Cẩm nang việc làm

Bị bệnh "chuyện gì cũng chê"

07-03-2017

Chỗ tôi làm việc hiện nay, nhiều người có “tật” rất kỳ cục. Đó là “chuyện gì cũng chê”. Đầu tuần, em Thi, cô nhân viên trẻ của phòng diện chiếc áo mới, phấn khích khoe với mọi người: “Áo em mới mua ở cửa hàng thời trang A. nè, mấy chị xem có đẹp không?”.

Lập tức những ánh mắt ganh tị đổ dồn về phía cô. Người thứ nhất lắc đầu: "Đẹp gì mà đẹp, phí tiền”. Người thứ hai bĩu môi: "Còn thua áo chị mua hàng sida 50.000 đồng 2 cái”. Người thứ ba có vẻ cẩn trọng hơn: "Dáng em mặc những loại áo kiểu này không hợp. Nói thật đấy”. Người thứ tư lấy tay sờ vào chiếc áo: "Vải này mặc nóng chết đi được”.
 


Lần khác, chị Mai, người nổi tiếng "mê chồng, mê con” hí hửng khoe: "Thằng nhóc nhà mình được thưởng một chuyến du lịch hè ở Singapore 2 tuần”. Thay vì chia vui với chị thì các bạn đồng nghiệp của tôi mỗi người một phách, soi mói đủ điều. Có chị còn ác miệng: "Trời, thằng nhỏ nhìn mặt như bệnh down vậy mà giỏi quá hén?”. Tôi thấy mặt chị Mai trắng bệch. Rồi chị quày quả về chỗ ngồi, suốt cả buổi không nói tiếng nào nữa.

Chuyện tưởng tới đó là xong, không ngờ, có một chị già còn lên Facebook rêu rao, bới móc chuyện chị Mai sinh con thứ ba, bị kỷ luật, cắt thi đua, không đề bạt... Chị Mai uất ức nói với tôi: "Sao mọi người ác mồm, ác miệng thế? Không chia vui được thì thôi, có đâu lại kiếm chuyện chê bai, dè bỉu?”. Tôi an ủi chị: "Tại tính mọi người như vậy. Có khi họ nói rồi quên ngay chứ không để bụng”.

Tôi nói để an ủi chị Mai chứ thật ra tôi biết rõ cái bệnh "chuyện gì cũng chê” ấy đã ăn vào máu thịt một số đồng nghiệp. Họ không bao giờ muốn người khác hơn mình, dù chỉ là 50.000 đồng tiền lương hoặc phụ cấp. Có lần trước cuộc họp của cả phòng để giải quyết chuyện cãi vã, giữa 2 bà chị già trong phòng, tôi bực quá xẵng giọng: "Em thấy mọi người cũng quá đáng. Chuyện của người ta, có ăn nhập gì tới mình mà cũng chõ mũi vào...”. Tôi chưa dứt lời đã bị mắng té tát: "Cô đừng có nói hay. Tôi cũng nghe cô chê người này, nói xấu người kia sau lưng chứ có tốt lành gì đâu?”. Tôi sừng sộ: "Em nói cái gì, nói xấu ai, chị chỉ ra đi, nếu nói vu vơ không có chứng cứ, em không để yên đâu”. Thấy tôi làm dữ, bà bạn già im re. Nhưng ngay hôm sau, trên Facebook của bà có một bài "chửi phong long” mà đọc xong tôi biết ngay bà ám chỉ tôi.

Chuyện "trâu buộc ghét trâu ăn” có lẽ đã trở thành bệnh mạn tính trong nhiều người Việt. Người xưa dạy "Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” đâu có thừa? Nếu không làm vừa lòng nhau được thì chí ít cũng không nên vô cớ xúc phạm, làm buồn lòng nhau như thế...

 

 

Yến Linh

 

 

Theo Người Lao Động