Cẩm nang việc làm

Cử nhân kinh tế bỏ phố về quê làm nông nghiệp sạch

07-07-2017 09:04 GMT+7

Từng có một công việc ổn định ở TP HCM, cô cử nhân Đỗ Thị Minh Thơm lại quyết định thay đổi để về với vùng miệt vườn ở ấp 7, xã Bình Sơn, huyện Long Thành (Đồng Nai) phát triển nông nghiệp theo hướng VietGAP. Hiện chị đang trồng xen sầu riêng, măng cụt và chôm chôm.

Sinh ra trong một gia đình thuần nông ở tỉnh Quảng Ngãi, chị Thơm từng nghĩ sẽ "thoát nông" khi tốt nghiệp Trường đại học kinh tế TP HCM năm 2003 và tìm được công việc phù hợp tại TP với mức thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng. Khi công việc đã vào "guồng", chị lập gia đình và sinh con. Chồng chị cũng có công việc ổn định trong một cơ quan nhà nước.

 

Thành công nhờ mô hình xen canh

 

"Cuộc sống lúc đó đối với tôi tưởng như đã viên mãn, nhưng rồi bước ngoặt lại đến. Năm 2012 giá quýt tăng cao, đem lại nhiều lợi nhuận. Vợ chồng tôi quyết định tận dụng mảnh đất do cha mẹ chồng cho ở Bình Sơn để tập trung trồng quýt. Tuy nhiên, vợ chồng tôi không thể cáng đáng nhiều việc cùng một lúc. Suy đi tính lại, tôi quyết định từ bỏ công việc kế toán ở TP Hồ Chí Minh để về làm vườn, nuôi con. Còn chồng thì tiếp tục lại thành phố làm việc và hàng tuần về giúp tôi phát triển vườn cây ăn trái" - chị Thơm tâm sự.

 

Chị Đỗ Thị Minh Thơm, xã Bình Sơn, huyện Long Thành sản xuất sầu riêng sạch theo chuẩn VietGAP.

 

Những ngày đầu "quay lại" với nghề nông của chị không hề dễ dàng. Chị bị nhiều người "nói ra nói vào" bởi quyết định rẽ ngang, thế nhưng chị vẫn quyết tâm tìm hiểu và thực hiện. Sau thời gian trồng quýt khá thành công, chị dần thay thế vườn quýt già cỗi bằng cách trồng xen sầu riêng, măng cụt và chôm chôm theo hướng sản xuất sạch. Hiện sầu riêng của chị đã đạt chuẩn VietGAP. Ngoài ra, chị cũng đã đăng ký thực hiện VietGAP đối với cây măng cụt.

 

Đặc biệt, chị chấp nhận rủi ro để thu hoạch sầu riêng vào giai đoạn chín thay vì "hái già" như nhiều nhà vườn khác. Sau khoảng gần 2 năm áp dụng, vườn trái cây rộng 2,5 hécta của gia đình chị Thơm đem lại nguồn thu nhập khoảng 500 triệu đồng mỗi năm.

 

Hướng tới du lịch miệt vườn

 

Khi đã làm ra sản phẩm sạch, chị Thơm gặp khó trong khâu tìm đầu ra. Chị tìm đủ các kênh từ người quen đến mạng xã hội để quảng bá sản phẩm. Có nhiều lúc chị phải tự mình lái xe máy chạy ngược chạy xuôi đến các khu công nghiệp ở những vùng lân cận, các cửa hàng trái cây ở TP Biên Hòa, TP HCM để chào hàng. "Sản phẩm sạch nhưng đem ra chợ bán lại bị tiểu thương chê vì giá cao lại không bắt mắt thì chẳng có ai mua" - chị Thơm ngậm ngùi nói.

 

Đến nay, chị bắt đầu có những nguồn tiêu thụ ổn định, chủ yếu ở TP HCM. Chị cũng đã đầu tư sạp hàng trái cây ở chợ đầu mối nông sản Dầu Giây (huyện Thống Nhất). Đồng thời, từ cuối năm 2016 chị bắt đầu phát triển thêm loại hình du lịch miệt vườn. Theo chị, đây không chỉ là một kênh tiêu thụ mà còn là cách hiệu quả, thực tế để xây dựng thương hiệu.

 

Chị Thơm bày tỏ: "Muốn có được đầu ra và giá bán cao, ổn định thì việc tạo niềm tin và xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm sạch là yếu tố then chốt. Bởi, thị hiếu của người tiêu dùng, nhất là ở thành phố đang hướng tới nông sản sạch, chỉ cần sản phẩm đảm bảo sạch, chất lượng thì giá cao hơn họ cũng sẵn sàng chấp nhận".

 

Ngoài ra, chị Thơm cũng đã xúc tiến thành lập Hợp tác xã nông sản sạch Bàu Tre với 10 nhà vườn trong khu vực cùng tham gia, vừa để đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp, vừa để phát triển mạng lưới du lịch miệt vườn trong tương lai.

Theo Hải Quân - Báo Đồng Nai