Tăng tuổi nghỉ hưu: cần nghiên cứu bài bản nhiều đối tượng
23-05-2017Góp ý về đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, PGS.TS Nguyễn Văn Định - nguyên Trưởng khoa Bảo hiểm ĐH Kinh tế quốc dân đề xuất chọn đối tượng phù hợp, mỗi năm tăng một tuổi và nghiên cứu bài bản.
Thưa ông, dự thảo lần 2 Bộ luật Lao động sửa đổi, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) đưa ra 2 phương án từ năm 2021, mỗi năm tăng thêm 6 tháng đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. Ông có ý kiến gì về phương án này?
- Tôi đồng ý với phương án Bộ LĐ-TB-XH điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu bởi 2 lý do. Thứ nhất, tốc độ già hóa ở các quốc gia, trong đó có nước ta diễn ra rất nhanh. Đương nhiên, tuổi thọ của người dân ngày càng cao, trong đó có người lao động, thì tuổi nghỉ hưu nên tăng. Thứ hai, xu hướng chung của các nước đều tăng tuổi nghỉ hưu. Tuy nhiên, với thực tế nước ta, mức độ điều chỉnh như thế nào là vấn đề cần cân nhắc.
Ở dự thảo lần 1, Bộ LĐ-TB-XH đưa ra phương án điều chỉnh tuổi nghỉ hưu mỗi năm tăng thêm 4 tháng cho đến khi nam đủ 62, nữ 58 tuổi. Dự thảo lần 2, mỗi năm tăng thêm 6 tháng đến khi nam đủ 62, nữ 60 tuổi, tôi thấy điều chỉnh hợp lý hơn. Ngoài những lý do trên, đại đa số người Việt Nam về hưu, nhất là nữ giới còn sức trẻ cũng như sức lao động. Đặc biệt, những chị em làm ở một số lĩnh vực nghiên cứu, giảng dạy, quản lý.
Như vậy, không phải tất cả người lao động (NLĐ) làm việc ở mọi ngành nghề đều thuộc đối tượng điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu?
Đúng thế! Trong tổng lực lượng xã hội thì nên chọn ra những đối tượng cần điều chỉnh và giữ nguyên tuổi nghỉ hưu như hiện nay. Có một số đối tượng chúng ta không nên điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu, chẳng hạn lao động làm ở một số ngành nghề khai khoáng, xây dựng, lắp đặt, chế biến thủy sản, dệt may, da giày... Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, có đến 80% lao động làm việc ở ngành thủy sản, dệt may, da giày là nữ; đa số họ đều muốn nghỉ hưu sớm. Tôi thấy họ nói có lý vì làm những công việc này, khi tuổi càng cao sức khỏe càng giảm sút. Đó là chưa nói tới họ mắc bệnh nghề nghiệp như công nhân dệt may, gia dày vượt 55 tuổi mắt mờ, thao tác chậm chạp, dẫn đến chất lượng sản phẩm không thể tăng được.
Thời điểm tăng tuổi nghỉ hưu vô cùng quan trọng, bởi hiện nay nam 60 và nữ 55 tuổi nghỉ hưu, tỉ lệ lao động thất nghiệp rất cao. Dự thảo lần 2 điều chỉnh năm 2021 mới tăng tuổi nghỉ hưu là hợp lý vì hơn 4 năm nữa kinh tế ổn định sẽ thu hút thêm được lực lượng lao động lớn. Và khi sản xuất phát triển, số lượng DN được thành lập mới ngày càng nhiều, cộng với đào tạo nhân lực phù hợp là cái gốc để thu hút lực lượng lao động vào làm việc.
Tuổi thọ của người Việt Nam tăng, nhưng trung bình mỗi người dân có hơn 10 năm sống trong bệnh tật, liệu tăng tuổi nghỉ hưu có đảm bảo năng suất lao động (NSLĐ)?
- NSLĐ tăng hay giảm phụ thuộc vào nhiều yếu tố, sức khỏe của NLĐ cũng có một phần. Theo tôi, muốn NSLĐ tăng, yếu tố quản lý giữ vai trò quan trọng. Tuyển dụng lao động cũng rất quan trọng vì liên quan đến cách thức và phương pháp tính lao động. Nếu tính NSLĐ của Việt Nam hiện nay đương nhiên rất thấp bởi phần lớn các cơ quan đoàn thể biên chế tăng, thừa người. Thứ nữa, trình độ tay nghề của người Việt nói chung còn yếu vì chủ yếu là lao động phổ thông, nông nghiệp. Nhưng tôi tin NSLĐ của chúng ta cải thiện bởi các cuộc thi tay nghề ASEAN, đoàn Việt Nam luôn đứng ở thứ hạng cao. Do vậy, không nên vì yếu tố sức khỏe mà chúng ta giữ nguyên tuổi nghỉ hưu như hiện nay.
Nhưng nhiều người không đồng ý tăng tuổi nghỉ hưu. Mới đây Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho rằng tăng tuổi nghỉ hưu là "tham quyền cố vị"?
- Tôi nghĩ ông ấy nói một phần đúng, vì vậy chúng ta cần phải chọn lọc đối tượng tăng. Ví dụ cán bộ giảng dạy và nghiên cứu ở các trường đại học, viện, người có tay nghề bậc cao thì DN ký hợp đồng làm việc kéo dài. Cách làm này sẽ tạo sự cạnh tranh giữa người trong và ngoài DN. Những người chưa được ký hợp đồng sẽ tự đào tạo, nghiên cứu, phát triển kỹ năng của mình để có việc làm mới.
Ngoài chọn đối tượng phù hợp để tăng tuổi nghỉ hưu, tôi nhấn mạnh đến việc mỗi năm tăng thêm một tuổi để dễ tính toán tiền lương, bảo hiểm… Còn nếu cứ mỗi năm tăng 6 tháng theo đề xuất của Bộ LĐ- TB-XH, khối lượng công việc của những người làm lương, bảo hiểm cho đối tượng về hưu rất lớn, lắt nhắt rất mất thời gian. Tất nhiên, khi mỗi năm tăng một tuổi, sẽ ảnh hưởng đến cơ hội việc làm của đội ngũ trẻ mới tham gia vào thị trường lao động nhưng không lớn. Và để Quốc hội thông qua Bộ luật Lao động này, trong đó có đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu, cần phải có nghiên cứu bài bản của những nhà khoa học với nhiều đối tượng chứ không chỉ mình Bộ LĐ-TB-XH làm.
- Kỹ sư nhiệt lạnh Công Ty Cổ Phần Xây Dựng Phước Thành
- Kỹ sư cấp thoát nước Công Ty Cổ Phần Xây Dựng Phước Thành
- Nhân viên tính khối lượng điện Công Ty Cổ Phần Xây Dựng Phước Thành
- Nhân viên mua hàng Công Ty TNHH Tín Đức
- Chuyên viên digital content marketing Công Ty TNHH Thương Mại Vạn An
- Nhân viên kinh doanh Công Ty TNHH Bao Bì Anh Dương
- Kỹ sư thiết kế cơ khí, chi tiết máy Công Ty TNHH Chế Tạo Máy Dược Phẩm Tiến Tuấn
- Nhân viên lập trình, vận hành máy phay CNC Công Ty TNHH DongWoo ST Vina
- Nhân viên digital marketing Công Ty CP Giải Pháp Tự Động Hóa Etek
- Kỹ sư tự động hóa Công Ty TNHH Thiết Bị Tự Động Hóa Kim Khí Thăng Long