Cẩm nang việc làm

Phải được chấp thuận nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài

11-09-2017

Sở LĐ-TB-XH TP HCM vừa có hướng dẫn thực hiện Thông tư số 23/2017/TT-BLĐTBXH về cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam qua mạng điện tử

Theo đó, thủ tục cấp phép lao động nước ngoài tại Việt Nam qua mạng điện tử được thực hiện như sau:

 

Phải được chấp thuận nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài

 

Trước ít nhất 20 ngày kể từ ngày dự kiến sử dụng người lao động nước ngoài, người sử dụng lao động (trừ nhà thầu) phải khai thông tin vào tờ khai và nộp báo cáo giải trình nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài theo quy định tại Điều 4 Nghị định 11/2016/NĐ-CP đến Sở LĐ-TB-XH qua cổng Thông tin điện tử http://dvc.vieclamvietnam.gov.vn, trừ các trường hợp quy định tại khoản 4,5 và 8 Điều 172 Bộ Luật Lao động và điểm e,h Khoản 2 Điều 7 Nghị định 11/2016/NĐ-CP.

 

Trường hợp thay đổi nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài thì người sử dụng lao động phải gửi  báo cáo giải trình thay đổi trước ít nhất 10 ngày kể từ ngày dự kiến sử dụng người lao động nước ngoài qua cổng thông tin điện tử.

 

Lao động người nước ngoài làm việc tại Công ty TNHH MTV Cao su Bến Thành

 

Trong vòng 9 ngày, kể từ ngày nhận được tờ khai và báo cáo giải trình hoặc báo cáo giải trình thay đổi nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài phù hợp với quy định của pháp luật, Sở LĐ-TB-XH trả lời kết quả qua thư điện tử cho người sử dụng lao động. Trường hợp báo cáo chưa thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, Sở LĐ-TB-XH trả lời kết quả qua thư điện tử cho người sử dụng lao động và nêu rõ lý do.

 

Xác nhận người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động

 

Người sử dụng lao động phải khai thông tin vào tờ khai và nộp hồ sơ đề nghị xác nhận người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo quy định tại Khoản 3, Điều 8 Nghị định 11/2016/NĐ-CP đến Sở LĐ-TB-XH qua cổng thông tin điện tử http://dvc.vieclamvietnam.gov.vn.

 

Trong vòng 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được tờ khai và hồ sơ đề nghị phù hợp với quy định của pháp luật, Sở LĐ-TB-XH trả lời kết quả qua thư điện tử cho người sử dụng lao động. Trường hợp tờ khai và  hồ sơ đề nghị chưa thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, cơ quan cấp giấy phép lao động trả lời kết quả qua thư điện tử cho người sử dụng lao động và nêu rõ lý do.

 

Cấp giấy phép lao động

 

Trước ít nhất 7 ngày làm việc, kể từ ngày người lao động nước ngoài dự kiến bắt đầu làm việc cho người sử dụng lao động thì người sử dụng lao động phải khai thông tin vào tờ khai và nộp hồ sơ đề nghị cấp phép lao động theo quy định tại Điều 10 Nghị định 11/2016/NĐ-CP đến Sở LĐ-TB-XH qua cổng thông tin điện tử http://dvc.vieclamvietnam.gov.vn.

 

Trong vòng 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được tờ khai và hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động phù hợp với quy định của pháp luật, cơ quan cấp giấy phép lao động trả lời kết quả qua thư điện tử cho người sử dụng lao động. Trường hợp tờ khai và  hồ sơ đề nghị  cấp giấy phép lao động chưa thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, cơ quan cấp giấy phép lao động trả lời kết quả qua thư điện tử cho người sử dụng lao động và nêu rõ lý do.

 

Cấp lại giấy phép lao động

 

Người sử dụng lao động phải khai thông tin vào tờ khai và nộp hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép lao động theo quy định tại Điều 13 Nghị định 11/2016/NĐ-CP đến Sở LĐ-TB-XH qua cổng thông tin điện tử http://dvc.vieclamvietnam.gov.vn.

 

Trong vòng 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được tờ khai và hồ sơ đề nghị phù hợp với quy định của pháp luật, Sở LĐ-TB-XH trả lời kết quả qua thư điện tử cho người sử dụng lao động. Trường hợp tờ khai và  hồ sơ đề nghị chưa thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, cơ quan cấp giấy phép lao động trả lời kết quả qua thư điện tử cho người sử dụng lao động và nêu rõ lý do.

 

Người sử dụng lao động lựa chọn một trong hai phương án:

 

1- Thực hiện trực tiếp tại Sở LĐ-TB-XH.

 

2- Thực hiện qua cổng thông tin điện tử để thực hiện nộp báo cáo giải trình nhu cầu sử dụng lao động, hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại giấy phép lao động; hồ sơ đề nghị xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động.

K.Linh