Cẩm nang việc làm

Người xây dựng thương hiệu xoài cát Cần Giờ

10-07-2017 08:24 GMT+7

Ở xã Long Hòa, huyện Cần Giờ, TP HCM, người ta kháo nhau rằng nông dân Phạm Văn Chánh biết tính tình từng gốc xoài, biết dưỡng sức để vườn xoài 30 tuổi vẫn sai trái

Con đường dẫn từ trụ sở UBND xã Long Hòa vào nhà anh Chánh được bê tông hóa sạch sẽ, mát rượi bởi những cành xoài vươn dài từ vườn nhà ở hai lối đi. Xoài Cần Giờ vốn nổi tiếng với vị ngọt thanh, thơm lừng do được trồng ở vùng đất cát biển. Người Cần Giờ xóm trong xóm ngoài đã quen tiếng anh Chánh, một nông dân gắn bó với cây xoài từ thuở bé thơ.

 

Gắn bó từ bé với xoài

 

Đang lụi hụi chọn từng trái xoài, thấy có khách đến thăm vườn, lại có cả đoàn mang theo máy ảnh, quay phim…, anh Chánh tỏ ra lúng túng, ngại ngùng. Thuyết phục mãi, anh mới chịu chia sẻ, câu được câu mất.

 

Anh Phạm Văn Chánh chọn lựa từng quả xoài trước khi giao cho khách hàng. Ảnh: TH

 

Anh kể, gia đình sống bằng nghề làm vườn từ khi anh mới sinh ra. Những năm còn bé, anh quanh quẩn bên gốc xoài, gốc ổi. Mới 7 tuổi, anh đã theo gia đình trèo cây hái trái, rồi phụ cha mẹ nhổ cỏ, bón phân, chăm vườn.  Đến năm 1997, anh chính thức "ra riêng", với mảnh vườn gần 1ha, trồng 172 gốc xoài cát đặc trưng của Cần Giờ. Anh nhớ chi tiết từng gốc xoài, biết "tính tình" từng cây mỗi khi chuyển mùa, rồi cả năng suất, chất lượng trái của từng gốc.

 

Trước đây, vì ham trái, anh sử dụng nhiều phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật… Những gốc xoài sai trĩu quả nhưng thường xuyên bị sâu bệnh, trái "móp đầu, méo đuôi", nên loại 1 không nhiều. Thu nhập cũng vì thế mà bấp bênh, lúc được, lúc mất. Hai năm trở lại đây, anh chuyển sang giảm tỷ lệ phân, thuốc... thay vào đó tích cực chăm sóc vườn xoài theo hướng VietGAP để phát triển bền vững. Hiện tại, với sản lượng bình quân khoảng 10 tấn/ha/năm, anh thu về 300 triệu đồng mỗi năm, tăng gấp đôi so với thời anh chưa áp dụng VietGAP. Trừ chi phí sản xuất, gia đình anh thu lãi hơn 200 triệu đồng.

 

"Thu nhập có thể không cao bằng các hộ làm mô hình khác, nhưng tôi gắn bó với cây xoài từ nhỏ, tôi yêu cây xoài lắm!", anh vừa nói vừa cẩn thận đón lấy trái xoài do một "đồng nghiệp" chuyền từ trên cây xuống. Anh Chánh chia sẻ, để đảm bảo chất lượng xoài, ngoài việc bọc trái, tuân thủ các yêu cầu về bón phân, thuốc, cách ly trước khi thu hoạch, anh còn không để trái xoài chạm đất trong suốt quá trình hái, tuyển chọn và vận chuyển.

 

Trồng xoài theo tiêu chuẩn VietGAP

 

Hơn nửa đời gắn bó, anh Chánh "thuộc nằm lòng" quy trình chăm sóc cây xoài, lúc nào bón gốc, lúc nào bón lá, rồi tỉa bông… Vì chăm sóc vườn cây rất kỹ nên xoài cho sai bông. Tuy nhiên, không vì vậy mà anh để nhiều trái. Hằng năm, anh chỉ để mỗi cây cho khoảng 200kg trái. "Nếu để cây nuôi nhiều trái hơn nữa, cây sẽ kiệt sức, trái sẽ nhỏ, mùa sau cây sẽ không còn sung sức nữa. Trồng cây thu trái nhưng cũng phải biết dưỡng sức cho cây, cho đất" - anh Chánh phân trần.

 

Cũng vì thế mà vườn xoài của anh, dù đã gần 30 năm tuổi nhưng cây vẫn rất khỏe, cho trái đều, tỉ lệ trái loại 1 rất cao. Những bệnh thán thư, thối trái khô đọt, bệnh cháy lá hay sâu cắt lá, sùng đục thân, ruồi đục trái… đều không là "đối thủ" của anh.

 

Năm 2016, Cần Giờ chịu ảnh hưởng bởi đợt nắng nóng lịch sử, nhiều nhà vườn thiếu cả nước sinh hoạt, huống gì nước tưới cho vườn. Anh lo vườn cây mất sức, liền tìm tòi học cách áp dụng mô hình tưới nhỏ giọt. Anh cho biết, trước đây nhà anh chỉ sử dụng vòi để tưới, theo kiểu truyền thống từ nhiều năm nay. Theo cách này, anh phải kéo dây đến từng gốc xoài, rồi tưới nước, vừa mất sức, mất thời gian lại không đảm bảo tưới đều, tưới đủ cho cây.

 

Khi nghe một số cán bộ khuyến nông địa phương hướng dẫn, anh liền tham khảo thêm các mô hình tưới nhỏ giọt trên internet, tới tham quan một số hộ sử dụng tưới nhỏ giọt trong khu vực để học tập kinh nghiệm.

 

Từ đó, anh thiết kế thành công mô hình tưới nhỏ giọt cho vườn xoài của gia đình. Mô hình tưới do anh thiết kế gồm ống cái dẫn nước và hệ thống đường ống đưa nước đến từng gốc xoài. Ở dưới mỗi gốc xoài, anh khoan 1 lỗ nhỏ để nước nhỏ giọt thấm đều vào đất, giúp gốc xoài luôn ẩm ướt. Anh Chánh đúc kết, so với cách tưới truyền thống, hệ thống tưới nhỏ giọt giúp anh kiểm soát được độ ẩm, chủ động thời gian tưới, tiết kiệm khoảng 50% lượng nước, 80% công tưới so với tưới trực tiếp vào gốc. Không chỉ vậy, sử dụng phương pháp tưới nhỏ giọt còn giúp hiệu quả thu hoạch, trái xoài to hơn và ít bị rám nắng. Cùng với các biện pháp kỹ thuật theo chuẩn VietGAP, năm 2016, năng suất vườn xoài nhà anh đã tăng từ 7 tấn/ha lên 10 tấn/ha.

 

Cùng với các loại thủy hải sản như cá dứa, tôm sú… xoài cát trở thành một đặc sản mà du khách đến Cần Giờ khi vào mùa sẽ không thể bỏ qua. Ông Nguyễn Bá Trường - Phó Chủ tịch UBND xã Long Hòa (huyện Cần Giờ, TP.HCM) chia sẻ, khác với xoài cát trồng ở những vùng khác, xoài cát Cần Giờ chín vàng ươm, ngọt lịm và thơm nức mũi. Du khách đi từ xa đã có thể ngửi mùi xoài thơm thoang thoảng, rất hấp dẫn. Đây cũng là sản phẩm nông nghiệp chính của địa phương này. Nhờ được trồng trên vùng đất cát biển nên xoài cát Cần Giờ có mùi thơm đặc biệt, ngọt ngon đặc trưng so với xoài trồng ở các vùng khác. Đặc biệt, những dịp lễ Tết, xoài cát Cần Giờ có thể bán được với giá từ 80.000 - 100.000 đồng/kg ngay tại vườn nhà.

 

Hiện nay, huyện Cần Giờ có 23 hộ trồng xoài theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 13,8ha. Các hộ tham gia áp dụng kỹ thuật trồng, chăm sóc xoài theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao năng xuất, tăng giá trị sản phẩm. Địa phương này cũng đang thực hiện chương trình xây dựng thương hiệu cho xoài cát Cần Giờ. Sắp tới, các hộ tham gia chương trình sẽ được hỗ trợ gắn logo và chỉ dẫn địa lý. Xã Long Hòa cũng đã thành lập Câu lạc bộ Khuyến nông để các hộ nông dân cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm phát triển sản xuất.

 

Thu nhập từ vườn xoài có thể không cao bằng các hộ gia đình làm mô hình nhưng tôi gắn bó với cây xoài từ nhỏ rồi. Tôi sẽ kiên trì làm xoài theo VietGAP để không những cung cấp cho khách hàng trong nước, mà còn phục vụ cho xuất khẩu sau này".

 

Nông dân Phạm Văn Chánh

 

Thuận Hải - Báo Dân Việt