Cẩm nang việc làm

Khơi nguồn sáng tạo

28-08-2017

Khuyến khích và tạo động lực để người lao động phát huy óc sáng tạo là cách mà các doanh nghiệp lựa chọn để thúc đẩy sự phát triển của đơn vị

Nếu như 20 năm trước, toàn bộ máy móc ở Công ty TNHH MTV Cao su Thống Nhất (Ruthimex) đều được mua từ nước ngoài với giá cao thì nay, trong nhà máy đã xuất hiện nhiều cỗ máy gắn logo của công ty. Chúng có tính năng hiện đại hơn, năng suất cao, chi phí chế tạo rẻ hơn hàng ngoại nhập như: máy sấy keo bán thành phẩm, máy rung phân loại sản phẩm, máy lưu hóa cao su tự động 045, 046...

 

Ngọc có mài mới sáng

 

Nói về hệ thống máy móc "made by Ruthimex", ông Trần Thanh Lâm, phó tổng giám đốc công ty, cho biết những cỗ máy hiện đại ấy đều được hình thành từ những xác máy cũ, tưởng chỉ có thể đem bán sắt vụn. Thế nhưng, tận dụng khung máy sẵn có này, đội ngũ nhân viên (NV) kỹ thuật đã "hồi sinh" chúng bằng cách thiết kế, lập trình lại toàn bộ máy móc và hệ thống điều khiển.

 

Từ đó, những cỗ máy mới ra lò với các đặc tính ưu việt hơn hẳn: từ vận hành bằng tay chuyển sang hệ thống điều khiển tự động, năng suất lao động tăng hơn 30%. Chưa hết, thay vì phải tốn khoảng 400 triệu đồng để mua máy mới thay thế, doanh nghiệp (DN) chỉ cần đầu tư khoảng 150 triệu đồng là có 1 cỗ máy hiện đại hơn.

 

Khi máy móc gặp sự cố, việc sửa chữa không còn phụ thuộc vào nhà cung cấp như trước, DN có thể chủ động sắp xếp hoạt động sản xuất. Chi phí sửa chữa cũng giảm hẳn, chỉ tốn khoảng 20 triệu đồng/lần/máy thay vì mất đến 9.000 USD như trước đây.

 

Nhân viên Công ty Ruthimex vận hành máy lưu hóa cao su tự động "made by Ruthimex"

 

Đạt được thành quả ấn tượng ấy là nhờ DN đã có những chính sách khuyến khích kịp thời để đào tạo đội ngũ NV giỏi. Quá trình đào tạo này được thực hiện ngay từ khi NV mới vào làm việc. DN bố trí họ công tác ở những nơi có cường độ làm việc cao nhất. Đây là cách để thử sức và tạo môi trường thuận lợi để NV được tiếp cận máy móc nhằm hiểu rõ hơn về quy trình vận hành cũng như bất cập của chúng, từ đó tìm tòi giải pháp khắc phục.

 

NV còn được sắp xếp làm việc theo nhóm để kèm cặp, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Khi người lao động (NLĐ) có ý tưởng sáng tạo, DN sẽ tạo mọi điều kiện để hỗ trợ thực hiện. Mỗi sáng kiến được ứng dụng đều được DN khen thưởng 10% giá trị làm lợi, đồng thời cân nhắc bố trí người có sáng kiến lên vị trí cao hơn.

 

Nhờ biết cách "truyền lửa", đến nay, Ruthimex đã có một đội ngũ NV giỏi, giàu sáng kiến. Trong đó, 5 gương lao động sáng tạo tiêu biểu nhất đã được nhận Giải thưởng Tôn Đức Thắng qua các năm. "Ngọc có mài mới sáng. Khi được tuyển dụng, những gương tiêu biểu ấy cũng chỉ là những NV có trình độ chuyên môn khá. Tuy nhiên, sau khi được mài giũa cộng với sự nỗ lực của bản thân, họ đã tỏa sáng" - ông Lâm nhận xét.

 

"Sáng kiến nhỏ - lợi ích to"

 

Đó là slogan mà bất cứ NV nào ở Công ty CP Thực phẩm CJ Cầu Tre cũng thuộc nằm lòng. Ở công ty, ban giám đốc luôn coi trọng, khuyến khích NLĐ phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật và xem đây như là một trong những chìa khóa mở cánh cửa thành công cho DN.

 

Bên cạnh Ban Sáng kiến do Công đoàn (CĐ) cơ sở lập ra, DN còn có Ủy ban Sáng kiến cải tiến kỹ thuật do phó tổng giám đốc phụ trách. Mỗi khi có ý tưởng, NLĐ có thể viết ra và bỏ vào "hộp thư sáng kiến", đề đạt trực tiếp với CĐ hoặc ủy ban sáng kiến của DN. Mỗi ý tưởng dù thực hiện được hay không cũng được thưởng khuyến khích 50.000 đồng/lần. Sau khi được thẩm định, những ý tưởng hay, khả thi sẽ được DN tạo điều kiện về chi phí và thời gian để thực hiện. Đồng thời, tùy vào giá trị làm lợi của sáng kiến, DN sẽ đề ra mức khen thưởng xứng đáng.

 

Chung tay cùng DN đẩy mạnh phong trào "Lao động giỏi - Lao động sáng tạo", CĐ công ty rất chú trọng khơi gợi sự sáng tạo của NLĐ thông qua các hoạt động của mình. Chẳng hạn, khi tổ chức cho CNVC-LĐ thi nấu ăn nhân dịp 8-3, CĐ khuyến khích thí sinh suy nghĩ và thực hiện các món mới lạ. Sau các đợt thi như vậy, nhiều món ăn đã trở thành sản phẩm mới của DN như: phở đông lạnh, spaghetti đông lạnh...

 

Ông Phạm Viết Bằng, Chủ tịch CĐ Công ty CP Thực phẩm CJ Cầu Tre, nhìn nhận: "Nhờ chính sách khuyến khích, đãi ngộ hợp lý từ chính quyền, phong trào lao động sáng tạo ở DN ngày càng lan tỏa và phát triển mạnh mẽ. Mỗi năm, NLĐ hiến kế hàng chục giải pháp, sáng kiến có giá trị, làm lợi cho DN trên 5 tỉ đồng/năm".

 

Thông qua phong trào, nhiều tấm gương lao động tiêu biểu xuất hiện và trở thành người truyền cảm hứng sáng tạo cho tập thể CNVC-LĐ, như chị Nguyễn Thị Huyền (đạt Giải thưởng Tôn Đức Thắng năm 2014) hay anh Nguyễn Thanh Hiền (Giải thưởng Tôn Đức Thắng năm 2017)...

Bài và ảnh: MAI CHI