Người vẽ bản đồ thương hiệu giày Việt trên thế giới
23-05-2017 07:27 GMT+7
Khi ở chiến trường, ông là người lính can trường, dũng cảm, sẵn sàng hi sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Khi trở về với đời thường, ông vẫn luôn giữ vững phẩm chất cao đẹp, không ngại khó khăn.
Ông là Trần Văn Tắc sinh ra và lớn lên trong gia đình thuần nông ở huyện Giao Thủy, Nam Định, 18 tuổi ông tình nguyện nhập ngũ. Sau hơn một tháng hành quân, tháng 6-1974 ông cùng đơn vị đã có mặt tại chiến trường B2 Tây Ninh.
Từ người lính trở thành anh kỹ sư hóa
Từ bộ đội Miền chiến đấu tại trận địa núi Bà Đen và chốt giữ tại đây trong những ngày đầu giải phóng, sau đó ông được chuyển về đơn vị Đoàn pháo binh Biên Hòa, rồi về đơn vị Kiểm soát quân sự TP Hồ Chí Minh, sau đó ông được cử đi học Trường sĩ quan Hải quân ở Nha Trang. Do nhu cầu công tác, năm 1980, ông chuyển ngành về Công ty Da Sài Gòn.
“Phải có kiến thức mới làm tốt công việc”, nghĩ vậy ông quyết định dự thi và đã trúng tuyển vào học Khoa hóa tại Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh.
Qua quá trình công tác, bằng kiến thức đã học cùng năng khiếu và giàu sáng tạo, ông đã đóng góp rất nhiều thành tích cho Công ty Da Sài Gòn trong việc sản xuất giày. Tuy nhiên, với niềm đam mê sáng tạo, luôn muốn tìm tòi những cái mới… nên trong môi trường nhà nước ông bị bó buộc và hạn chế rất nhiều. Năm 1990, khi kinh tế tư nhân bắt đầu được thừa nhận, ông đã xin nghỉ làm ở Công ty Da Sài Gòn để ra mở cơ sở sản xuất riêng để mong được thỏa sức sáng tạo… Và ông đã gặt hái được rất nhiều thành công.
Nhờ năng khiếu bẩm sinh và giàu sáng tạo, ham nghiên cứu lại rất tinh ý nên chưa nhiều thâm niên nghề nhưng ông có thể sản xuất mọi loại đế giày đáp ứng nhu cầu thời trang trên thị trường. Ấn tượng nhất là công trình tặng công nghệ làm đế giày mới cho Công ty Giày Hiệp Hưng.
Ngày ấy khoảng năm 1990, ông Nguyễn Cao Tường – Tổng giám đốc Công ty Giày Hiệp Hưng – vội tìm gặp ông Trần Văn Tắc. Ông nói: “Anh có việc rất quan trọng muốn nhờ đến chú. Có khách hàng Thái Lan đặt anh làm loại đế này, nếu mình làm được, họ sẽ đặt mỗi năm một triệu đôi”.
Nói rồi ông đưa mẫu ra, nhăn nhó: “Cánh kỹ thuật bên mình nghiên cứu cả tháng mà không nổi…”. Cầm mẫu trên tay, Trần Văn Tắc thấy đế màu hổ phách, có độ mài mòn, đàn hồi thích hợp. Không nói ra nhưng trong đầu ông đã đoán định dùng những phụ gia nào, tỉ lệ bao nhiêu cán với cao su nguyên chất. Ông Nguyễn Cao Tường khích lệ: “Đây là đơn hàng béo bở, liên quan đến đời sống hơn chục nghìn công nhân đấy chú ạ. Cố gắng giúp anh nhé”.
Ngay trong đêm, ông đã tập trung nghiên cứu, rồi đưa các phụ gia, hóa chất vào cán, sấy… Suốt cả tuần, thay đổi các tỉ lệ pha chế và thử nghiệm ở nhiệt độ khác nhau vẫn không được.
Rồi ông lại tìm mua các loại sách nước ngoài về công nghệ cao su, thuê người dịch, rồi nghiên cứu, vận dụng làm thử. Làm cả trăm lần thực nghiệm vẫn không ra. Nhưng ông vẫn kiên trì kiểm tra lại tất cả các khâu trong quy trình rồi thử lại từng mẫu, cũng không được, màu đế vẫn đục.
Vào một đêm, ông đang trằn trọc suy tính, bỗng nhiên nghĩ đến cái máy cán. Có thể do máy cũ, nên khi cán cao su phải dùng mỡ bò phun vào 2 đầu của máy. Mỡ bò là tạp chất tác động vào cao su, gây nên biến màu. Phát hiện ra điều này là lúc hơn 12 giờ khuya.
Mừng quá, làm ông không ngủ được, chờ đến 4 giờ sáng ông phóng xe xuống cơ sở thuê cán cao su tại quận 6. Gọi công nhân dậy để thí nghiệm, rồi lại cân đo các hóa chất, như đã làm cả trăm lần trước…
Nếu đốt lò cho cao su nóng thì chờ lâu nên ông đã cắt một miếng cao su cho vào nồi luộc. Đến nhiệt độ thích hợp thì nhận ra ngay diện mạo chiếc đế cần làm. Khắc phục được sự tác động của mỡ bò ông càng tự tin vào các tỉ lệ công thức trước đó của mình.
Gặp ông Cao Tường, vừa nhìn thấy sản phẩm, ông Tường reo lên: “Đúng rồi, giỏi lắm, cám ơn chú. Bây giờ thế nào? Chú làm đế cho anh hay bán hay chuyển giao công nghệ ?”. Ông bình tĩnh nói: “Em tính kỹ rồi, anh em mình là chỗ tình nghĩa nhiều năm giúp nhau. Hơn nữa vì cuộc sống hơn chục nghìn công nhân, em tặng anh”. Ông Tường xúc động: “Thế là sao?…Em tình nghĩa quá, cả công ty cảm ơn em”. Và sau đó vài hôm Trần Văn Tắc gửi toàn bộ công thức pha chế, chuyển giao công nghệ vô tư cho Công ty Giày Hiệp Hưng sản xuất hàng loạt thành công.
Sáng tạo không ngừng
Hiện nay trên khuôn viên 65.000 m2, với hơn 1.600 công nhân, Công ty Giày Tuấn Việt của Cựu chiến binh Trần Văn Tắc sản xuất 2,5 triệu đôi giày/năm, doanh thu hơn 600 tỉ đồng.
Việc công ty có nguồn hàng ổn định và uy tín như hiện nay không hề ngẫu nhiên. Đó là kết quả của nhiều mồ hôi, công sức của cả tập thể ban lãnh đạo hơn 20 năm qua.
“Trong gần 10 năm nay chúng tôi sản xuất cho hãng giày thể thao SUPERGA của Ý. Hãng này tồn tại 105 năm nay. Trước đây có công ty Hàn quốc đã làm hàng này hơn 60 năm, bây giờ hãng muốn mở rộng quy mô sản xuất nhưng công ty ấy không đáp ứng được.
Trước đó, một đối tác Đài Loan đã đi khắp Trung Quốc mà không tìm được nơi nào sản xuất theo nhu cầu này. Họ tìm đến tôi, đưa ra mẫu đế. Mẫu này cao cấp hơn cái mẫu tôi làm cho Hiệp Hưng. Đế cũng có màu hổ phách, nhưng trong hơn, bảo đảm đàn hồi, ma sát tốt hơn.
Tôi lại lao vào nghiên cứu. Sau hơn 3 tháng tôi mới tìm ra công thức sản xuất. Xem mẫu, họ ưng ý ngay và đặt thử 5.000 đôi. Từ đó họ đặt số lượng cứ tăng dần. Là công nghệ Việt nên từ năm 2008 chúng tôi trực tiếp xuất hàng triệu đôi giày đi hơn 50 nước rồi báo cho SUPERGA ở Ý biết số lượng để họ hưởng hoa hồng”, ông Tắc cho biết.
Hỏi chuyện mới biết hơn 3 tháng nghiên cứu làm mẫu thật sự là thử thách, gian nan và chỉ thành công với người có tâm, có tài. Nhiều đêm thức trắng để nghiên cứu và thực nghiệm. Ông trực tiếp xuống xưởng làm thử, cán thử như những người thợ, không mệt mỏi.
Ông tâm sự: “Làm ra sản phẩm này không phải là mầy mò, may rủi mà phải có kiến thức về hóa học. Phải biết lý tính, hóa tính của hơn 20 chất khác nhau mới tạo ra đế giày. Phải hiểu cấu tạo phân tử của cao su thiên nhiên là các mạch không gian ba chiều, izo nối đôi chưa bão hòa. Khi ô xy môi trường tác động vào thì gây đứt mạch, dễ lão hóa. Vì vậy phải đưa bao nhiêu lưu huỳnh vào để liên kết mạch, tạo bão hòa, ngăn cản tác động của ô xy. Muốn vậy phải có chất xúc tác thích hợp. Phải biết dùng nhiều loại chất phụ gia…”.
Thành lập từ năm 1990, từ một xưởng chuyên sản xuất đế giầy, dép và gia công may mũi giầy dép cho các công ty sản xuất giầy xuất khẩu, đến nay Công ty Giầy Tuấn Việt đã vươn lên trở thành một doanh nghiệp lớn mạnh, một địa chỉ tin cậy với thương hiệu giày Tuvi's và Topia đối với khách hàng trong và ngoài nước. Năm 2006 Công ty giày Tuấn Việt trở thành nơi sản xuất giày lưu hóa, đánh dấu sự hoạt động lớn mạnh của ngành giày. Cả nước có 650 nhà máy làm giày thì chỉ có trên 10 nhà máy làm giày lưu hóa. Công ty giày Tuấn Việt là doanh nghiệp nội địa duy nhất có sản phẩm bán trong siêu thị cao cấp Vincom và được tham gia chương trình bình ổn thị trường của thành phố Hồ Chí Minh. Các sản phẩm của Công ty Tuấn Việt có form dáng chuẩn, ôm gọn đôi chân, tạo cảm giác thoải mái, êm ái, không gây đau chân, bảo vệ cột sống người sử dụng. Vừa qua, Công ty TNHH Giày Tuấn Việt vừa được VCCI vinh danh trong top 100 doanh nghiệp phát triển bền vững nhất cả nước và giày Tuấn Việt đã in dấu trên 50 quốc gia, chinh phục nhiều hãng lớn như Superga, Edhardy, ATG, William Lamb, Engry... |
- Thực tập sinh SEO full-time Diệt Côn Trùng Minh Quân
- Kỹ sư cầu đường, thi công hiện trường Công Ty Cổ Phần Sông Đà Hà Nội
- Nhân viên media, chụp hình sản phẩm Công Ty TNHH Anh Tin
- Trưởng phòng marketing Công Ty TNHH Đại Phát Tín
- Giám đốc sản xuất Công Ty TNHH Đại Phát Tín
- Nhân viên thiết kế kỹ thuật cơ khí Công Ty TNHH Sản Xuất Và Thương Mại Quân Đạt
- Trưởng phòng cơ điện Công Ty Cổ Phần Xây Dựng Và Cơ Khí Delta EC
- Kế toán thống kê công trường Công Ty Cổ Phần Xây Dựng Và Cơ Khí Delta EC
- Nhân viên vận hành máy CNC Công Ty TNHH Thương Mại Thiết Bị Công Nghiệp Tân Thành
- Nhân viên marketing Công Ty TNHH Công Nghệ Filterfine Việt Nam