Cẩm nang việc làm

Cách viết CV khi chưa có kinh nghiệm?

13-02-2017

Em hiện là nhân viên sale của một công ty xuất nhập khẩu thủy sản, chuyên ngành của em là sư phạm Anh văn. Em có 1 năm rưỡi kinh nghiệm về lĩnh vực xuất nhập khẩu.

Ảnh: careers.maxupdates.tv
Em đang định ứng tuyển vào một tổ chức phi chính phủ, về một đề án phát triển kinh tế vùng. Người ta yêu cầu có ít nhất một năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn pháp luật về chương trình đó và có kinh nghiệm về pro-poor policy (em không hiểu rõ lắm từ này).

Đây là điểm mà em thiếu trong yêu cầu công việc của nhà tuyển dụng. Những yêu cầu khác em cảm thấy mình có thể đáp ứng được. Em rất thích công việc này, vì em yêu thích các hoạt động xã hội và mong muốn được góp phần giúp người dân cải thiện cuộc sống.

Mong chương trình tư vấn giúp em cách viết một CV để thu hút sự chú ý của nhà tuyển dụng để họ quan tâm đến những ưu điểm và có thể bỏ qua điểm yếu của em (không có kinh nghiệm về lĩnh vực họ yêu cầu)!

(N.Nhi)

- Chào bạn. Thiện chí và mong muốn giúp ích cho xã hội của bạn rất đáng được ghi nhận và trân trọng. Xã hội luôn cần những người như bạn.

Bạn có những điểm đáp ứng được yêu cầu của công việc và cũng có những điểm còn thiếu, do đó để thu hút sự chú ý của nhà tuyển dụng khi đọc hồ sơ ứng tuyển của mình, bạn cần nắm các bí quyết sau:

Trong hồ sơ tìm việc, bạn nên tập trung trình bày những kinh nghiệm, kỹ năng và tính cách phù hợp với yêu cầu vị trí ứng tuyển, nhấn mạnh đến bất cứ thành tích nào bạn đã đạt được.

Đặc biệt với trường hợp của bạn, thư xin việc sẽ là một công cụ hiệu quả giúp bạn tạo ấn tượng ban đầu tốt đẹp với nhà tuyển dụng. Hãy nhấn mạnh đến các khả năng của bạn, sự đam mê công việc, cái tâm trong nghề - mong muốn đóng góp bằng những hành động thiết thực, và cam kết bạn sẵn sàng học và sẽ học nhanh để hoàn thiện các điểm còn thiếu.

Bạn đã cố gắng hết sức để hoàn thiện một cách trung thực nhất hồ sơ ứng tuyển. Vấn đề còn lại là tùy thuộc vào sự cân nhắc của nhà tuyển dụng. Trong trường hợp những điểm bạn chưa đáp ứng (kinh nghiệm tư vấn pháp luật và pro-poor policy - tạm dịch là chính sách hỗ trợ người nghèo) nằm trong danh sách những yêu cầu bắt buộc ứng viên phải có, và công ty không đủ thời gian hoặc nhân sự để có thể đào tạo cho bạn những kiến thức này… bạn có thể đã đoán được kết quả.

Điều này cũng tương tự như trường hợp bạn nhận được khá nhiều lời mời công việc, trong đó có một công việc bạn rất thích môi trường làm việc ở đó (rất thân thiện và chuyên nghiệp), song tính chất công việc lại không phù hợp với sở thích và sở trường của bạn… Liệu bạn có chấp nhận công việc này vì môi trường làm việc, hay bạn nên chuyển sang cân nhắc lựa chọn nghề nghiệp khác phù hợp hơn, nếu tính chất công việc mới thật sự là ưu tiên của bạn?

Để không bỏ lỡ bất kỳ cơ hội tiềm năng nào, ngay từ bây giờ bạn cần xác định cho mình một công việc phù hợp nhất với đam mê và sở trường bản thân; công việc mà bạn sẽ quyết tâm gắn bó lâu dài. Sau đó, bạn có thể đọc các bản mô tả công việc và nhanh chóng lên kế hoạch để hoàn thiện các kiến thức, kỹ năng còn thiếu.

Chúc bạn sớm đạt được ước mơ nghề nghiệp của mình!
Theo TTO