hết hạn hợp đồng và trở về nước cách đây 4 tháng, tuy nhiên đến giờ chưa tìm kiếm được công việc phù hợp. Ở Hàn Quốc tôi làm về lĩnh vực điện tử, may mặc, nên về nước muốn tìm kiếm công việc phù hợp. Tuy nhiên, tìm được việc phù hợp thì mức lương thấp và không có nhiều chế độ đãi ngộ".

 

Theo khảo sát của phóng viên tại hội chợ việc làm, lao động từng làm việc Hàn Quốc có mức thu nhập từ 30-40 triệu đồng/tháng, rất nhiều chế độ đãi ngộ. Vì vậy, sau khi về nước họ rất cân nhắc khi tìm việc làm và yêu cầu khá khắt khe đối với nhà tuyển dụng. Theo chị Đào Trà Giang (25 tuổi, tại TP. Thái Bình) chia sẻ: "Tôi sang làm việc tại Hàn Quốc từ năm 20 tuổi và vừa trở về nước được 1 tháng, với khả năng và trình độ tiếng Hàn Quốc đã tích lũy được, tôi đủ khả năng làm phiên dịch sản xuất. Tuy nhiên, các công ty trên chỉ trả lương khoảng 10 triệu nhưng không có chế độ nào khác". Trước tình trạng trên, nhiều lao động hồi hương mong muốn có mức lương trên 15 triệu mới có thể đủ chi phí trang trải cuộc sống.

 

Theo đánh giá của ông Nguyễn Toàn Phong, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội: "Tại hội chợ việc làm cho lao động làm việc Hàn Quốc về nước, các DN đưa ra mức lương trung bình. Nếu làm việc tại các DN Việt Nam có vốn đầu tư Hàn Quốc, người lao động (NLĐ) vẫn có thu nhập ổn định như vị trí quản lý có mức lương từ 15 triệu trở lên, còn vị trí kỹ thuật đơn thuần khoảng 10 triệu đồng".

 

Tăng cường tư vấn, hỗ trợ giới thiệu việc làm

 

Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tính đến hết tháng 12.2016, trong số gần 40.000 người lao động đang làm việc tại Hàn Quốc, có khoảng 16.000 người cư trú bất hợp pháp, chiếm 39%. Trước tình trạng này, phía Chính phủ Việt Nam và Hàn Quốc đang nỗ lực giảm tỉ lệ cư trú bất hợp pháp.

 

Một trong những biện pháp giảm tỉ lệ lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp là tăng cường tổ chức các hoạt động tư vấn, hỗ trợ giới thiệu việc làm, kết nối lao động EPS về nước với các DN có vốn đầu tư của Hàn Quốc tại Việt Nam và các DN khác tại Việt Nam có nhu cầu tuyển dụng nguồn nhân lực này.

 

Thời gian qua, Trung tâm Lao động ngoài nước đã phối hợp tổ chức 34 hội chợ và phiên giao dịch việc làm dành cho người lao động từ Hàn Quốc trở về, để kết nối cung cầu lao động giữa người lao động EPS về nước và các DN. Các Hội chợ và Phiên giao dịch việc làm này đã thu hút sự tham gia của trên 700 lượt doanh nghiệp và hơn 4.000 lượt NLĐ.

 

Theo ông Song Kil-Yong, Trưởng ban phát triển nguồn nhân lực của Hàn Quốc, ngày hội việc làm tổ chức có hiệu quả sẽ tạo giúp NLĐ yên tâm về nước làm việc và giảm tình trạng cư trú bất hợp pháp. Trước đây, Hàn Quốc tổ chức khóa đào tạo nghề miễn phí cho lao động Việt Nam trước khi về nước, từ đầu năm 2016 không còn chương trình này. Tuy nhiên, lao động từng làm việc tại Hàn Quốc có kỹ năng và ngoại ngữ, nên phía Việt Nam nên tận dụng nguồn nhân lực này.

Hoa Lê - Báo Lao Động